Nghệ thuật không chấp nhận “hàng giả” “hàng nhái”

ANTĐ - Có nên coi các sản phẩm nghệ thuật là một loại hàng hoá tinh thần đặc biệt? Nếu vậy, hàng giả, hàng nhái trong “thị trường” văn hoá nghệ thuật cũng là sản phẩm độc hại. Đã là sản phẩm độc hại thì những người quản lý, định hướng nghệ thuật, các văn nghệ sĩ (người sản xuất) và người hưởng thụ văn hoá (người tiêu thụ) phải bày tỏ thái độ...

Nghệ thuật không chấp nhận “hàng giả” “hàng nhái” ảnh 1Chọn chiến sĩ trẻ, ăn mặc đẹp để hái rau rồi chụp
Ảnh: Vũ Huyến

Nhân vật “đóng thế” trong nhiếp ảnh

Rất nhiều bức ảnh đã có trên thế giới trở thành tài sản quý của nhân loại. Ở Việt Nam vài chục năm gần đây có thể nhắc đến các bức ảnh về Hà Nội xưa, cuộc sống người dân Việt trước cách mạng tháng Tám năm 1945 (lĩnh vực ảnh tài liệu) các bức ảnh đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước qua nhiều đợt, hình ảnh về Việt Nam trong chiến tranh do các nhà nhiếp ảnh nhiều phía chụp và lưu giữ được. Giá trị trước hết bởi nội dung thực có giá trị tài liệu lâu dài, được xã hội, nhiều thế hệ công nhận và sử dụng. Các bức ảnh đó không chỉ được người xem mà cả giới chuyên môn ngưỡng mộ bởi sự lao động cật lực, tận tụy bất chấp hiểm nguy của tác giả những tấm ảnh ấy. Trong hoàn cảnh chụp khó khăn, người chụp phải tận dụng những khoảnh khắc, chứng minh việc chụp ảnh là việc của người làm chứng, gây được lòng tin cho người xem ảnh. 

Nếu nhà nhiếp ảnh không có mặt tại nơi xảy ra sự kiện (như thấy trên ảnh) nếu nhân vật có trên ảnh chỉ là những người đóng thế, nếu cảnh và vật, màu sắc  có trên ảnh được tạo ra từ một phương pháp nào đó, nếu câu chuyện được nhắc đến trên ảnh là do tác giả bịa đặt ra... thì những ảnh như vậy phải bị coi là hàng giả, người tạo ra ảnh là người làm hàng giả. Tạo ra hàng giả bằng mọi thủ thuật liệu có là vi phạm đạo đức của văn nghệ sĩ, người sản xuất ra các sản phẩm văn hoá tinh thần?

Giá trị nghệ thuật ở đâu?

Ở Việt Nam những bức ảnh nổi tiếng thực, có giá trị dài lâu chưa thật nhiều. Những ảnh được người Việt Nam ưa thích, được Nhà nước vinh danh... vốn không phải là các bức ảnh được chọn từ những lần thi cử. Xin nhắc lại là thời chống Pháp, chống Mỹ cứu nước hầu như không có hoặc rất ít các cuộc thi ảnh. Nếu có ảnh nào đó được giải quốc tế thì lúc sáng tác người chụp cũng không có mục tiêu để dự thi đoạt giải.

Vài trăm, gần nghìn cuộc trưng bày ảnh qua vài chục năm. Nếu mỗi cuộc trưng bày như thế có được dù chỉ một ảnh có giá trị lớn thì hẳn hôm nay ta đã có hàng nghìn bức ảnh “đi cùng năm tháng“.

Đợt xét giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước gần đây nhất năm 2011 với những trăn trở là không có nhiều bức ảnh đủ tầm để đưa vào xét tặng nói lên điều gì nếu như không phải là tầm của các bức ảnh (mà người ta hay gọi là tác phẩm) còn thấp hoặc quá thấp, những ảnh nhạt nhẽo quá nhiều. Nhạt về nội dung, kém hoặc chưa tới về cách diễn đạt.v.v.. là nỗi buồn cho người xem nhưng dù sao vẫn còn có thể chấp nhận được, cảm thông bởi đó là ảnh thật, là “hàng thật“. 

Hàng giả nhiếp ảnh nhìn bề ngoài lại là thứ hàng trông rất thật, bắt mắt. Nói tóm lại, trên mặt phẳng tấm ảnh giả, những gì thấy được đều tinh tế, đẹp từ bố cục, ánh sáng, đường nét, mầu sắc .v.v.. Thế nên mới khó phát hiện là giả. Thậm chí vì đẹp nên dễ đoạt giải. Người chụp ảnh đương nhiên biết mình “sản xuất hàng giả”, và người thẩm định cũng biết nhưng lại đồng lõa với nhau, cuối cùng thiệt thòi thuộc về công chúng thưởng thức nghệ thuật. Và điều đó càng đẩy hàng giả nhiếp ảnh ngày bùng nổ và càng trở nên khó bị phát hiện, không bị lật tẩy và bị phê phán.

“Hàng giả” và chuyện cười ra nước mắt

Sự phát triển nhanh của kỹ thuật thì, chuyện hàng giả trong nhiếp ảnh còn có nhiều cách thức làm giả khác nhau. Chuyện dùng ảnh của người này nhưng đề tên người khác, dùng ảnh của người khác (đã mất) rồi đề tên mình; Lấy ảnh của người khác để làm nền, làm phông cho ảnh của mình mà không ghi xuất sứ tác giả; Sử dụng lại ảnh đã từng có trên các ấn phẩm khác, quét, sửa lại mà không ghi xuất xứ; Cắt, cúp để tạo ra bức ảnh khác; Dùng phần mềm ghép ảnh của nhiều người để tạo ra một ảnh mới ghi tên mình...

Gần đây có chuyện cười ra nước  mắt. Người có máy ảnh cho bạn mượn, bạn đi dã ngoại thấy cảnh đẹp nhưng không chụp mà bảo anh bạn ngồi gần chụp. Ảnh chụp chơi, không ai tính đến. Tình cờ dự thi lại đoạt giải cao kèm phần thưởng lớn, thế là gây tranh cãi ai là tác giả. Người nói “máy ảnh là của tôi“, người nói “tôi mới là người bấm máy“, người khác nói “chụp là do tôi bảo”? Vậy có nên đặt vấn đề “đạo đức hay không đạo đức“ trong những cuộc tranh giành danh và lợi như thế ?.

Chống hàng giả trong nhiếp ảnh như thế nào?

Không phủ nhận nỗ lực của các cấp quản lý nhiếp ảnh các Hội VHNT trong việc tạo ra một phong trào chụp ảnh rộng khắp, đưa ra quần chúng hàng ngàn ảnh có nội dung lành mạnh, tác động đến thị hiếu quần chúng, góp cho bộ mặt đất nước sáng đẹp hơn. Số hàng thật, chụp thật vẫn nhiều hơn có được nhờ động cơ chụp tốt của đại đa số nhà nhiếp ảnh trên cả nước. Nhưng sự có mặt của hàng giả, hàng nhái tại các cuộc trưng bày, đang có xu hướng ngày một nhiều, thậm chí hàng giả lại đoạt giải cao đã vô tình khuyến khích lối chụp ảnh không tôn trọng cái thực. Dù hàng giả có tạo ra những tấm ảnh đẹp lộng lẫy thì lối tô hồng hình ảnh và con người cũng rất xa với bản chất của ảnh.

Ai là người chống loại sản phẩm nghệ thuật giả, làm méo mó đời sống nghệ thuật nhiếp ảnh? Phải là các cơ quan quản lý nhiếp ảnh, không trao giải cho các hàng giả, thậm chí không nên trưng bày, lý luận phê bình phải mạnh mẽ phê phán, xu hướng săn giải thưởng bằng mọi cách. Cần khuyến khích đánh giá cao lối chụp thực, tôn trọng cuộc sống. Các nhà quản lý kiên quyết với mọi cách đánh cắp bản quyền nhiếp ảnh, phản đối thái độ không trung thực trong hành nghề và gian dối trong việc phổ biến sản phẩm của một số người chụp.

Kinh tế thị trường, tự do sáng tác, chấp nhận đa phong cách, sự cạnh tranh và quyền được đánh giá tài năng sáng tạo không hề mâu thuẫn với yêu cầu một người làm nghệ thuật sống và làm việc với lương tâm và trách nhiệm, có lòng tự trọng và biết tôn trọng các sản phẩm lao động của người khác, không ngộ nhận với các tước hiệu, danh hiệu mà mình đã được trao tặng.