Nghịch lý buồn

ANTĐ - Chuyện thật như đùa: Chiều 10-8, sân Hàng Đẫy nằm giữa trung tâm Hà Nội chỉ có vỏn vẹn vài trăm khán giả đến cổ vũ cho nhà vô địch V-League 2013 - Hà Nội T&T, song cùng thời điểm đó có gần 10.000 người đổ xô đến một sân bóng ngoại thành để xem các trận bóng “phủi”.

Khán giả Thủ đô bỏ mặc sân Hàng Đẫy khang trang để ra ngoại thành, đội nắng xem giải “phủi”

Trận Hà Nội T&T tiếp Thanh Hóa quyết định tấm HCĐ mùa giải  2013-2014 nhưng chỉ có khoảng 1.000 CĐV vào xem mà trong đó, đa phần là của… đội khách. Kể từ khi Hòa Phát Hà Nội và Hà Nội ACB giải thể, bóng đá Thủ đô chỉ còn duy nhất đại diện Hà Nội T&T chơi ở V-League. Đây là đội bóng được đầu tư nhiều tiền của nhất nhì V-League, thành tích cũng thuộc dạng tốp đầu nhưng lại thua kém các đội khác về lượng khán giả. Bao năm qua, đội bóng dùng mọi cách kéo khán giả đến sân. Mới nhất là việc nhờ NSƯT Chí Trung làm trưởng Hội CĐV, mỗi buổi cuối tuần tới sân tổ chức các màn giao lưu có quà tặng ở giờ nghỉ giữa hiệp…

nhưng sân Hàng Đẫy vẫn chịu cảnh trống huơ trống hoác mỗi khi có đại diện Thủ đô thi đấu giải chuyên nghiệp cao nhất Việt Nam. Hình ảnh ảm đạm đó lặp đi lặp lại khiến người ta phân vân tự hỏi: Phải chăng người hâm mộ Thủ đô đã hết yêu bóng đá? Gần 10.000 người kéo nhau ra sân bóng Bộ Công an nằm cách xa trung tâm tới cả chục km để theo dõi các trận đấu vòng 2 giải “phủi” ngoại hạng Hà Nội, đã thay câu trả lời.

Vậy tại sao một sân bóng nằm giữa Thủ đô có sức chứa 23.000 người đang diễn ra trận đấu của giải chuyên nghiệp quốc gia lại chẳng mấy ai quan tâm, trong khi người ta lại đổ xô tới một sân bóng ngoại thành, chấp nhận đội nắng, đứng ngoài bờ rào (sân Bộ Công an chỉ chứa được 1.000 khán giả nhưng các trận bóng phủi thu hút gần 10.000 người đến xem), say sưa theo dõi các trận đấu phong trào? Và đây là trả lời của một khán giả tới sân “phủi”: “Chúng tôi đến đây để xem bạn bè, người thân thi đấu và quan trọng hơn là được thưởng thức các trận đấu sạch”. Quả thật trong mắt người hâm mộ bây giờ, V-League đã mất giá bởi những trận đấu giả dối, chưa đá đã biết tỷ số, hoặc những trận đấu mang màu sắc tình cảm kiểu “3 đi, 3 về” giữa các đội bóng có quan hệ mật thiết. Cùng với đó, một số đội bóng dù được đầu tư rất nhiều tiền của, điển hình như Hà Nội T&T, nhưng lại thiếu đi yếu tố bản sắc. Đa số cầu thủ trong đội đều từ các tỉnh khác, hoặc ngoại binh nên rất khó kéo người dân Thủ đô đến sân cổ vũ. Bóng đá suy cho cùng cũng chỉ là món ăn tinh thần mà khán giả là thực khách. Thứ thực khách quan tâm không nằm ở việc món ăn đó gắn mác chuyên nghiệp hay phong trào mà đơn giản là giá trị tinh thần mà nó mang lại.