“Nghèo tự nguyện” ở Hàn Quốc: Để lại sự tham lam ở phía sau

ANTĐ - Xa rời cuộc sống đô thị ồn ào náo nhiệt, rất nhiều người dân những thành phố lớn của Hàn Quốc đã trở về nông thôn để tìm kiếm một cuộc sống bình dị nhưng thanh thản và hạnh phúc hơn. Họ đã chấp nhận “nghèo tự nguyện” để rời xa những áp lực của cuộc sống thành thị.

Bỏ phố về quê

Một năm trước, anh Chung Man-gyoo, quản lý một công ty ở Seoul, Hàn Quốc đều đặn hàng ngày lái ô tô Hyundai Grandeur len lỏi qua các đường phố đông đúc thường xuyên tắc nghẽn giao thông để tới văn phòng cơ quan ở vùng ngoại ô. Giờ đây, người đàn ông 53 tuổi này vẫn lái ô tô, nhưng không phải chen chúc trên đường đến công sở mà anh lái xe chở công cụ và phân bón ra trang trại rộng 1 hecta của mình ở vùng nông thôn phía đông đất nước.

Chiếc gậy đánh golf của anh Chung cũng không còn được sử dụng đến trừ khi vợ anh dùng để đuổi những con mèo hoang vào nhà lục tìm thức ăn. “Tôi không nhớ cuộc sống ở thành phố chút nào” - anh Chung nói. Trước đây, anh Chung từng làm việc ở công ty điện tử chuyên cung cấp linh kiện cho Công ty Điện tử Samsung nổi tiếng ở Hàn Quốc. 

Không còn bị hấp dẫn bởi sự phồn hoa rực rỡ ở Thủ đô Seoul, anh Chung Man-gyoo là một trong số nhiều người dân thành phố tìm về vùng quê yên bình để cảm nhận một cuộc sống khác. Nơi anh sinh sống hiện tại là một thị trấn nhỏ, cách khá xa Seoul và phải mất 1 giờ đi ô tô mới đến được nhà ga gần nhất. “Giờ mỗi buổi sáng thức dậy tôi thấy dễ chịu, tôi cũng dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện với vợ. Mối quan hệ của chúng tôi chưa bao giờ gần gũi đến thế”.

Áp lực thành thị

Theo ước tính của Ngân hàng phát triển châu Á, dân số đô thị trên toàn châu Á sẽ tăng lên 1,1 tỷ người đến năm 2030, chiếm 55% tổng dân số trong khu vực, tăng hơn so với 40% vào năm 2005.

 Tại Hàn Quốc, một số lượng lớn người dân di cư đến các thành phố trong những năm 1970 và 1980 khi đất nước này đẩy mạnh công nghiệp hóa và cơ hội việc làm tăng trưởng một cách nhanh chóng. Con cái của họ có cơ hội được học hành và sau đó ở lại thành phố. 

Từ một đất nước phải nhận viện trợ ODA, đến nay Hàn Quốc đã trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Á. Seoul, Thủ đô Hàn Quốc cũng trở thành một trong những thành phố có mật độ dân cư đông nhất thế giới. Hiện hơn 25 triệu người sống tại Seoul và khu vực lân cận. Mật độ dân cư đông đúc cùng cuộc sống hiện đại hối hả, khiến ngày càng nhiều người dân nơi đây phải đối mặt với stress và những vấn đề tâm lý. Áp lực căng thẳng và những “kỳ thi địa ngục” ở đất nước này đã khiến cho tình trạng tự sát là nguyên nhân hàng đầu gây ra những cái chết của thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 24.  

Theo số liệu của chính phủ Hàn Quốc, trong năm 2011, 10.503 gia đình ở Seoul đã rời bỏ thành phố về nông thôn sinh sống, tăng gấp đôi so với năm 2010. Và đối với những gia đình này, công việc, điều kiện vật chất, những thú vui nơi đô thị giờ đây đã không còn nhiều ý nghĩa.


Chân giá trị 

Theo Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, những người muốn chuyển nơi ở “để sống một cuộc sống xứng đáng với giá trị con người” ở trong một đất nước mà trung bình công nhân phải làm việc 2.200 giờ mỗi năm - mức cao nhất so với các nước phát triển, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế. 

Anh Yoon Woo Jin, 32 tuổi, cựu nhân viên công ty kinh doanh bất động sản là một trong số hơn 50 người trong độ tuổi từ 26 đến 60 tham gia một lớp học được chính phủ hỗ trợ có tên gọi là Refarm. Tại đây, họ được hướng dẫn những kỹ năng cơ bản để “chuyển đổi nghề nghiệp” cũng như những lợi ích và thiệt thòi khi chuyển môi trường sống.  “Những học viên của chúng tôi tin vào lựa chọn “nghèo tự nguyện”, nghĩa là người ta phải hy sinh sự giàu có để được gần gũi hơn với thiên nhiên” - ông Park Yong bun - người đứng đầu Refarm nói. “Chúng tôi có kế hoạch tăng số lượng các gia đình quay trở lại nông thôn lên con số khoảng 20.000 bằng cách cung cấp các hỗ trợ về thuế tài chính” - Bộ trưởng Nông nghiệp Suh Kyu-young nói. 

Thiệt thòi của việc rời thành phố? Theo số liệu của chính phủ, thu nhập từ nông nghiệp nói chung thấp hơn, trung bình 32 triệu won mỗi năm, so với mức thu nhập trung bình ở thành phố là 42 triệu won.

 Theo một báo cáo của Viện Kinh tế nông thôn Hàn Quốc, chỉ có 7% người dân quay về quê nói rằng họ không hạnh phúc với cuộc sống điền viên, mặc dù thu nhập thấp hơn.

Anh Chung Man-gyoo trước đây khi ở thành phố anh kiếm được khoảng 90 triệu won mỗi năm. Thu nhập từ nông nghiệp hồi năm ngoái của anh chỉ là 20 triệu won. Tuy nhiên, anh nói rằng cuộc sống dễ thở còn đáng giá hơn, bởi bạn để sự tham lam của bạn lại phía sau”.