Nghị lực của cô bé tật nguyền

ANTĐ - Khát chữ nên dù nghèo, dù bệnh tật, dù có phải lết đi bằng tay thì cô bé Ly Giò Xó người dân tộc La Hủ cùng cô em gái Ly Ly De ở bản Phí Chi A, xã Pa Vệ Sủ (Mường Tè - Lai Châu) đang viết nên một câu chuyện cổ tích như vầng trăng sáng giữa núi rừng Tây Bắc.

Hai người chung một bóng

Hai người chung bóng

Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, tạo hóa đã bất công khi cho bé gái xinh xắn Ly Giò Xó một đôi chân không lành lặn. Khi các bạn cùng trang lứa đến tuổi đến trường, Xó ngồi bên bậc cầu thang nhà sàn nhìn xuống thèm khát có được đôi chân như các bạn.

Chị Giàng Xé Xó, mẹ bé Giò Xó buồn rầu kể về đứa con gái tật nguyền: “Đến tuổi đi học, dù gia đình khó khăn nhưng thương con nên vợ chồng tôi cố sắp xếp đưa đón Giò Xó đến trường để học cho đỡ tủi thân”.

Bước vào lớp một, hai vợ chồng chị Xé Xó nghĩ cho con đi học cũng chẳng được việc gì, mình chỉ cần nuôi con khôn lớn là tốt rồi. Vậy là Ly Giò Xó phải nghỉ học. Mỗi lần anh trai và em gái tới trường, Giò Xó lại ngồi tựa cửa nhìn theo, rơm rớm nước mắt.

Vào năm sau, trong lúc nằm ngủ Ly Giò Xó quay sang ôm mẹ thỏ thẻ: “Con muốn đi học”. Đêm ấy, chị Xó đã thức trắng vì thương con. 

Đầu năm học mới, các thầy cô về bản vận động phụ huynh đưa con đến lớp, chị Xé Xó đã cùng chồng đưa Giò Xó đến trường. 

Từ hôm đó, vào mỗi buổi sáng khi màn sương còn giăng mắc bên những bụi cây, người bản Phí Chi A lại thấy Ly Giò Xó chậm chạp lê từng bước trên con đường lổm ngổm đá tai mèo. Một tay vịn cây rừng, một tay cầm cây gậy nhỏ làm chỗ dựa để Xó chiến thắng con đường tới trường. 

Chỉ một tháng học, không biết bao nhiêu lần Giò Xó bị ngã. Ngã xuống lại đứng lên, nhưng cô bé vẫn kiên trì tập đi từng bước. Dù chậm chạp, có khi lết được đến lớp thì đã tan trường nhưng Xó không nản. Xó biết, mình phải tự lực để bớt đi gánh nặng cho gia đình. Để rồi, vào một ngày kia, Xó đã đi lại được gần như người bình thường, chỉ hơi tập tễnh.

Thế rồi, tai họa lại ập xuống vào một đêm mưa lạnh. Xó bất ngờ lên cơn co giật, tứ chi co rúm lại. Thoát chết nhưng đôi chân của cô bé lại quay về thời kỳ tật nguyền.

Gia đình và người trong bản tưởng rằng, Xó sẽ nghỉ học vì đôi chân. Nhưng không, Xó tiếp tục tập đi từng bước. Nhưng lần này, đôi chân đã quá yếu nên chỉ đi được khoảng hơn chục bước là ngã khuỵu. Và từ đó, trên con đường bản Phí Chi A người ta bắt đầu thấy Ly Giò Xó trên lưng cô em gái Ly Ly De. Hai người chung một bóng, chung một đôi chân tới trường.

Cô giáo chủ nhiệm Vàng Thị Hai cho biết: “Ngày 3 buổi, cô em gái 9 tuổi Ly Ly De nhọc nhằn cõng chị Xó xuống núi để học chữ. Nhiều lần tôi phải đi xuống đầu dốc để đón Giò Xó và Ly De. Có hôm trời mưa, cả lớp đang học thì thấy hai chị em người sũng nước đến trường”.

Xó giúp mẹ nấu cơm

Học giỏi vẫn xin ở lại

Ly Giò Xó khoe với chúng tôi: “Dù đi học khó khăn nhưng cháu rất thích. Được học chữ nên cháu biết đọc sách báo và kể chuyện cổ tích cho các em bé trong bản cùng nghe”. 

Cô giáo chủ nhiệm Vàng Thị Hai không ngớt lời khen ngợi Giò Xó. Cô cho biết, dù tật nguyền nhưng Xó rất ham học và chăm chỉ hơn các em bình thường. Năm nào Xó cũng là học sinh giỏi. Có những buổi tối trường tổ chức phụ đạo, Xó cũng không ngại khó khăn, soi đèn pin bám vai em gái xuống núi học con chữ.

Chị dạy em học, em giúp chị chép bài… Năm học vừa qua, Xó không chịu lên lớp 5 mà xin thầy cô được ở lại lớp 4. Ai cũng băn khoăn không hiểu. Hỏi Xó, em không nói. Hỏi mẹ, mẹ Xó cũng không biết thế nào. Thầy cô tìm cách gạn hỏi thì được biết, Xó muốn ở lại để giúp các bạn lớp 4 học tốt hơn.

Cuối năm 2009, bố Giò Xó đi rừng bị ngã núi mất tích. Xó mồ côi cha. Anh trai Xó đang học lớp 9 thì bỏ dở đi làm thuê nuôi các em.

3 tháng sau, mẹ Xó lấy chồng. Nỗi buồn cũng từ ấy len lỏi trong tâm hồn cô bé. Nhiều buổi chiều, Xó và em gái lên mỏm núi chờ người cha trong vô vọng. Khi tôi hỏi Xó, liệu bố em còn sống không? Xó lắc đầu. Tôi hiểu, Xó vẫn mong chờ một điều kỳ diệu.

Thầy giáo Phạm Văn Dương - Phó hiệu trưởng tâm sự: “Nhà trường đã tạo mọi điều kiện quan tâm đến Xó để em có động lực học tiếp. Các thầy cô trong trường cũng thường xuyên đến nhà để thăm hỏi và động viên gia đình”. Giò Xó hạnh phúc vươn lên, vượt qua mọi khó khăn cũng nhờ vào tình yêu thương đùm bọc của thầy cô giáo và bạn bè.

Đặc biệt, Xó đã vinh dự được nhận học bổng “Chắp cánh tài năng Việt” do một đơn vị bưu chính trao tặng. Thầy giáo Phạm Văn Dương chở em ra huyện nhận giải kể: “Nhận được tiền phần thưởng 1 triệu đồng, Xó nhờ thầy đưa ra chợ để mua một túi kẹo to về liên hoan cùng bạn bè trong lớp. Số tiền còn lại, Xó cho vào quỹ giúp trẻ em nghèo vượt khó. Xó còn nhỏ lại tật nguyền mà đã nghĩ cho người khác hơn bản thân mình thì thật là hiếm có”. 

Trao đổi cùng chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng trường Tiểu học Pa Vệ Sủ cho biết: “Công cuộc đưa con chữ đến trẻ em vùng cao là cực kỳ khó khăn. Xó chính là tấm gương, là ánh trăng sáng cho học sinh vùng biên ải xa xôi này noi theo. Tuy nhiên, theo tôi với hoàn cảnh của Xó bây giờ rất có thể em sẽ phải nghỉ học giữa chừng vì cái nghèo cũng như sức khỏe không thể đảm bảo”.

“Thầy giáo em dạy rằng, nếu không có cái chữ, không giỏi cái chữ thì sẽ buồn, sẽ khổ lắm. Em cố gắng học thật giỏi, thật chăm để mai này có cơ hội xây dựng làng bản giàu có tốt đẹp hơn. Và cũng chỉ có con đường học chữ, em mới có cơ hội sau này được đi những miền đất khác, để biết cái đẹp, học cái hay”, em Ly Giò Xó tâm sự.