Nghịch lý tiền tỷ

(ANTĐ) - Chứng kiến cảnh các khán đài SVĐ Hà Nam chật ních khán giả theo dõi các trận đấu giải bóng đá VĐQG nữ 2011, hẳn nhiều người sẽ liên tưởng đến cảnh “vắng như chùa Bà Đanh” tại các trận đấu V-League - nơi có sự xuất hiện của những cái tên “khủng”, có giá chuyển nhượng lên tới cả chục tỷ đồng.

Còn nhớ trước thềm mùa giải, trong khi V-League có nhiều nhà tài trợ thì tại sân chơi dành cho các đồng nghiệp nữ, lãnh đạo VFF phải chạy đôn, chạy đáo tìm “Mạnh Thường Quân” để duy trì giải. Và phải đến trước thời điểm khai mạc vài ngày, khi Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đồng ý tài trợ, BTC giải mới có thể thở phào. Song không vì thế mà sự quan tâm của người hâm mộ dành cho các “cầu thủ tóc dài” thuyên giảm.

Sự xuất hiện của hàng nghìn khán giả trong mỗi trận đấu không còn xa lạ tại giải bóng đá VĐQG nữ, song tại giải đấu tương tự dành cho các đồng nghiệp nam, hình ảnh đó là điều xa xỉ. Nếu cho lên bàn cân, số tiền trên 500 tỷ đồng mà 14 CLB “đốt” cho V-League 2011 hoàn toàn chênh lệch với khoản tiền hơn 1 tỷ đồng mà giải VĐQG nữ nhận được để duy trì giải. Song nghịch lý là hầu hết các trận đấu V-League 2011 đều vắng hoe vắng hoắt.

 Hình ảnh này khó có thể thấy ở V-League khi mà sân chơi này vẫn thiếu yếu tố đẹp và “sạch”(Ảnh: Khán đài sân Hà Nam trận PP.Hà Nam gặp HN.TA I chiều 6-7)

 Hình ảnh này khó có thể thấy ở V-League khi mà sân chơi này vẫn thiếu yếu tố đẹp
và “sạch”(Ảnh: Khán đài sân Hà Nam trận PP.Hà Nam gặp HN.TA I chiều 6-7)

Bóng đá vẫn được ví như môn nghệ thuật sân cỏ mà ở đó, cầu thủ là những nghệ sỹ “sáng tác” và trình diễn những pha bóng đẹp để hấp dẫn người xem. Nhưng V-League lại không làm được vậy. Từ sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức đến sức hấp dẫn từng trận đấu còn chưa xứng với cái danh “giải đấu lớn nhất Đông Nam Á”. Hẳn nhiều người sẽ thắc mắc, với sự xuất hiện của những cầu thủ nội có giá trị chuyển nhượng hàng tỷ đồng, cộng thêm nhiều ngoại binh có chất lượng thì tại sao V-League vẫn không thể “kéo” được người xem đến sân?

 Không khó để có thể đưa ngay ra câu trả lời: nguyên nhân xuất phát từ những toan tính (vượt ngoài yếu tố chuyên môn) từ những người trong cuộc, làm mất đi “chất nghệ thuật” của các trận đấu. Từ chuyện các cầu thủ chỉ đá hết sức mình khi ông “bầu” đội bóng treo tiền thưởng cao, đến việc những ngôi sao “đứng núi này, trông núi nọ”, cố tình làm mình, làm mẩy để được đáp ứng những đòi hỏi về vật chất hoặc được cập bến đỗ mới nhiều tiền…

Sở dĩ, những khán đài trên SVĐ Hà Nam luôn đầy ắp khán giả là bởi ở đó, người hâm mộ được thưởng thức những trận cầu… sạch, trong không khí bóng đá đích thực. Và chừng nào V-League chưa hội tụ những yếu tố đó, thì việc khán giả thờ ơ đến sân là điều dễ hiểu.