Nghịch lý hàng nghìn container “vô chủ” nhưng lại thiếu container rỗng, Hải quan nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khi tại các cảng biển đang tồn hàng nghìn container vô chủ thì các doanh nghiệp lại kêu tình trạng thiếu vỏ container rỗng trầm trọng. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho rằng việc xử lý các container vô chủ này không phải dễ và không nhanh được.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết tại buổi gặp mặt báo chí sáng nay, 19/1.

Không dễ giải phóng container vô chủ

Trước đó, theo phản ánh của các hiệp hội ngành hàng, hiện nay, nguồn cung container rỗng đang khan hiếm trầm trọng. Lợi dụng điều này, nhiều hãng tàu đã tăng giá vô tội vạ, giá thuê container thời điểm này đã tăng đột biến gấp 10 lần so với thời điểm trước tháng 10-2020.

Trong khi đó, tại nhiều cảng biển đang tồn một lượng container vô chủ lớn, lên đến trên 3.000 chiếc. Điều này không chỉ khiến các cảng biển phải chịu chi phí gửi container mà còn làm giảm nguồn cung vỏ container cho các hãng tàu.

Trước tình trạng đó, nhiều hiệp hội ngành hàng và bản thân các hãng tàu đã đề xuất các cơ quan chức năng xem xét giải quyết tình trạng container vô chủ đang tồn đọng để lấy nguồn container rỗng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho rằng, việc giải phóng số container này không phải dễ dàng.

“Theo quy định, toàn bộ số container vô chủ các hãng tàu sẽ phải tái xuất, trả về các nước xuất khẩu. Lúc đầu, các hãng tàu hăm hở xin tái xuất, nhưng khi chúng tôi khẳng định sẽ theo tận cùng đến khi các container này về đến nước xuất khẩu, chứ không phải mang ra biển xong lại “tạt” vào một nước khác... thì họ lại thôi” - ông Cẩn cho biết.

Do đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này đang báo cáo cấp trên để có hướng xử lý. “Có thể không tái xuất được vì nó không khả thi. Vì vậy, chúng tôi sẽ giám sát và chọn để tiêu hủy theo đúng tiêu chuẩn về môi trường, tuy nhiên sẽ không nhanh được” – ông Cẩn nói.

Việc giải phóng các container vô chủ sẽ cần nhiều thời gian (Ảnh minh họa)

Việc giải phóng các container vô chủ sẽ cần nhiều thời gian (Ảnh minh họa)

Liên quan đến việc đấu giá 100 xe hàng từ Trung Quốc, tương đương 200 container không có người nhận, bị bắt tại cửa khẩu Lào Cai hồi tháng 9, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng cho biết đơn vị này vẫn đang tiến hành các thủ tục cần thiết.

“Tôi trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo các Cục, Vụ làm hết sức khẩn trương để chuyển sang cơ quan bán đấu giá của Bộ Tư pháp. Chúng tôi sẽ phải điều tra, xác minh, phân loại để xử lý. Ví dụ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thì phải tiêu hủy; loại nào có đủ căn cứ vi phạm rồi thì phải khởi tố; còn loại nào thì tiến hành bán đấu giá.

Hàng bán đấu giá sẽ phải đăng báo bao nhiêu ngày, sau đó chúng tôi mới ký quyết định tịch thu và chuyển cơ quan đấu giá. Đến nay theo báo cáo thì mới có 39 xe hoàn tất thủ tục quyết định tịch thu và sẽ bán đấu giá theo đúng lộ trình của Bộ Tư pháp quy định” – ông Nguyễn Văn Cẩn thông tin.

Trước đó, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, trong thời gian qua, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã can thiệp, tác động đến việc xử lý số hàng nói trên. Tuy nhiên, hải quan sẽ kiên quyết xử lý và cho đấu giá công khai 100 xe hàng này.

Tiết kiệm hàng trăm tỷ USD nhờ cải cách thủ tục hải quan

Cũng thông tin tại cuộc họp, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, việc triển khai toàn diện thủ tục hải quan điện tử đã tạo ra bước cải cách đột phá cho hoạt động xuất nhập khẩu, thời gian làm thủ tục hải quan được rút gắn thông qua việc tiếp nhận thông tin tờ khai hải quan và phản hồi kết quả phân luồng tờ khai trong vòng 1-3 giây. Qua đó giúp giảm thiểu chứng từ, giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan.

Đến nay, các thủ tục hải quan đã được thực hiện bằng phương thức điện tử trên hệ thống VNACCS/VCIS tiên tiến hàng đầu thế giới (do Nhật Bản tài trợ) tại 100% các Cục Hải quan, Chi cục Hải quan trên cả nước, 100% các loại hình hải quan cơ bản, với 99,56% tổng số doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan, đạt 99,32% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và hơn 99,63% tổng số tờ khai hải quan trên cả nước.

Cùng với đó, việc triển khai thực hiện Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu do Tổng cục Hải quan chủ trì sẽ góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Việc đổi mới phương thức kiểm tra của đề án theo đánh giá độc lập của tổ chức USAID sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong 1 năm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD).

Về Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đã làm thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Theo các báo cáo của Ngân hàng Thế giới, so với năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 03 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 06 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 01 lô hàng giảm 19 USD.

Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2020, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu.

Về công tác thu ngân sách, tính đến ngày 31/12/2020 thu ngân sách do Hải quan quản lý đạt 317.090 tỷ đồng, bằng 93,8% dự toán thu NSNN, bằng 105,7% (317.090/300.000 tỷ đồng) số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, giảm 8,7 % so với cùng kỳ năm 2019.