Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng: Mũi tên trúng nhiều đích

ANTĐ - Sau khoảng thời gian tương đối dài nghiên cứu, đánh giá cân nhắc, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là một bước đi khá quan trọng hướng tới nhiều mục tiêu.
Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng: Mũi tên trúng nhiều đích ảnh 1
Quyền sở hữu vàng của người dân được công nhận và bảo vệ

Người dân được quyền sở hữu vàng
Theo nội dung Nghị định, quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Điểm thu hút sự chú ý dư luận thời gian qua cũng như ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng là các quy định về vàng miếng. Nghị định trên chính thức quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Nghị định này cũng giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng. Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Với các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, NHNN sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ khi đáp ứng đủ 2 điều kiện: là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Cũng theo Nghị định, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, NHNN sẽ tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp theo quy định và cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng theo quy định. Cũng theo quy định tại Nghị định này, NHNN được bổ sung vàng miếng vào dự trữ ngoại hối nhà nước. Cơ quan này thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng qua biện pháp xuất - nhập khẩu vàng nguyên liệu; tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng qua các hạn mức phù hợp từng thời kỳ; thực hiện mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Nghị định trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25-5-2012. Dự kiến NHNN cũng sẽ có thông tin, hướng dẫn và triển khai cụ thể nội dung nghị định này.Bước tiến dài Đánh giá về ý nghĩa của việc ban hành Nghị định trên, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Về lý thuyết, Nghị định đã đi cả một bước dài, thống nhất được quan điểm, thống nhất được cơ chế quản lý. Thắng lợi lớn nhất là thống nhất được cách quản lý vàng, đó là phải độc quyền sản xuất, thứ hai là không chấp nhận vàng là phương tiện thanh toán. Sau đó là có cơ chế nhận tiền gửi bằng vàng, chấp nhận quyền sở hữu vàng của người dân, đạt được những thống nhất này không hề dễ dàng”. Theo TS. Lê Thẩm Dương, trước sau gì cũng phải quản lý,  cũng phải chống được vàng hóa. Thứ ba là làm sao để huy động được lượng vàng dự trữ để đưa vào sản xuất. Và cuối cùng là làm sao bình ổn được thị trường vàng, để thị trường vàng trong nước thông với thế giới. Từ trước đến nay cứ lủng củng 4 mục tiêu, vàng thì nằm trong dân, giá vàng trong nước với thế giới thì chênh lệch, buôn lậu xuất hiện, vàng hóa -  mua bán bằng vàng… Nghị định này là để thống nhất, cùng một lúc “bắn” được mấy mục tiêu.
 4 ngân hàng sẽ mở rộng kinh doanh vàng

Cùng ngày ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng có Văn bản số 1873/NHNN-QLNH yêu cầu 4 ngân hàng thương mại cổ phần và Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn báo cáo về việc triển khai mạng lưới mua, bán vàng miếng.

Theo NHNN, yêu cầu này được đưa ra nhằm khẩn trương triển khai mạng lưới mua, bán vàng miếng đáp ứng nhu cầu mua, bán vàng miếng của người dân tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước. NHNN cũng yêu cầu các đơn vị trên báo cáo kế hoạch, khả năng triển khai mạng lưới mua, bán vàng miếng trong hệ thống, trong đó có lộ trình mở rộng mạng lưới các chi nhánh, địa điểm mua, bán vàng miếng.

                                                                                                                                                 Hùng Anh

7 điều nghiêm cấm

Theo Nghị định, hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng bao gồm:
- Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp;
- Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp;
- Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp;
- Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán;
- Hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định này;
- Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép;
- Vi phạm các quy định khác tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.