Nghiên cứu, đề xuất chiến lược đào tạo nguồn nhân lực Công nghiệp an ninh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 8-6, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và đoàn công tác Bộ Công an đã có buổi làm việc với Cục Công nghiệp An ninh về kết quả triển khai, phát triển công nghiệp an ninh ( CNAN) và công tác quản lý các doanh nghiệp an ninh.

Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện các Cục chức năng Bộ Công an, cùng tham dự buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm và đoàn công tác Bộ Công an đã nghe lãnh đạo Cục CNAN báo cáo thực trạng, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp an ninh; phương hướng hoạt động thời gian tới cũng như những kiến nghị đề xuất nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc; và phát biểu tham luận của đại diện một số đơn vị chức năng Bộ Công an liên quan.

Bộ trưởng Tô Lâm kiểm tra một số sản phẩm chuyên dụng phục vụ công tác chiến đấu do doanh nghiệp an ninh sản xuất

Bộ trưởng Tô Lâm kiểm tra một số sản phẩm chuyên dụng phục vụ công tác chiến đấu do doanh nghiệp an ninh sản xuất

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: “Chúng ta có nhiều cơ hội, nhiều doanh nghiệp có sản phẩm mang tính độc quyền nhưng chúng ta chưa khai thác hết được, chưa hướng tới các sản phẩm lưỡng dụng để vừa cung cấp cho phục vụ công tác chiến đấu của ngành, vừa cung cấp cho xã hội”.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm đã ghi nhận, biểu dương kết quả, sự nỗ lực, cố gắng của Cục CNAN và các doanh nghiệp trực thuộc trong thời gian qua. Đối với những tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo và các ý kiến phát biểu của các đại biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm, có biện pháp nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII đã xác định mục tiêu đến năm 2030 xây dựng lực lượng Công an chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Để thực hiện được thành công mục tiêu này, cần có sự quyết tâm, nỗ lực, cố gắng của toàn lực lượng và huy động được các nguồn lực của xã hội, sự ủng hộ của các cấp, các ngành. Trong đó, CNAN và các doanh nghiệp an ninh đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra những giá trị nền tảng cho tiến trình hiện đại hóa lực lượng CAND, nhất là trong bối cảnh xu thế toàn cầu thực hiện cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, từng bước nâng cao vị thế, vai trò, tầm vóc, đưa nền CNAN và quy mô sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp an ninh phát triển xứng tầm với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã đề ra, ngoài những phương hướng, nhiệm vụ Cục CNAN đã trình bày trong báo cáo, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Cục CNAN cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, vị thế của CNAN trong tổng thể nền công nghiệp quốc gia; tập trung nghiên cứu xây dựng Đề án “Tổng thể phát triển, hiện đại hóa CNAN đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”.

Trong đó xác định những cơ chế củng cố và từng bước đưa CNAN có vị trí và phát triển, đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu của lực lượng CAND trong tình hình mới; lựa chọn lĩnh vực CNAN là thế mạnh của lực lượng CAND để đầu tư phát triển thành lĩnh vực mũi nhọn, vươn lên giữ vị trí quan trọng trong nền công nghiệp quốc gia; bám sát quá trình phát triển kinh tế số quốc gia, nghiên cứu hình thành, đầu tư phát triển doanh nghiệp an ninh trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Đồng chí Bộ trưởng gợi mở, cần tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mới phù hợp xu thế phát triển của thời đại công nghệ số. Chú trọng chuyển giao công nghệ để đi tắt đón đầu trong một số lĩnh vực.

Đồng thời quan tâm nghiên cứu, đề xuất chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho CNAN, có chính sách thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao. Xây dựng đội ngũ lao động tại các doanh nghiệp an ninh, cơ sở sản xuất... đủ về số lượng, đảm bảo yêu cầu về trình độ, tay nghề, đặc biệt là đội ngũ công nhân kỹ thuật và lao động trực tiếp đủ năng lực ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật mới, hiện đại trong lao động, sản xuất.