Nghịch lý khó chấp nhận

ANTĐ - Một trong những điểm sáng trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1-2015 vừa được Tổng cục Thống kê công bố: Chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp tăng thấp hoặc giảm. Chỉ số tiêu thụ đã khởi sắc, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Song, vẫn có những ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm như sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống, thiết bị điện. Mặc dù đã đạt được một số kết quả trong tháng đầu năm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn trong tình trạng bị động, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, đặc biệt là sức mua giảm sút so với mọi năm ở Hà Nội và TP.HCM.

Theo dự kiến của UBND TP Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng khoảng 

15-18%. Thành phố đã tạm ứng hơn 276 tỷ đồng giúp doanh nghiệp dự trữ hàng thiết yếu, góp phần bình ổn thị trường. Khác với các năm trước, nhiều đại lý, cửa hàng bia, nước giải khát không dám nhập nhiều, tích trữ lớn vì người dân đã thay đổi thói quen tiêu dùng, không còn uống nhiều vào dịp Tết như mọi năm.

Chưa kể các giải pháp kiểm soát an toàn giao thông khiến người uống bia, rượu dè dặt hơn trước. Đại diện Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát, dự đoán, tiêu thụ bia Tết năm nay sẽ giảm 3-4% so với mọi năm. Thế nhưng, thực tế, giá bia 333, Tiger, Saigon xanh… đều đang tăng giá bán. Đại diện Tổng Công ty Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội cho biết, các mặt hàng của doanh nghiệp này đều giữ giá. Việc giá bia bán lẻ tăng dịp gần Tết là do đại lý tự nâng giá, công ty không can thiệp được. Tương tự, đa số các đại lý bánh mứt, kẹo cũng tăng giá khoảng 2-3% dù sức mua giảm sút so với thời điểm này những năm trước.

Nghịch lý sức mua giảm, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng dịp Tết lại tăng giá là câu hỏi cho các cơ quan điều hành, quản lý thị trường. Nghịch lý này cũng đang diễn ra trong ngành vận tải. Trong khi xăng dầu giảm giá kỷ lục, liên Bộ Tài chính  - GTVT đang ráo riết kiểm tra giá cước vận tải xe khách, thì nhiều doanh nghiệp lại đòi tăng giá tới 60%. Lý do được họ đưa ra đều giống nhau: Tăng giá do dịp Tết hành khách chỉ đi một chiều và chiều còn lại chạy rỗng nên doanh nghiệp không bù đắp được chi phí. Cơ quan quản lý cần phải làm rõ nghịch lý, vì sao cứ đến dịp Tết, người tiêu dùng, người dân lại phải è cổ gánh những chi phí trái với cơ chế thị trường.