Nghiên cứu khoa học trẻ: Chất lượng thấp vì chạy theo thành tích

ANTĐ - “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” vốn được coi là sân chơi khoa học lớn nhất của giảng viên trẻ và sinh viên các trường ĐH. Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra, số công trình có chất lượng cao không nhiều.

Nghiên cứu khoa học trẻ: Chất lượng thấp vì chạy theo thành tích ảnh 1Sinh viên chưa được đầu tư tốt về kiến thức, kinh phí khi nghiên cứu khoa học

Chưa thực sự say mê

Thực tế hiện nay, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) trong giảng viên, sinh viên ĐH, CĐ không được theo đuổi một cách  bài bản. Đa số sinh viên thừa nhận làm NCKH vì thành tích, phong trào chứ không phải say mê thực sự. Nguyễn Minh Nguyệt, sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: “Mặc dù NCKH trong sinh viên được nhà trường khuyến khích nhưng nhiều bạn chỉ tham gia theo phong trào”. 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” đã được các bộ phối hợp tổ chức 25 năm nay để xây dựng một sân chơi khoa học lớn nhất cho giảng viên trẻ và sinh viên các trường ĐH. Chỉ tính riêng năm 2014, cả nước đã có 229/293 đề tài tham gia Giải thưởng NCKH của sinh viên được trao giải. Các lĩnh vực được sinh viên đề cập rất đa dạng và thực tế như vật liệu mới; thiết bị tiết kiệm năng lượng; thiết bị tự động hóa; xử lý nước thải, chất thải nguy hại… “Kết quả đạt được cho thấy tiềm năng của các giảng viên trẻ và sinh viên trong NCKH là rất lớn. Dù vậy, số lượng các công trình nghiên cứu có chất lượng cao thực sự chưa nhiều” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga thừa nhận.

Kinh phí ít, thời gian không có

Theo các chuyên gia, chất lượng đề tài nghiên cứu của sinh viên chưa cao bởi nhiều nguyên nhân khách quan. Lê Thu Hương, sinh viên ĐH Huế, giải Nhất Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2014, với công trình nghiên cứu dược phẩm mới chưa từng xuất hiện trong điều trị bỏng - chia sẻ, phần thưởng hiện nay không đủ khuyến khích, hấp dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu có thể kéo dài nhiều tháng thậm chí cả năm nhưng giải Nhất cũng chỉ có mức thưởng 5 triệu đồng. “Tôi phải bỏ ra hơn 1 năm để đầu tư cho đề tài của mình nhưng nếu không kêu gọi được sự tài trợ của một số hãng dược cùng sự chia sẻ, giúp đỡ về kinh phí của thầy cô hướng dẫn thì đề tài của tôi không thể hoàn thành” – Lê Thu Hương khẳng định. Cũng theo sinh viên này, trường ĐH rất ủng hộ và tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu, nhưng với kinh phí hạn chế, các nhóm NCKH của sinh viên phần lớn vẫn phải tự thân vận động.

Nguyễn Minh Nguyệt, sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ, cô và các bạn trong nhóm nghiên cứu đã nhiều lần định bỏ cuộc vì không có thời gian. “Sinh viên không được tách bạch thời gian NCKH với thời gian học tập. Vừa phải làm đề tại NCKH vừa lo hoàn thành giờ lên lớp, các bài kiểm tra… khiến sinh viên cảm thấy quá tải, không đủ kiên nhẫn để đầu tư tốt nhất cho đề tài NCKH” – Nguyễn Minh Nguyệt cho biết.

Dương Đức Lộc, sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân, đoạt giải Khuyến khích - Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2014 cho biết, nhóm của em dành nhiều thời gian cho đề tài nghiên cứu tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt đường sắt - đường bộ ở Việt Nam. Nói về khó khăn của nhóm, Dương Đức Lộc cho biết, do lần đầu tiên thực hiện đề tài NCKH, với nhiều nội dung chưa được đề cập trong quá trình học nên nhóm lúng túng cả về phương pháp nghiên cứu và việc triển khai thu thập, phân tích số liệu. 

Có thể thấy, sinh viên ĐH hiện nay chưa được chuẩn bị những kiến thức nền tảng cho NCKH. Việc vừa làm, vừa tự mày mò trong điều kiện thiếu cả về kinh phí lẫn thời gian khiến cho các công trình nghiên cứu của sinh viên khó đạt chất lượng cao nếu các em không tự nỗ lực và nhận được sự hỗ trợ từ các kênh khác ngoài nhà trường...

Bộ GD-ĐT vừa yêu cầu các trường ĐH phải dành tối thiểu 5% nguồn thu hợp pháp cho đầu tư phát triển và khuyến khích các hoạt động khoa học - công nghệ, ưu tiên triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Mức đầu tư cho người nghiên cứu khoa học tối thiểu là 3% nguồn thu học phí của trường. Bộ cũng yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ giảng viên nghiên cứu khoa học.