Nghệ thuật thăng hoa từ.... vỏ trứng

(ANTĐ) - Đã từ lâu, vỏ trứng được dùng làm chất liệu trong tranh sơn mài Việt Nam, nhưng cũng từ vỏ trứng, hoạ sĩ Văn Chiến lại tìm tòi cho mình một lối đi  mới: anh dùng nó như một chất liệu chủ đạo để làm nền cho cả bức tranh.

Nghệ thuật thăng hoa từ.... vỏ trứng

(ANTĐ) - Đã từ lâu, vỏ trứng được dùng làm chất liệu trong tranh sơn mài Việt Nam, nhưng cũng từ vỏ trứng, hoạ sĩ Văn Chiến lại tìm tòi cho mình một lối đi  mới: anh dùng nó như một chất liệu chủ đạo để làm nền cho cả bức tranh.

Văn Chiến không chỉ tự đổi mới mình mà còn góp phần làm giàu thêm ngôn ngữ tranh sơn mài Việt Nam...

Triển lãm tranh sơn mài của hoạ sĩ Văn Chiến tại 16 Ngô quyền, Hà Nội trong những ngày tất niên giá lạnh nhưng vẫn rất nhiều người đến xem bởi  sự ấm áp phòng tranh đem lại.

Khi thì tả thực, khi thì trừu tượng, có khi lại thể hiện bằng lối bố cục đan xen hài hoà giữa đồ họa và hội họa, vẫn là những phong cảnh làng quê Việt Nam nơi anh đã đi qua, vẫn cuộc sống sinh hoạt rất đời thường, tranh của Văn Chiến bình dị mà sâu lắng, nhân văn mà trầm ấm, nó như đi vào cõi sâu thẳm, cõi tâm linh của con người.

Một “Thành phố bên sông Vân – Ninh Bình” với những bộn bề phía sau khung nhôm cửa kính choáng lộn. Người xem như thấy phố cũng có thân phận, có cuộc đời và có những bước thăng trầm, chìm nổi như cuộc đời của một con người vậy;

Một “Ngõ nắng” bình yên, lô nhô sỏi đá, len lỏi nắng mà bất cứ ai bắt gặp đều cứ ngỡ đấy là “ngõ nắng” quen thuộc của quê mình;

Định Hóa - Thái Nguyên Nhịp điệu Hòa Bình Định Hóa - Thái Nguyên Nhịp điệu Hòa Bình
Định Hóa - Thái Nguyên Nhịp điệu Hòa Bình

Một “Cây bàng mùa đông” như hàng trăm cây bàng khác ẩn hiện xa gần bên những mái nhà cổ kính thâm trầm; hay những đứa “Bạn quê” như dội về cả ký ức tuổi thơ một thời chăn trâu cắt cỏ quen đấy, mà cũng lạ đấy, gợi cho ta nhớ về nơi cội nguồn, gốc gác của mình.

Họa sĩ Văn Chiến là hoạ sĩ duy nhất được ủy ban Olympic Việt Nam trao tặng giải nhất cho cuộc thi “Olympic thể thao và nghệ thuật” với tác phẩm “Niềm vui chiến thắng”. Tác phẩm này sẽ được trưng bày tại Bắc Kinh trong dịp diễn ra Thế vận hội Olympic Bắc Kinh tới đây.

Sử dụng chủ yếu là màu đen của sơn then, màu nâu cánh gián và màu vàng truyền thống, nhưng với sự lấp lánh của các loại vỏ trứng, 33 bức tranh sơn mài được hoạ sĩ này sáng tác từ năm 2005 đến nay đã biểu đạt được những cảm xúc rất mới.

Có thể thấy Văn Chiến đã đạt đến sự tinh tế trong cách “chơi” màu khiến người xem có cảm giác đâu đó trong những sắc màu truyền thống của sơn mài, phảng phất màu sắc của “đương đại”.

Cũng là vỏ trứng nhưng khi ghép rộng thì cho một kết quả khác, khi ghép nhỏ, hẹp lại có hiệu quả khác, hoặc khi ghép úp thì sẽ cho sự phẳng, bóng, nhưng khi ghép ngửa, vỏ trứng lại bắt màu và tạo ra sự tương phản, độ xa gần trong các mảng màu tối sáng...

Anh nói rằng khi dùng vỏ trứng, anh không nghĩ mình sẽ là người mở ra một điều gì đó cho tranh sơn mài, mà anh muốn tự thay đổi mình, muốn thử nghiệm để tìm ra cho mình một lối đi riêng, để thấy rằng sơn mài Việt Nam là một khu rừng rộng, còn nhiều điều để các họa sĩ khám phá.

Triển lãm này của anh có thể coi như một sự công bố để khẳng định rằng sơn mài Việt Nam có thể phát triển theo nhiều hướng khác nhau, mọi người vẫn có thể tìm tòi để nghệ thuật sơn mài Việt Nam phát triển hơn nữa.

Bởi nghệ thuật sơn mài là nghệ thuật truyền thống, tranh sơn mài là tiếng nói của hội họa Việt Nam, nếu chúng ta bỏ qua nó, không tìm tòi để phát triển nó, thì cũng có nghĩa là chúng ta sẽ không có gì để nói với con cháu, không có gì để nói với bạn bè thế giới.

Đinh Kiều Nguyên