Nghiên cứu tăng thuế suất thuế VAT, bổ sung đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mở rộng cơ sở thuế thông qua giảm nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%; nghiên cứu tăng thuế suất thuế GTGT theo lộ trình; bổ sung đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân...

Đây là những nội dung trong kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký ban hành.

Nghiên cứu tăng thuế suất thuế VAT

Theo kế hoạch này, Bộ Tài chính đề ra một số nội dung cụ thể như sau: Mở rộng cơ sở thuế thông qua giảm nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT – thuế VAT) và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%; tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất; nghiên cứu tăng thuế suất thuế GTGT theo lộ trình; rà soát điều chỉnh ngưỡng doanh thu áp dụng phương pháp khấu trừ cho phù hợp với thực tế.

Cơ quan thuế sẽ nghiên cứu áp dụng thống nhất phương pháp tính thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với người nộp thuế có doanh thu dưới ngưỡng hoặc không đủ điều kiện áp dụng phương pháp khấu trừ; hoàn thiện các quy định liên quan đến thuế GTGT đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, đảm bảo phản ánh đúng bản chất và phù hợp thông lệ quốc tế.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB): rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB để điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường;

Xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; rà soát điều chỉnh mức thuế TTĐB đối với một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB.

Chính sách thuế sẽ thay đổi theo hướng mở rộng cơ sở thuế

Chính sách thuế sẽ thay đổi theo hướng mở rộng cơ sở thuế

Đối với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: tiếp tục thu gọn số lượng mức thuế suất để đơn giản biểu thuế nhập khẩu, phấn đấu đến năm 2025 số lượng mức thuế suất thuế nhập khẩu giảm từ 32 mức hiện nay xuống còn khoảng 25 mức.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để thúc đẩy xuất khẩu, khuyến khích gia tăng giá trị nội địa, hạn chế xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô; có chính sách ưu đãi phù hợp để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ và các lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời kỳ và các cam kết quốc tế.

Nghiên cứu sửa đổi các quy định về hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nhập khẩu tại chỗ và các quy định liên quan đến khu phi thuế quan, đảm bảo đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan, hạn chế gian lận thương mại, trốn thuế.

Bổ sung đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Rà soát để sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, yêu cầu hội nhập quốc tế;

Hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn thuế, giảm thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định trong trung và dài hạn;

Thực hiện ưu đãi thuế TNDN đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, đồng thời, chuyển trọng điểm chính sách thu hút đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư vào những ngành, nghề mũi nhọn và những địa bàn cần khuyến khích đầu tư; thực hiện các tiêu chuẩn phòng, chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu theo thông lệ quốc tế.

Tiếp tục thực hiện rà soát bổ sung đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN); nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng điều chỉnh số lượng và các mức thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế phù hợp với bản chất của từng loại thu nhập, tạo điều kiện đơn giản trong quyết toán thuế TNCN cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, ngăn chặn các hành vi trốn, tránh thuế;

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về miễn thuế, giảm thuế phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn và thông lệ quốc tế.

Để triển khai thực hiện Chiến lược cải cách thuế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, trong đó: ở cơ quan Tổng cục Thuế Ban chỉ đạo do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế làm Trưởng ban; đồng thời thành lập các Tiểu ban để triển khai từng chương trình cụ thể.

Ở cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: thành lập Ban chỉ đạo do Cục trưởng Cục Thuế làm Trưởng ban.

Ban chỉ đạo các cấp có nhiệm vụ chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chiến lược theo đúng nội dung và lộ trình đã được đề ra; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hành động hàng năm; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch một cách thống nhất từ trung ương đến địa phương.