Nghèo đi vì tội phạm

ANTĐ - Không chỉ đe dọa cuộc sống bình yên của người dân, hoạt động tội phạm còn khiến Mỹ Latinh - một trong những khu vực nghèo nhất thế giới, bị thiệt hại tới 6% GDP của cả khu vực.

Ngân hàng phát triển Mỹ Latinh (BID) trong báo cáo “Vì một Mỹ Latinh an toàn hơn” vừa công bố đánh giá rằng, các hoạt động tội phạm gây thiệt hại ít nhất 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực mỗi năm. Trước đó, Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) cũng từng lo ngại cho rằng Mỹ Latinh hiện là một trong những điểm đáng lo ngại nhất về an ninh trên phạm vi toàn cầu.

Báo cáo của BID cho biết thêm, mức thiệt hại 6% GDP mới chỉ bao gồm các chi phí mà các chính phủ các nước khu vực phải trực tiếp bỏ ra để trấn áp tội phạm, duy trì an ninh và đền bù cho các nạn nhân của bạo lực tội phạm. Con số này chưa tính đến những tổn thất gián tiếp khác khó "cân đo đong đếm" hơn như tác động tiêu cực của các băng đảng xã hội đen tới năng suất lao động và hiệu quả giáo dục, hay chi phí của người dân để bảo vệ bản thân hoặc tài sản…

Với tổng GDP của cả khu vực khoảng 6.000 tỷ USD hiện nay thì thiệt hại do tội phạm gây ra với khu vực Mỹ Latinh lên tới khoảng 360 triệu USD mỗi năm. Cũng theo báo cáo của BID, tình trạng tội phạm đang là mối lo ngại lớn nhất đối với 24% trong tổng số dân khoảng 600 triệu người của Mỹ Latinh, tức hơn 140 triệu người. 

Nghèo đi vì tội phạm ảnh 1Cảnh sát Colombia mạnh tay trấn áp tội phạm

Nhìn nhận vì sao tội phạm lại gây thiệt hại nghiêm trọng cho Mỹ Latinh, Giám đốc Phân tích kinh tế của BID Pedro Sanguinetti cho biết, trong 15 năm qua, số vụ án mạng tại khu vực này đã tăng cao và hiện lên tới mức khá cao là 25-27 vụ/100.000 dân. Đặc biệt tại Trung Mỹ và phía Bắc tiểu lục địa Nam Mỹ, tỷ lệ này cao đến mức đáng lo ngại, tới 80-90 vụ án mạng/100.000 dân tại một số nước, một tỷ lệ thuộc loại cao nhất thế giới. 

Trong báo cáo đưa ra trước đó, UNDP cũng cho biết, trung bình mỗi năm tại Mỹ Latinh có trên 100.000 người bị giết hại và tổng cộng trong giai đoạn 2000-2010 đã có hơn 1 triệu người bị giết hại tại khu vực này. Theo UNDP, tội phạm giết người đã được xem như bệnh dịch ở 11 trong tổng số 18 quốc gia ở Mỹ Latinh và nạn cướp giật trên đường phố hoặc ở những nơi công cộng tại khu vực này cũng đã tăng gấp 3 lần trong 25 năm qua.

UNDP nêu rõ, tình trạng mất an ninh như vậy đang cản trở nghiêm trọng quá trình phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia ở Mỹ Latinh. Tuy nhiên, các chuyên gia của UNDP cho rằng nếu chỉ áp dụng các biện pháp kiểm tra và xử lý tội phạm như khu vực Mỹ Latinh vẫn làm lâu nay thì sẽ không thể khắc phục được tình trạng trên bởi một trong những gốc rễ của tình trạng tội phạm ở khu vực này, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và vùng Caribe của LHQ (ECLAC) và BID cùng nhận định trong một cáo cáo, là bất bình đẳng xã hội làm gia tăng tội phạm ở khu vực này.

Tại nhiều nước Mỹ Latinh, 40% của cải nằm trong tay một nhóm nhỏ người giàu, trong khi đó đa phần dân chúng chỉ nắm giữ 16% tài sản xã hội, và chính sự phân hóa giàu nghèo vốn ít được cải thiện trong nhiều năm qua đã dẫn đến việc gia tăng các nguy cơ bạo lực và tội phạm. Vì thế, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo là biện pháp căn cơ để giảm tội phạm tại Mỹ Latinh.