Nghề “xẻ thịt”... núi

ANTĐ - Không biết từ bao giờ, người ta nhắc đến Lạc Thuỷ (Hoà Bình) như một “vương quốc” của đá cảnh non bộ. Ở đây có cả non bộ cao 5 - 6m, nặng hàng chục tấn, cho đến các non bộ chỉ nhỉnh hơn chiếc chai bia… Bởi thế, cái nghề “xẻ thịt” núi tìm non bộ đã trở thành một thứ nghề mưu sinh của người dân nơi đây. Tuy nhiên, không ít người phải trả giá bằng máu và nước mắt, thậm chí cả tính mạng khi dấn thân vào nghề nguy hiểm này…

Hậu quả khai thác để lại những hố sâu và bãi đá tan hoang


Phá núi tìm… non bộ

Chúng tôi tìm về “đại công trường” khai thác đá cảnh ở dãy núi đá Đồng Tâm (Lạc Thuỷ - Hoà Bình) nơi được mệnh danh là “vương quốc” của đá cảnh, để được chứng kiến việc khai thác đá nơi đây. Khi trời vẫn còn nhọ mặt người tiếng xe máy của cánh thợ săn đá cảnh đã rền vang tiến về phía chân núi xã Đồng Tâm. Người cầm cuốc, người vác mũi khoan, búa, đục, dây thừng... nối đuôi nhau lên dốc.

Khi tiếng xe máy vừa ngớt cũng là lúc tiếng máy khoan gầm rú, tiếng búa, xà beng chạm vào đá chan chát đinh tai nhức óc. Dọc theo chân núi, có tới hàng trăm cái hầm được người dân khoét sâu vào lòng núi để moi đá cảnh. Thấy tôi tỏ vẻ ái ngại, anh bạn tên “Hà béo” - Tổ trưởng một tổ đào đá cảnh nhăn mũi gằn giọng: “Lạ lắm à! Đứng gọn vào để các anh em còn làm việc. Đào được một hòn non bộ ưng ý đâu phải đơn giản. Hòn này 5 anh em đào gần một tuần rồi mà chưa chịu lên đây này. Anh đứng đấy, nhỡ “nặng vía” thì khổ anh em!”. Vừa dứt lời, “Hà béo” vác khoan nhảy tót lên tảng đá bấm máy, mũi khoan cắn vào đá chát chúa. Những người còn lại người thì cuốc đất, người dùng xà beng hì hục đào bới tạo thành những cái hầm ăn sau vào chân núi khoảng 5 - 10m.

Thường mỗi hầm có từ 5 - 7 thợ, đếm sơ qua dưới chân núi có tới hàng chục. “Trông những cục đá rất bình thường chỉ nhô lên khỏi mặt đất vài gang tay, nhưng đừng xem thường nó, tiền triệu cả đấy!”, anh Phạm Đình Thượng, 40 tuổi quê ở Nho Quan (Ninh Bình) chia sẻ. Anh Thượng cho biết: “Không phải tảng đá nào cũng cho thế đẹp, màu đẹp. Một viên đá phải hội tụ đủ các yếu tố như: gân đá nhăn nheo, nhiều hang hốc, hình thù quái dị… thì mới gọi là đá đẹp. Đá có lỗ tự nhiên, trong nghề gọi là “Thần Lâu Thạch”, còn các đường vân gọi là “Thanh Tú Thạch”. Đa số đá đẹp đều ẩn sâu dưới lòng đất, càng gần chân núi lớn đá càng đẹp!”.

Theo kinh nghiệm của dân “săn” đá cảnh, thì mùa vụ tốt nhất là từ đầu mùa mưa, cho đến hết mùa xuân, vì khi đó đất mềm dễ đào. “Nói là vậy chứ nếu anh em chúng tôi đào theo mùa thì đói trơ mồm, mùa khô đào khó nhưng mình có thể huy động được máy móc, xe ô tô có thể vào tận nơi để chở...”, anh Định ở xã Đồng Tâm cho biết. 

Hiện các mỏ đá ở khu vực huyện Lạc Thuỷ như: Mỏ suối Mơ, Đồng Muối, Đông Tiến... hầu hết đều cạn kiệt, dọc theo chân núi chỉ sót lại những tảng đá trơ (không có dáng) và lởm chởm hang hố sâu hoắm như những hố bom. Do vậy các thợ mỏ đều đổ dồn về mỏ đá Đồng Tâm. Các thợ đá không chỉ đào bới đá ở dưới lòng đất mà nhiều khối đá khổng lồ ở lưng chừng núi hiện cũng bị “vắt kiệt”.

Phong trào săn lùng đá cảnh ở Lạc Thuỷ có từ lâu, nhưng rộ lên từ đầu năm 2008. Cũng nhờ đá cảnh mà cuộc sống người dân nơi đây đã thay đổi rõ rệt, nhiều người bỗng trở thành tỷ phú. Một người dân bản địa trong một lần đào giếng phát hiện, đá ở đây có hình thù lạ lẫm, đập những phiến đá phát hiện có nhiều đường vân đẹp óng ánh, từ đó âm thầm khai thác. Mãi về sau người dân trong vùng mới biết và đổ xô đi đào.

Ở gần xã Đồng Tâm có một “đại gia” khét tiếng về chơi đá cảnh tên Hùng. Hùng vốn là thợ đào đá nghiệp dư, do đi “săn” cho nhiều ông chủ ở tận Bình Định, Ninh Bình... nên rất sành về nghề này. Từ khi nghe Đồng Tâm có “mỏ” đá cảnh, khi giá thành còn rẻ anh đã dồn tiền tích góp cả chục năm trời mua hết đá mà người dân đào được. Đến nay anh đã có một bảo tàng đá cảnh đồ sộ. Có khách ở Hà Nội đến trả gần 2 tỷ đồng bộ sưu tập đá nhưng anh chưa bán.

Đá núi tật nguyền và vết sẹo thời gian

Lao vào hành trình săn lùng đá cảnh, hàng trăm người đều có chung một ước vọng sẽ thay đổi cuộc sống. Nhưng ít ai biết được rằng, để có được những phiến đá ấy họ phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy thậm chí đánh đổi bằng tính mạng của mình.

Trong chuyến đi “săn đá cảnh” ở Đồng Tâm (huyện Lạc Thuỷ) chúng tôi đã được nghe và chứng kiến nhiều hậu quả khủng khiếp do “cơn lốc” đá cảnh gây ra. Ông Hà Văn Lanh ở Đồng Tâm, người chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm nhớ lại: Đầu năm 2009, trong một chuyến đi cùng những thợ săn đá ông có quen một người tên Lê Xuân Theo (38 tuổi) quê ở Hà Trung (Thanh Hoá), trong lúc vận hành ròng rọc kích tảng đá nặng khoảng 4 tấn lên khỏi hang khi dịch lên gần mặt đất do sơ suất chân anh đã kẹt vào con lăn cán nát chân. Cả đoàn hô hoán nhau cố dịch tảng đá nhưng không kịp. Khi đưa lên viện anh phải cắt bỏ mất nửa chân trái. Hay như trường hợp của anh Phạm Văn Chung ở cùng huyện bị mảnh đá bắn hỏng mắt trái trong quá trình đập đá.

Anh Bùi Đình Đạo 24 tuổi quê ở Bình Lục (Hà Nam), mặt dính đầy bùn đất tay cầm cốc nước chưa kịp uống cho hay: “Nghề này nặng nhọc lại rất nguy hiểm và các ông chủ thuê đào với giá rất bèo bọt. Tụi em đi làm tính theo điểm, mỗi điểm được 5.000 đồng, mỗi ngày khoảng 20 - 25 điểm, trung bình được 100.000 đồng - 125.000 đồng. Có được số tiền đó chúng em không biết lĩnh bao nhiêu vết sẹo trên người. Biết nguy hiểm nhưng không còn sự lựa chọn nào khác”.

Hướng ánh mắt xa xăm, ông Đặng Thanh Cao ở xã Đồng Tâm năm nay đã 80 tuổi tâm sự: “Tôi gần nửa cuộc đời sống ngoài chiến trường đã từng chứng kiến nhiều cảnh máu đổ. Trở về quê hương tưởng được hưởng cảnh yên bình ai ngờ lại phải chứng kiến cảnh máu đổ trên đá. Máu của người dân đổ xuống để lo từng miếng ăn!”.

Một thợ đào đá tên Sơn mô tả quá trình lấy một tảng đá cảnh nặng khoảng 6 tấn thì phải khoét miệng rộng chừng 18m sau đó đến đào phần hầm. Khoét khi nào bên dưới lọt thỏm người. Những lúc như vậy nếu gặp trời mưa rất nguy hiểm đến tính mạng. Cứ theo cách khai thác này, lòng núi ngày càng bị rỗng...