Nghị trường Quốc hội: "Nóng" vấn đề đất đai, môi trường

ANTĐ - Sáng nay (13-6), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trả lời chất vấn hàng loạt vấn đề "nóng" liên quan tới quản lý đất đai, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường... gây nhiều bức xúc, ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự, an toàn xã hội.

Trước phiên chất vấn, Quốc hội nghe Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII.

Theo ông Nguyễn Đức Hiền, tại kỳ họp thứ hai vào cuối năm 2011 đã có gần 1.700 kiến nghị, tập trung các vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội. Đa số kiến nghị đã được các bộ, ngành giải đáp song vẫn còn tình trạng trả lời chung chung, chưa rõ ràng.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tổng hợp trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang sẽ trả lời các nhóm vấn đề liên quan tới quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng thời gian qua gây nhiều bức xúc, ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự, an toàn xã hội, những giải pháp khắc phục của Bộ.

Tồn đọng nhiều bức xúc về đất đai Trước câu hỏi về biện pháp giải quyết những liên quan tới vấn đề giao đất, đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) còn gây ra nhiều bức xúc trong đời sống nhân dân của đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), và câu hỏi về việc giải quyết triệt để những khiếu nại, tố cáo của cử tri về vấn đề đất đai của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, vấn đề đất đai là vấn đề hết sức phức tạp.  Theo Bộ trưởng, nguyên nhân dẫn tới việc đơn thư khiếu nại, tố cáo đã tập trung giải quyết nhưng vẫn còn nhiều là do việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở một số dự án chưa đảm bảo dân chủ, công khai, mặt khác do tiến hành chưa kiên quyết. Ngoài ra, vấn đề này còn liên quan đến lợi ích của nhà đầu tư và người sử dụng đất, giá đất... Cũng theo Bộ trưởng, thời gian vừa qua, qua nghiên cứu, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định 69 (quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư), công tác bồi thường, GPMB đã có bước tiến đáng kể. Đã giải quyết những vấn đề cơ bản, liên quan giá đất, bồi thường, hỗ trợ, quyền lợi của người dân, tình hình cải tiến nhiều, người dân đồng tình hơn. Có thể nói, Nghị định 69 góp phần căn bản trong vấn đề giải quyết bức xúc. Tuy nhiên, thực tế số vụ khiếu kiện, khiếu nại tố cáo liên quan tới đất đai còn nhiều, Bộ trưởng cho biết, Bộ cũng đang tích cực giải quyết. Còn về trên 500 đơn tồn đọng, hướng của Bộ là tiếp tục phối hợp để tập trung giải quyết dứt điểm. Việc giải quyết cụ thể các vụ việc như thế nào thì cần sự phối hợp vì liên quan đến nhiều địa phương. Một vấn đề cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu đó là vấn đề cấp giấy chứng nhận sử dụng đất. ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi: "Ở địa phương, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vấn đề hết sức cấp bách, vậy Bộ nên có giải pháp gì để thực hiện thắng lợi?". Bộ trưởng Minh Quang  nhận định, đây là vấn đề khó có thể thực hiện sớm. Hiện đã cấp giấy chứng nhận được hơn 80% cho đất nông nghiệp, nông thôn. Một trong những lý do đó là, còn thiếu cán bộ có năng lực tốt, bên cạnh đó là vấn đề kinh phí cũng là 1 vấn đề nan giải. Theo Bộ trưởng, cố gắng đến năm 2015 mới giải quyết được triệt để việc cấp giấy chứng nhận đất. Chưa đồng tình với ý kiến này của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cần phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Nếu hiện nay đã thực hiện việc cấp giấy chứng nhận được 80% thì cố gắng đến năm 2013 giải quyết cơ bản được phần còn lại.  Liên quan tới chính sách đền bù tái định cư, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, nhiều người dân vùng cao phải chuyển chỗ ở để phục vụ các dự án quốc gia điển đình là dự án thủy điện. Cuộc sống của những người dân này rất khó khăn, vùng núi còn rất nhiều hộ nghèo, "chính sách đề bù nên như thế nào để đảm bảo cuộc sống cho người dân?", ĐB Nguyễn Thái Học đặt câu hỏi. Bên cạnh đó, ĐB Học cũng đặt ra câu hỏi liên quan tới biện pháp giải quyết khi các dự án mang tầm quốc gia triển khai đã lấy đi diện tích rừng lớn nhưng công tác trồng rừng chưa được chú trọng, gây tổn hại thiên nhiên như bão, lũ lụt làm ảnh hưởng cuộc sống người dân. Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, xây dựng công trình thủy điện là vấn đề quan trọng, liên quan tổng sơ đồ ngành điện. Đối với các công trình mới như ở Sơn La, Lai Châu, chính sách đền bù đã tương đối thỏa đáng. Tuy nhiên, việc người dân phải ra đi để phục vụ công trình của đất nước khiến cuộc sống khó khăn thì sẽ phải quan tâm hơn. Tiến tới, chúng ta sẽ phải có chính sách tốt hơn để cuộc sống người dân ổn định hơn. Bên cạnh đó, chính sách này cũng cần quy định các nhà đầu tư cũng phải đảm bảo cho cuộc sống người dân tốt hơn. Ngoài ra, sắp tới, cũng phải quy định rõ hơn việc các chủ đầu tư cũng phải có cam kết về sử dụng rừng. Và nâng cao hơn trách nhiệm của Bộ tai nguyên là phải thẩm định các dự án này. Trước thực trạng hiện nay còn nhiều dự án đã có quyết định giao đất từ các cấp có thẩm quyền mà chậm, không triển khai, gây lãng phí trong việc sử dụng đất thì thu hồi theo Điều 38 của Luật Đất đai 2003, ĐB Lê Thị Công (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu) đặt câu hỏi: "Xin Bộ trưởng cho biết quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất đối với những trường hợp trên? Việc xử lý vấn đề tài chính giữa Nhà nước với nhà đầu tư ra sao trong trường hợp nhà đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, trường hợp chi cho công tác giải phóng mặt bằng?".
Nghị trường Quốc hội: "Nóng" vấn đề đất đai, môi trường ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Minh Quang

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, về thu hồi đất đã có quy định cụ thể, vấn đề là xử lý thế nào. Thực tế trong thời gian vừa qua, từ 2010 trở về trước, nền kinh tế chúng ta phát triển mạnh, đất đai được huy động cho yêu cầu phát triển rất lớn. Ngoài kết quả đã đạt được, tình hình lãng phí đất đai là bức xúc, đặc biệt là những dự án mà các nhà đầu tư do điều kiện này điều kiện khác, chưa thực hiện được dự án, nhất là trong điều kiện khó khăn hiện nay thì cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tình trạng này diễn ra ở khá nhiều địa phương.

Hiện nay chúng tôi đang tổng hợp tình hình này từ các địa phương, sau đó có tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có biện pháp xử lý. Thực tế hiện nay địa phương khá lúng túng nhưng cũng đã bắt đầu giải quyết trên cơ sở của luật. Bộ trưởng cũng trả lời rằng, "tới đây chúng ta nên quy định khi các nhà đầu tư nhận đất mà quá thời gian không thực hiện dự án thì nên thu hồi đất không có bồi thường".

"Bao giờ có môi trường xanh" - câu hỏi khó trả lời
Liên quan tới câu hỏi của ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) về giải quyết vấn đề mực nước ngầm giảm, thiếu nước ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng,  Tây nguyên là vùng sản xuất nhiều cây công nghiệp nên sử dụng nước khá lớn, mực nước ngầm tụt đi là tất yếu. Mặt khác diện tích rừng giảm đã ảnh hưởng đến việc giữ nước. Theo Bộ trưởng, giải pháp quan trọng nhất là phải giữ được rừng, phải quy hoạch thế nào để cân đối lượng nước khi trồng cây công nghiệp.

Còn về ô nhiễm lưu vực sông, theo Bộ trưởng, có thể thấy tại những khu vực thuộc 3 lưu vực sông này đều có nhiều khu công nghiệp, nhà máy, lượng nước thải rất lớn, gây ô nhiễm và là vấn đề bức xúc. Chúng ta đã có các dự án để xử lý ô nhiễm nhưng cần thời gian và việc xử lý ô nhiễm cần có kinh phí khá lớn. Về tổ chức chỉ đạo quản lý, Bộ đang đề nghị Chính phủ tổ chức ở mỗi lưu vực sông có chi cục quản lý môi trường để công tác tham mưu tốt hơn.

Liên quan tới vấn đề ô nhiễm, trước câu hỏi của đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) về các biện pháp giải quyết ô nhiễm làng nghề, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, hiện cả nước có hơn 3.000 làng nghề, trong đó có 1.200 làng nghề được công nhận. Xảy ra tình trạng ô nhiễm là do quá trình sản xuất của làng nghề này còn tự phát. Mặc dù Nhà nước có hỗ trợ làng nghề, nhưng vấn đề họ có thực hiện hay không, như xử lý nước thải. Về biện pháp, Bộ trưởng cho rằng, cần  nhất là biện pháp tổng hợp giữa trách nhiệm của các bộ liên quan, trách nhiệm của chính quyền địa phương, trực tiếp là cấp xã.

Cũng liên quan tới vấn đề môi tường, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đặt câu hỏi "Bao giờ chúng ta được sống trong một môi trường xanh", Đại biểu Nguyễn Minh Quang cho rằng đây là một câu hỏi khó, cần nhiều biện pháp như thời gian, chi phí và cần nhất là ý thức của người dân. 

Kết thúc phiên chất vấn sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, phiên chất vấn diễn ra trong tinh thần thẳng thắn. Đã có 20 Đại biểu được trực tiếp chất vấn, còn 17 câu hỏi chưa được chất vấn thì có thể gửi cho Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang để Bộ trưởng tiếp tục trả lời. 

Chiều nay, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh sẽ đăng đàn.

Tin cùng chuyên mục