Nghiên cứu giảm mức đóng bảo hiểm xã hội

ANTD.VN - Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện nay tại Việt Nam đang ở mức cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh. 

Mức đóng BHXH ở mức cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Theo số liệu nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức đóng BHXH của người dân và doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức cao nhất khu vực ASEAN. Cụ thể, tỷ lệ đóng BHXH của Việt Nam là 32,5% mức lương (người lao động đóng 10,5%, doanh nghiệp đóng 22%). Trong khi đó, doanh nghiệp Malaysia đóng BHXH ở mức 13%, Philippines là 10%, Indonesia 8% và Thái Lan chỉ là 5%.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phân tích, với cách tính đó, chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao, doanh nghiệp buộc phải lựa chọn tăng giá thành sản phẩm nhưng điều này lại khiến hàng hóa mất đi tính cạnh tranh so với các sản phẩm nước ngoài. Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần phải giảm tỷ lệ hoặc giãn lộ trình đóng BHXH.

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, mức đóng và tỷ lệ đóng BHXH đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện thu BHXH trên mức lương và các khoản phụ cấp ghi trên hợp đồng lao động. Việc áp dụng tính đóng dựa trên cơ sở đầu ra, tức là mức nền tiền lương làm căn cứ đóng được điều chỉnh tiệm cận với mức thu nhập thực tế của người lao động.

Trên thực tế, mức đóng cao còn ảnh hưởng tới việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, gây khó khăn cho việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng lao động. Do đó, cần xem xét giảm mức đóng BHXH đối với doanh nghiệp và người lao động.

Trước thực trạng trên, mới đây, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương và BHXH, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tỷ lệ đóng, hưởng quỹ bảo hiểm thất nghiệp, BHXH và nghiên cứu điều chỉnh mức đóng, hưởng cho phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có một bản báo cáo tổng hợp dựa trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, khó khăn của các doanh nghiệp, kiến nghị từ phía người lao động để đưa ra các giải pháp kịp thời. Thực tế, Bộ đã nhận được phản ánh từ phía doanh nghiệp, đề nghị giảm từ 22% xuống 18%.