Nghịch lý thực phẩm sạch

ANTĐ - Trong bối cảnh thực phẩm mất an toàn vệ sinh đang bủa vây mâm cơm mỗi gia đình khiến người tiêu dùng luôn “khát” thực phẩm sạch. Nghịch lý ở chỗ nhiều cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm sản an toàn lại khó tiêu thụ, không tìm được đầu ra. 

Nghịch lý thực phẩm sạch ảnh 1

Nghịch lý luẩn quẩn

Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an thời gian gần đây đã phải ráo riết, tung hết lực lượng trong cuộc chiến chống thực phẩm mất an toàn. Đáng lo ngại, càng thanh tra, kiểm tra càng phát hiện ra nhiều thủ đoạn tinh vi, hám lợi của người sản xuất, kinh doanh cố tình sử dụng hóa chất độc hại trong chăn nuôi, trồng trọt như chất cấm salbutamol, chất Vàng ô, các loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, sử dụng chất tạo màu, phẩm màu công nghiệp để làm đẹp thực phẩm… Trong bối cảnh này, người tiêu dùng luôn “khát” thực phẩm sạch, nhưng người sản xuất lại than sản xuất ra không tiêu thụ được.

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen cho biết, lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất thực phẩm như rau, củ, quả… rất khó thu hút doanh nghiệp tham gia vì lợi nhuận ít mà rủi ro lại cao. “Có khi bán cả tấn rau củ quả mới được vài triệu đồng. Nhưng rau củ quả lại rất dễ hư hỏng, thời gian bảo quản ngắn, không tiêu thụ được là phải bỏ đi, nên rất ít doanh nghiệp hào hứng. Hơn nữa, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cũng rất khó tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng. Mang hồ sơ đến các ngân hàng, xin vay để đầu tư vào nông nghiệp là họ không mặn mà rồi”, ông Nguyễn Tiến Hưng bày tỏ.

Không những khó khăn về tiếp cận vốn mà việc quy tụ ruộng đất để canh tác lớn cũng khó quy hoạch vì sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc còn manh mún. Theo đó, Công ty BigGreen chuyên cung cấp các loại rau, củ, quả sạch, được trồng tại nhiều vùng rau trên cả nước, nhưng sản phẩm đều phải tự thân tiêu thụ tại các cửa hàng bán thực phẩm sạch, không thể len lỏi vào được các siêu thị lớn, có sức tiêu thụ mạnh. 

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hào, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tiền Lệ ở xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội cho biết, HTX Tiền Lệ đang có khoảng 2.000 xã viên với tổng diện tích đất canh tác lên tới 41ha. Đến nay 31ha đã được cấp chứng nhận VietGap (sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững). Sản lượng rau, củ mỗi ngày lên tới 10 tấn nhưng tiêu thụ rất khó khăn. “Chỉ một số ít lượng rau rủ quả của xã viên được tiêu thụ vào các bếp ăn tập thể, trường học, còn lại bà con vẫn phải đưa ra các chợ dân sinh, chợ đầu mối tiêu thụ. Giá bán cũng chỉ tương đương rau, củ được sản xuất theo quy trình thông thường”, ông Nguyễn Văn Hào băn khoăn.

Nguyên nhân từ việc xói mòn lòng tin

Nguyên nhân theo ông Nguyễn Tiến Hưng, một phần do sự làm ăn kiểu “chộp giật”,  chạy theo lợi nhuận của một số doanh nghiệp, cá nhân đã khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm an toàn. Trong khi đó, truyền thông cũng như tuyên truyền còn yếu khiến người dân không thể phân biệt, không biết địa chỉ nào bán thực phẩm sạch, cơ sở nào được công nhận bán thực phẩm sạch. 

Cụ thể, gần đây nhất ngày 27-4, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an và Chi cục Thú y TP.HCM đã quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Văn Toàn, tại tỉnh Long An về hành vi kinh doanh động vật chứa chất cấm. Ngoài bị xử phạt hành chính 25 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Toàn còn phải đóng thêm khoảng 100 triệu đồng để tiêu hủy toàn bộ 80 con lợn dính chất cấm. Đáng nói, số lợn này được chăn nuôi từ nông hộ đã được chứng nhận VietGap. Theo đoàn thanh tra liên ngành, trang trại Vy Hướng Mạnh (Thống Nhất, Đồng Nai), nơi xuất bán lợn cho ông Nguyễn Văn Toàn để chuyển về Công ty Vissan giết mổ, là cơ sở chăn nuôi được Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGap nông hộ.

Không chỉ thực phẩm tươi sống, mà trong lĩnh vực kinh doanh rau, củ, quả, thời gian qua trên địa bàn TP Hà Nội, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội cùng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, CATP Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau an toàn. Thậm chí, một số siêu thị đã lập lờ bán sản phẩm không đảm bảo an toàn. Đây được đánh giá là một trong những nguyên nhân gây xói mòn lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông sản an toàn.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thông tin, trên cả nước hiện có 100 trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGap, chăn nuôi an toàn. Ngoài ra, dự án thí điểm tại 12 tỉnh đã có 9.037 nông hộ được cấp chứng nhận chăn nuôi VietGap nông hộ. “Chăn nuôi VietGap nông hộ do địa phương chứng nhận và giám sát. Có thể do khâu hậu kiểm chưa chặt chẽ nên mới xảy ra tình trạng này. Còn 100 trang trại chăn nuôi lớn đã được cấp VietGap thì chưa có trang trại nào vi phạm”, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết. Hiện, Cục Chăn nuôi đang xây dựng 8 tiêu chuẩn Gap mới đơn giản hơn, phù hợp với tiêu chuẩn của Asean nhưng vẫn đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Kết nối người sản xuất - người tiêu dùng

Trả lời câu hỏi về việc các doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào nông nghiệp để sản xuất nông sản an toàn nhưng khó tiêu thụ, trong khi người tiêu dùng “khát” thực phẩm sạch, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận, thực trạng này đã diễn ra nhiều năm qua và Bộ NN&PTNT đã thừa nhận. “Thời gian qua Bộ làm chưa tốt nên người dân, doanh nghiệp làm ra sản phẩm an toàn gặp khó khăn trong tiêu thụ. Bộ sẽ tăng cường kết nối, xúc tiến thương mại trong thời gian tới”, ông Vũ Văn Tám khẳng định. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp trong năm 2016 là kết nối sản phẩm nông sản được sản xuất theo chuỗi tới người tiêu dùng, chứng nhận, giới thiệu các sản phẩm sạch để người dân biết, tin tưởng và an tâm sử dụng. Đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT đã công bố 69 cơ sở sản xuất nông sản theo chuỗi an toàn để người tiêu dùng tiếp cận.

 Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT thông tin, 69 cơ sở này đều phải được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm bởi cơ quan chức năng, mà cốt yếu là các Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, đồng thời được các Chi cục này kiểm tra, thẩm định và xác nhận sản phẩm kiểm soát an toàn theo chuỗi. “Mua rau, củ, quả hay thịt ở những cơ sở này chúng ta sẽ truy xuất được tận gốc sản phẩm được sản xuất ở đâu, thu hoạch vào thời điểm nào”, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết.

Ngoài ra, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sẽ phối hợp với các địa phương để cập nhật thêm danh sách các cơ sở cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi để giới thiệu tới người tiêu dùng. Bên cạnh đó, để đảm bảo độ tin cậy với người tiêu dùng, cơ quan chức năng sẽ thường xuyên thanh tra, kiểm tra đột xuất những cơ sở được công bố sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi và cả những cơ sở cung cấp nguyên liệu, nếu không đảm bảo sẽ xử lý ngay. 

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen cho rằng, Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan phải đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền tới người dân để người dân biết và hiểu sản phẩm nông sản an toàn. Đồng thời, xử lý thật nghiêm những cơ sở mượn “mác” an toàn để làm ăn bậy bạ, gây nhiễu loạn, mất lòng tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến các cơ sở, người dân làm ăn chân chính khác. 

Ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: Cần thay đổi tập tính tiêu dùng

Sản phẩm nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap phải được đánh giá đúng với giá trị, mức chi trả phải tương xứng với sản phẩm. Tức, sản phẩm nông sản VietGap phải được bán đúng giá, người sản xuất phải có lời thì nông dân, doanh nghiệp mới làm. Còn như hiện nay, nông dân, doanh nghiệp làm ra sản phẩm nông sản an toàn phải tự mang ra chợ bán thì rất khó.

Muốn thúc đẩy được như vậy ngoài truyền thông, tuyên truyền thì người tiêu dùng phải thay đổi thói quen tiêu dùng kiểu tiện đâu mua đấy với giá rẻ, nếu không thì sản xuất VietGap rất khó thành công. Nhiệm vụ của cơ quan chức năng, các địa phương và doanh nghiệp là phải tạo được niềm tin giữa người sản xuất và người tiêu dùng, người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm an toàn, sản phẩm tốt, sẵn sàng bỏ ra chi phí cao hơn để tiêu dùng sản phẩm. Chúng ta cùng vào cuộc để đưa ra những địa chỉ, nhưng cơ sở sản xuất tin cậy để người sản xuất và người tiêu dùng gặp nhau.