Nghỉ lễ dài, sức mua vẫn yếu

ANTĐ - Để kích cầu mua sắm, những năm trước đây, các chuyên gia kinh tế đã đề xuất với Chính phủ cho kéo dài các kỳ nghỉ lễ. Nhưng năm nay, mặc dù các siêu thị, cửa hàng rầm rộ đưa ra chương trình khuyến mãi nhân dịp 30-4, 1-5 để kéo sức mua nhưng ghi nhận cho thấy, tình trạng vắng khách vẫn ít được cải thiện.
Nghỉ lễ dài, sức mua vẫn yếu ảnh 1
Người dân đi nghỉ lễ, đi du lịch nên lượng khách đến các siêu thị tăng không đáng kể


Ghi nhận tại một số siêu thị: Hapro, Fivimart, Big C cho thấy, trong đợt nghỉ lễ 5 ngày vừa qua, khách hàng đến các siêu thị có tăng. Tuy nhiên, nhiều quầy thanh toán vẫn không có khách thay vì làm việc không được nghỉ tay như trước đây. Tại siêu thị Big C, từ ngày 28-4, khách đến đông chủ yếu từ các huyện ngoại thành Hà Nội và các tỉnh xung quanh như: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… “Ngày nghỉ chúng tôi cho các cháu đi chơi, tham quan là chủ yếu. Tôi chỉ mua một vài món quà nhỏ như: kẹo, bánh mì… về quê cho người thân. Siêu thị khuyến mãi nhiều nhưng chúng tôi không có nhiều tiền mua và mang về cũng khó” - chị Phạm Thị Nhiên - quê ở Tiên Du (Bắc Ninh) cho biết. Theo đại diện truyền thông siêu thị Big C, lượng hàng hóa tiêu thụ được trong những ngày nghỉ lễ vừa qua tăng khoảng 30% so với ngày thường, tập trung vào các mặt hàng đang có khuyến mãi, giảm giá sâu như: thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt, thực phẩm tươi sống, đồ dùng nhà bếp và quần áo thời trang. 

Nhận định sức mua yếu, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho hay: “Sức mua có tăng nhưng không nhiều, chỉ tăng 10-15% so với ngày thường. Mức này chỉ bằng gần nửa so với mức tăng 30-40% của những kỳ nghỉ lễ dài trước đây”. Theo các chuyên gia, có 2 nguyên nhân khiến sức mua kỳ nghỉ lễ này không tăng như kỳ vọng. Một là do sức mua trong dân vẫn yếu và chưa được cải thiện. Hai là do đợt nghỉ lễ dài, người dân Hà Nội tranh thủ đi du lịch, học sinh, sinh viên về quê. Do đó, không chỉ các siêu thị ít khách mà ngay cả các chợ cũng khá ế ẩm. Chỉ vào phản thịt lợn còn khá nhiều, chị Nguyễn Thị Bảy (tiểu thương tại chợ Phùng Khoang) than thở: “Tôi chỉ dám nhập lượng hàng vừa bằng mọi khi thôi, không dám nhập thêm vì chợ còn vắng hơn ngày thường”. 

Trong cơ cấu hàng hóa mua sắm, nhóm hàng ăn vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất. Tuy nhiên, ngay cả nhóm hàng này giá cả cũng ổn định. Thịt bò 280.000 đồng/kg, nạc thăn, nạc vai, sườn lợn 85.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 80.000 đồng/kg. Rau xanh phong phú về chủng loại và giá không cao. Rau muống 3.500 đồng/mớ, rau cải mơ 3.000 đồng/mớ, dưa chuột 8.000 đồng/kg, mồng tơi 2.000 đồng/mớ, rau đay 3.000 đồng/mớ. Riêng mặt hàng trứng gia cầm có tăng giá 2.000-3.000 đồng/chục. Cụ thể, trứng vịt hiện được bán với giá 38.000 đồng/chục, trứng gà ta 43.000-45.000 đồng/chục, trứng gà công nghiệp 28.000 đồng/chục do nhiều người chăn nuôi đã phá đàn, bỏ chuồng. Nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ: quần áo thời trang, đồ lưu niệm, hàng ăn sáng đóng cửa trong những ngày nghỉ vắng khách.

Tổ điều hành thị trường trong nước cho rằng, tháng 5 này vẫn có nhiều nhân tố làm giá tiêu dùng giảm. Đó là sức mua hàng hóa chưa cải thiện nhiều cùng với xu hướng giảm giá của nhiều mặt hàng quan trọng như xăng dầu, gas, một số thực phẩm do bị tác động bởi dịch bệnh, giá lương thực ít biến động... Vì vậy, mặt bằng giá chung sẽ không có biến động tăng.