Huyện Chương Mỹ (Hà Nội):

Nghi vấn xà xẻo tiền giải phóng mặt bằng (1): Bồi thường một đằng, dân nhận một nẻo

ANTD.VN - Gần 10 năm trước, để thực hiện Dự án xây dựng trạm bơm Hạ Dục II (huyện Chương Mỹ), hàng chục hộ dân của thôn Đồng Trữ, xã Phú Nghĩa đã đồng ý để UBND huyện thu hồi đất ruộng nhằm xây dựng trục đường liên huyện nối từ sông Thập Cửu tới trạm bơm Hạ Dục. Thế nhưng mới đây, tất cả đều bất ngờ khi hay tin, diện tích bị thu hồi của họ khác xa thực tế…

Nghi vấn xà xẻo tiền giải phóng mặt bằng (1): Bồi thường một đằng, dân nhận một nẻo ảnh 1Con đường liên huyện được xây dựng bằng đất thu hồi của các hộ dân

Người lĩnh tiền bí ẩn

Năm 2007, khi nghe tin UBND huyện Chương Mỹ triển khai dự án  trên, hầu hết người dân thôn Đồng Trữ đều vui mừng. Mặc dù bị thu hồi đất, nhưng đổi lại người dân có con đường đi lại to đẹp hơn. Vì thế, 37 hộ dân của thôn đều nhất trí chấp nhận việc GPMB. Dự án sau đó đã được triển khai nhanh chóng, tiền đền bù, hỗ trợ GPMB cũng được chi trả đã đến tận tay các hộ dân. Nhưng đến tháng 11-2016, khi xã Phú Nghĩa thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, người dân Đồng Trữ mới hốt hoảng khi biết rằng, số ruộng họ sẽ bị khấu trừ do thực hiện dự án năm xưa lớn hơn nhiều diện tích mà họ từng được đền bù.

Bà Trịnh Thị Gắm, một người dân trong thôn cho biết, năm 2007 theo thông báo của UBND xã Phú Nghĩa, gia đình bà bị thu hồi 51,7m2 ruộng giáp với con đường dự kiến sẽ mở. Tuy nhiên, vì đây là đất do gia đình bà khai hoang mà có chứ không thuộc diện đất ruộng được cấp “sổ đỏ” nên chỉ được nhận mức bồi thường tổng cộng là 3,5 triệu đồng. Nhưng oái oăm ở chỗ, cuối năm 2016 vừa rồi, khi xã thực hiện dồn điền đổi thửa, người ta lại thông báo bà bị trừ tới 231,7m2 do năm xưa số đất này đã bị Nhà nước thu hồi và bà đã nhận đủ tiền hỗ trợ đền bù GPMB.

Bà Gắm bức xúc nói: “Tôi không hiểu căn cứ vào đâu mà cấp trên lại trừ của tôi nhiều đất đến thế. Cứ theo thông báo của huyện thì nhà tôi đã bị mất trắng 180m2. Đây là điều hết sức vô lý”. Bà Gắm vốn không biết chữ, nhưng bỗng dưng thấy nhà mình bị trừ quá nhiều diện tích nên cũng cố công đi tìm hiểu. Khi lên xã hỏi, bà mới hay năm 2007 còn một đợt thu hồi đất đợt hai và gia đình bà đã bị lấy thêm 180m2 đất ruộng. Tuy nhiên, điều lạ lùng là số tiền đền bù của đợt hai đó không hiểu ai đã lĩnh và giữ của bà suốt gần 10 năm qua.

Cũng tương tự như vậy, gia đình ông Trần Bá Còm bị thu hồi đợt một là 30,5m2 và nhận mức tiền đền bù 2 triệu đồng, thế nhưng khi dồn điền đổi thửa lại bị trừ tới 183,5m2. Như vậy có nghĩa là gia đình ông sẽ mất tới  153m2 ruộng. Bà Nguyễn Thị Bái - vợ ông - cứ nghĩ là chồng mình đã lĩnh tiền và tiêu mất nên quyết định lên huyện để hỏi cho ra nhẽ. Khi cán bộ đưa cho xem hóa đơn có đầy đủ chữ ký, bà Bái mới vỡ lẽ rằng có ai đó đã mạo danh mình để ký nhận số tiền 12,8 triệu đồng đền bù của đợt hai mà bà không hề hay biết.

Bà Bái bảo: “Trên hóa đơn ghi rõ là chi trả tiền cho gia đình ông Còm và vợ lĩnh thay. Nhưng tôi chưa bao giờ biết có đợt thu hồi đất lần hai chứ đừng nói đến việc ký nhận số tiền này. Rõ ràng có ai đó đã kê khai khống số diện tích bị thu hồi và lĩnh luôn cả số tiền Nhà nước đền bù cho gia đình tôi”.

Nghi vấn xà xẻo tiền giải phóng mặt bằng (1): Bồi thường một đằng, dân nhận một nẻo ảnh 2Gần 10 năm qua, bà Gắm không hề biết ai đã lĩnh tiền đền bù của gia đình mình

Ngỡ ngàng tiền GPMB

Trong số 37 hộ dân của thôn Đồng Trữ bị thu hồi đất, có hộ bị thu đất thành 2 đợt, nhưng chỉ được lĩnh tiền đợt một còn nhiều gia đình khác chỉ bị thu hồi 1 đợt nhưng số tiền đền bù lại thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Năm 2007, gia đình ông bà Nguyễn Ngọc Doãn - Nguyễn Thị Sợi được cán bộ thôn thông báo dự án sẽ thu hồi của gia đình tổng cộng 137m2.

Lấy lý do số đất này có nguồn gốc là đất được Hợp tác xã chia theo khẩu phát sinh nên khi đi ký nhận tiền bồi thường, bà Sợi chỉ được cán bộ chi trả có 810.000 đồng. Thế nhưng vừa rồi, khi xem thông báo dồn điền đổi thửa, bà Sợi hốt hoảng vì không hiểu sao lại bị trừ tiếp 120m2 ruộng trong “sổ đỏ” nữa.

Chỉ đến khi người dân trong làng xôn xao vì câu chuyện dồn điền đổi thửa và đi xin được bản danh sách chi trả bồi thường năm 2007 từ UBND huyện về truyền tay nhau, bà Sợi mới giật mình khi hay rằng, số diện tích đất bị thu hồi năm 2007 của gia đình bà thực tế được liệt vào diện đất trồng cây hàng năm và được bồi thường 8,137 triệu đồng, nghĩa là gấp 10 lần số tiền thực tế bà được nhận.

“Tôi có hỏi vị trưởng thôn đương nhiệm lý do tại sao lại có sự khuất tất này thì ông ấy cho biết, việc xảy ra từ năm 2007 thì phải đi hỏi trưởng thôn ngày đó mới rõ được” - bà Sợi cho biết.

Còn gia đình ông Trần Bá Vảy bị thu hồi tới gần 500m2 đất nhưng chỉ được nhận vỏn vẹn có 4,1 triệu đồng. Giờ đây khi đối chiếu với bản danh sách bồi thường của năm 2007 kia thì lẽ ra ông phải được nhận 34 triệu đồng.

“Sau gần 10 năm, chúng tôi mới biết gia đình mình đã bị xà xẻo một số tiền quá lớn. Nếu không có chủ trương dồn điền đổi thửa này thì có lẽ sự việc sẽ mãi mãi nằm trong bức màn bí mật. Bây giờ câu hỏi đặt ra là, chúng tôi biết đi đòi số tiền của mình ở đâu? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm chi trả? Hơn nữa, với những gia đình đã bị kê khai thêm diện tích thu hồi của đợt hai thì UBND xã và huyện có đền bù cho người dân số ruộng đó không?” - ông Vảy nói.                                        

(Còn tiếp)