Nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ môi trường

ANTĐ - Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện được những vấn đề mới của thời đại như việc phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, trong đó nhấn mạnh đến quyền được sống trong môi trường trong lành và nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mọi người và nghĩa vụ của Nhà nước, của mọi tổ chức cá nhân trong việc bảo vệ môi trường. 

Chung tay bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống mỗi người

Điều 63 Hiến pháp quy định: “Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại”.

Theo luật sư Võ Đình Hải - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, để  bảo vệ môi trường các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường, trở thành thói quen sinh hoạt hàng ngày. Hiện nay, chúng ta đang phát động và xây dựng thành phố, khu dân cư, thôn xóm xanh - sạch - đẹp, văn minh, điều này phải xuất phát từ những việc nhỏ nhất như giáo dục người dân không xả rác ra đường, nơi công cộng, không được viết bậy, vẽ bậy… Trong trường hợp người dân không chấp hành, cố tình vi phạm thì cần có chế tài xử lý nghiêm, giống như một số quốc gia trong khu vực đã áp dụng từ lâu. Bên cạnh đó, để nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường không chỉ người dân mà các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng phải chấp hành các quy định hiện hành trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Mọi hành vi gây ô nhiễm môi trường, xả thải chất độc hại chưa qua xử lý ra môi trường, “nhập khẩu” rác công nghiệp, nội tạng động thực vật không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cần bị phát hiện, xử lý  nghiêm.

Cũng theo luật sư Võ Đình Hải, tại Indonesia, mọi tranh chấp về môi trường đều có thể được giải quyết thông qua tòa án hoặc ngoài tòa án. Theo đó, tất cả mọi người dân Indonesia đều có thể nộp đơn kiện bất kỳ quyết định quản lý nhà nước nào trong trường hợp như: Cơ quan hoặc cán bộ hành chính nhà nước cấp giấy phép môi trường cho hoạt động thương mại, hoặc hoạt động khác bắt buộc phải có đánh giá ảnh hưởng môi trường; cấp giấy phép kinh doanh, hoặc thực hiện hoạt động không có giấy phép môi trường… Luật Indonesia cũng quy định tất cả mọi người có hoạt động, kinh doanh, quản lý chất thải gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường phải chịu trách nhiệm hoàn toàn các thiệt hại phát sinh mà không được biện hộ về bản chất của sai lầm. 

Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của chúng ta. Chính phủ đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật nhằm xử lý, răn đe những tổ chức, cá nhân có hành vi làm tổn hại đến môi trường. Cùng với đó, Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của cả người dân và cơ quan quản lý Nhà nước với môi trường. Một nền kinh tế phát triển bền vững là nền kinh tế tận dụng được các nguyên vật liệu có giá thành vừa phải thậm chí là rất thấp, song quá trình sản xuất lại tạo ra các sản phẩm “xanh”, đáp ứng hiệu quả nhu cầu và mong muốn của con người mà không làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, không gây ô nhiễm môi trường. Đó chính là sự thể hiện hiệu quả việc nâng cao ý thức, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm và cũng là thể hiện đạo đức của mỗi cá nhân, tổ chức trong xã hội, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cộng đồng.