Nghịch lý ở các cơ sở y tế Afghanistan khi Taliban tiếp quản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
ANTD.VN -  Tại các bệnh viện ở Afghanistan, các bác sĩ đã nhiều tháng làm việc mà không được trả lương trong khi họ cũng không có tiếng nói chung với những người quản lý được Taliban bổ nhiệm sau khi tiếp quản.
Rời súng đạn, Mohammed Javid Ahmadi, mới 22 tuổi nhưng đã trở thành người quản lý một cơ sở y tế ngoại ô Kabul

Rời súng đạn, Mohammed Javid Ahmadi, mới 22 tuổi nhưng đã trở thành người quản lý một cơ sở y tế ngoại ô Kabul

Mohammed Javid Ahmadi, 22 tuổi, được cấp trên hỏi rằng kết thúc cuộc chiến, anh thích làm việc gì. Ahmadi không ngần ngại nói rằng ước mơ của mình là trở thành một bác sĩ. Nghèo đói đã khiến thanh niên này không thể vào học trường y. Ngay sau đó, bệnh viện quận Mirbacha Kot ngoại ô Kabul được giao cho Ahmadi phụ trách. Đó là một công việc mà Ahmadi rất coi trọng, nhưng anh và các nhân viên y tế khác trong bệnh viện 20 giường này hiếm khi có tiếng nói chung. Các bác sĩ đang yêu cầu trả lương quá hạn trong bối cảnh tình trạng thiếu thuốc, nhiên liệu và thực phẩm trầm trọng. Còn ưu tiên hàng đầu của Ahmadi là xây dựng một nhà thờ Hồi giáo bên trong bệnh viện, tách biệt nhân viên theo giới tính và khuyến khích họ cầu nguyện.

Tình trạng xảy ra với bệnh viện Mirbacha Kot là ví dụ điển hình cho các cơ sở y tế của Afghanistan kể từ khi Taliban tiếp quản từ giữa tháng 8-2021. Sự thay đổi đột ngột về mặt chính quyền khiến các nhân viên y tế khá khó khăn để điều chỉnh. Hàng loạt rắc rối vốn có từ chính quyền trước đã trở nên trầm trọng hơn, trong khi Mỹ đã đóng băng tài sản của Afghanistan ngay sau khi Taliban tiếp quản, sau đó là các lệnh trừng phạt quốc tế, làm tê liệt lĩnh vực ngân hàng của Afghanistan. Các tổ chức tiền tệ quốc tế từng tài trợ 75% chi tiêu nhà nước đã tạm dừng giải ngân, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế ở quốc gia vốn phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Abdulbari Umer của Taliban cho biết, Ngân hàng Thế giới tài trợ cho 2.330 trong số 3.800 cơ sở y tế của Afghanistan, bao gồm cả tiền lương của nhân viên y tế. Nhưng tiền lương đã không được trả trong nhiều tháng trước khi chính phủ sụp đổ. “Đây là thách thức lớn nhất đối với chúng tôi. Khi chúng tôi nắm quyền, không còn tiền. Không có lương cho nhân viên, không có thức ăn, không có nhiên liệu cho xe cứu thương và các máy móc khác, và nhất là không có thuốc cho bệnh viện. Chúng tôi đã cố gắng nhờ cậy Qatar, Bahrain, Saudi Arabia, Pakistan, nhưng không đủ”, ông Abdulbari Umer nói.

Ở Mirbacha Kot, các bác sĩ đã không được trả lương trong 5 tháng. Các nhân viên tiếp tục khám bệnh lên đến 400 bệnh nhân mỗi ngày, đến từ 6 quận lân cận. “Chúng tôi có thể làm gì? Nếu không muốn đến đây thì chúng tôi cũng không có công việc nào khác. Tốt hơn hết là hãy cứ ở lại đây”, bác sĩ Gul Nazar nói.

Tương tự, bác sĩ Najla Quami cũng đã không được trả lương trong nhiều tháng và thường xuyên phiền lòng về tình trạng thiếu thuốc trong khoa hộ sinh. Họ không có thuốc giảm đau cho các sản phụ. Nguồn điện trong ngày thường mất vài giờ do nhiên liệu máy phát điện nhanh chóng cạn kiệt. “Mọi bác sĩ ở đây đều rơi vào trạng thái trầm cảm”, cô nói và bày tỏ băn khoăn liệu thời điểm này có phải là lúc để xây nhà thờ Hồi giáo.

Ngược lại, Ahmadi nói rằng các tổ chức phi chính phủ có trách nhiệm nối lại các chương trình viện trợ để tài trợ cho những thiếu hụt này. Còn số tiền xây nhà thờ Hồi giáo sẽ đến từ sự quyên góp của địa phương. Theo viên quản lý trẻ xuất thân từ hàng ngũ Taliban này, một nhà thờ Hồi giáo trong bệnh viện là cần thiết vì nó có rất nhiều lợi ích, như người thân bệnh nhân có thể ngủ lại đó do bệnh viện thiếu giường phụ, đặc biệt trong những tháng mùa đông.

Mỗi sáng, Ahmadi đi bệnh viện kiểm tra nhiều vòng, từ việc cập nhật sổ đăng ký đến xúc tiến xây nhà thờ Hồi giáo. Ahmadi cho biết, trong 2 tháng qua anh đã học được cách tiêm thuốc và kê đơn các loại dược phẩm cơ bản. Và cũng giống như những nhân viên y tế trong bệnh viện, anh ta hy vọng sẽ có tiền để hoàn thành ước mơ của mình.