Nghi phạm tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ đã “nằm vùng” 4 tháng trước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ahlam Albashir - thủ phạm tấn công khủng bố ở Istanbul cuối tuần qua đã đến Thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ từ 4 tháng trước, làm việc trong ngành dệt may. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đang truy lùng một nghi phạm khác gọi tắt là “B”, được cho là đã hộ tống Ahlam Albashir đến hiện trường.
Đại lộ Istiklal được trang trí bằng cờ Thổ Nhĩ Kỳ một ngày sau vụ nổ bom

Đại lộ Istiklal được trang trí bằng cờ Thổ Nhĩ Kỳ một ngày sau vụ nổ bom

Nghi phạm được đào tạo thành một điệp viên tình báo đặc biệt

Đám đông đã bắt đầu quay trở lại Đại lộ Istiklal, con phố đi bộ sầm uất ở trung tâm Istanbul, nơi xảy ra vụ đánh bom hôm 13-11 khiến 6 người thiệt mạng và 81 người bị thương. Người dân địa phương tiếp tục bày tỏ sự bàng hoàng và bất bình sau vụ tấn công. Anh Furkan, làm việc tại một cửa hàng bán sô-cô-la cách nơi quả bom phát nổ vài bước chân kể: “Vào khoảng 16h20 chiều hôm đó, chúng tôi đang hút thuốc trước cửa thì đột nhiên, vụ nổ xảy ra. Đó là một tình huống bất ngờ đáng sợ”. Sau vụ nổ bom, người dân ùn ùn kéo ra bên ngoài, lo ngại quả bom thứ hai sẽ phát nổ.

Tại hiện trường sự việc, nơi đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân được trang trí bằng hàng trăm lá cờ Thổ Nhĩ Kỳ. Nạn nhân thiệt mạng thuộc về 3 gia đình, trong đó có 2 trẻ em 9 tuổi và 15 tuổi. Ngày 14-11, nhà chức trách cho biết, 57 người bị thương đã được xuất viện trong khi 24 người bị thương, trong đó có hai người trong tình trạng nguy kịch, vẫn đang nằm viện.

Kẻ tình nghi được xác định là một phụ nữ Syria tên Ahlam Albasir. Cô ta đã bị bắt ở ngoại ô Kucukcekmece của Istanbul vào sáng sớm 14-11. Người phụ nữ này đã ngồi trên ghế dài hơn 40 phút và rời đi vài phút trước khi vụ nổ xảy ra, cho thấy khả năng một quả bom đã được hẹn giờ hoặc được kích nổ từ xa.

Theo Sở Cảnh sát Istanbul, Albasir đã thú nhận có liên quan đến Đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị liệt vào danh sách nhóm khủng bố cùng Đơn vị Phòng vệ Nhân dân (YPG) ở Syria. Tuy nhiên, trong các tuyên bố mới nhất, PKK và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), chủ yếu bao gồm các chiến binh YPG, đã phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Điều tra ban đầu cho thấy, công dân Syria Ahlam Albashir đến Istanbul cùng với một nghi phạm khác khoảng 4 tháng trước và trú tại quận Esenler - nơi tập trung tầng lớp lao động cùng với hai công dân Syria khác. Theo các nguồn tin, Albashir và đồng phạm đã làm việc tại một xưởng dệt trong 4 tháng.

Trong cuộc thẩm vấn của cảnh sát sau khi bị bắt, Albashir thừa nhận rằng, cô đã được PKK/PYD/YPG đào tạo thành một điệp viên tình báo đặc biệt và nhận được chỉ thị từ tổ chức có trụ sở ở Ayn al-Arab, miền Bắc Syria. Bọn chúng đã tránh giao tiếp trên môi trường số và liên lạc với tổ chức khủng bố thông qua những kẻ tình nghi khác cùng nhà.

Gợi lại những ký ức đau buồn

Lực lượng an ninh đang truy lùng nghi phạm gọi tắt là “B”, khi hắn hộ tống Albashir tới hiện trường và nhanh chóng rút lui. Ít nhất 46 người đã bị bắt giữ liên quan đến vụ tấn công khủng bố này. Trong quá trình thẩm vấn các nghi phạm khác, một nguồn tin cảnh sát cho biết, tổ chức khủng bố cũng đã ra lệnh đưa Albashir tới Hy Lạp và hành quyết tại đó.

Vụ nổ đã gợi lại những ký ức đau buồn về hàng loạt vụ tấn công do các nhóm có liên hệ với PKK và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2015 đến 2017. Vào tháng 3-2016, một kẻ đánh bom liều chết có liên hệ với IS đã giết chết 4 người trên Đại lộ Istiklal. Ông Soner Cagaptay, thành viên cao cấp tại Viện Washington, Mỹ nhận định rằng, bạo lực gia tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ được ấn định vào tháng 6-2023.

“Đây là một diễn biến khá lo ngại, và chúng ta sẽ phải chờ xem ai đứng đằng sau nó và liệu có nhóm nào nhận trách nhiệm hay không. Cuộc tấn công này, nếu có những cuộc tấn công khác theo sau có thể khiến cử tri lo lắng cho vấn đề an ninh”, ông Cagaptay nói.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu nêu rõ có các bằng chứng cho thấy PKK đứng sau vụ đánh bom, đồng thời khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trả đũa mạnh mẽ sau vụ đánh bom. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan gọi vụ đánh bom là “cuộc tấn công kinh tởm” và có “mùi khủng bố”.

Ngày 14-11, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố này, đồng thời bày tỏ chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân cũng như Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ.