Nghệ thuật của những ngón tay "phù thủy"

ANTD.VN - Nghệ thuật vốn không có giới hạn, nó tìm đến với ai có lòng đam mê và yêu thích. Hoàng Long và nhóm bạn của mình còn đang nỗ lực đem Gloving đến với đông đảo người thưởng thức nghệ thuật nhưng chắc chắn một điều, Gloving đã đem lại cho Long và các bạn một cuộc sống nhiều sắc màu cảm xúc.

Nghệ thuật của những ngón tay "phù thủy" ảnh 1Hoàng Long thực hiện kỹ thuật tutting của môn Gloving

Ảo ảnh đầy màu sắc

8h tối chủ nhật, tìm đến địa chỉ lớp học ghi trên Fanpage Void Dreamers của nhóm bạn trẻ Hà Nội yêu thích bộ môn nghệ thuật Gloving, quán The O cofee số 44 đường Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng, tôi đứng trước một không gian khá rộng của căn nhà hai tầng bên ngoài sơn màu xanh coban, màu điển hình cho sự trẻ trung sôi động. Gọi một ly cà phê đen, vừa nhâm nhi vừa quan sát nơi được coi là "đại bản doanh" của các bạn trẻ yêu thích môn nghệ thuật mới lạ.

Trái ngược hẳn với phía ngoài, bên trong quán được sơn màu phớt hồng, vài giá sách giản dị treo trên tường tạo ấn tượng về một không gian nghệ thuật. Không thấy các bạn trẻ xuất hiện, tôi quyết định gọi điện cho Glover Clown, người dạy chính của lớp học Gloving. Trả lời điện thoại là giọng nói trẻ trung, ấm áp. Sau khi biết ý định của tôi, bạn trẻ chủ động giới thiệu là Hoàng Long, sinh viên năm thứ hai, Đại học Ngoại thương Hà Nội. Glover Clown là nghệ danh Long tự đặt. 

Thoạt nhìn sẽ thấy Long hợp với phong cách của nghệ sĩ dòng nhạc thính phòng hơn là một nghệ sĩ đường phố với dáng người dong dỏng cao, trắng trẻo, mái tóc mềm mại, cặp kính cận hợp thời trang, khuôn mặt đẹp như diễn viên Hàn Quốc. Bằng chất giọng mềm mại, Long giới thiệu về Gloving, thể loại khiêu vũ hiện đại, môn nghệ thuật hoàn toàn mới lạ và đầy thú vị của những ravers (người chơi âm nhạc đường phố) và những người yêu EDM (âm nhạc điện tử).

Gloving là một hình thức biểu diễn ánh sáng (light show) với đèn Led trên từng đầu ngón tay và lòng bàn tay, làm nổi bật lên những chuyển động ánh sáng tuyệt đẹp bằng cách di chuyển ngón tay, bàn tay, cánh tay, thậm chí là toàn cơ thể, theo những nhịp điệu bay bổng của âm nhạc. Với những thao tác thật lạ và riêng biệt, được kết hợp bởi những động tác uyển chuyển, Gloving sẽ tạo nên những ảo ảnh đầy màu sắc cho thị giác.

Những kỹ thuật cơ bản dành cho người mới tập Gloving gồm có: Finger roll, cuộn các ngón tay theo chiều xuôi, ngược với tốc độ khác nhau; Stacking, chuyển động hai bàn tay chồng lên nhau theo nhiều hướng; Finger 8, quay 2 bàn tay gắn liền với nhau theo hình số 8 và cuối cùng kỹ thuật cao hơn trong Gloving là trình diễn các tutting, kết hợp hai bàn tay tạo thành các hình khối khác nhau. Tuy nhiên, theo Hoàng Long người chơi Gloving sử dụng nền tảng là các động tác kỹ thuật cơ bản nhưng trong quá trình biểu diễn còn tuỳ vào nhạc nền, cảm xúc, sự sáng tạo, tính ngẫu hứng mà tạo ra những màn trình diễn đem lại cảm giác mãnh liệt.

Nghệ thuật của những ngón tay "phù thủy" ảnh 2Các bạn trẻ vui mừng khi nhận giải từ cộng đồng Gloving Mỹ

Ai cũng có thể chơi

Người bắt đầu tập Gloving phải mất 4-5 tháng mới nắm bắt được hết các động tác cơ bản. Khi đó họ có thể trình diễn ngay nhưng để tìm ra cách trình diễn riêng cho mình và trình diễn hay thì phải mất 2-3 năm. Người mới tập chỉ cần tập bằng tay không, còn khi biểu diễn bắt buộc phải sử dụng găng tay có đèn Led phát sáng. 

Tình cờ biết đến Gloving qua mạng Internet, Long bị thu hút ngay bởi môn trình diễn mới lạ và tự tập. Cộng đồng chơi Gloving ở Hà Nội có khoảng 20 người với nhiều độ tuổi khác nhau. Trong số đó có rất nhiều bạn trẻ là học sinh các trường THCS. Môn nghệ thuật này cũng đòi hỏi người chơi phải có tính kiên trì và cảm thụ được âm nhạc. Ngoài biểu diễn cho người xem, Gloving còn đánh giá các dance qua các buổi thi đấu, tiêu chí đánh giá người chơi tốt dựa trên kỹ thuật, phong cách, cảm nhạc, cảm xúc. Qua thi đấu đối kháng làm cho người chơi nhanh chóng hoàn thiện kỹ năng của mình, tìm ra điểm yếu của đối phương mà đánh vào điểm yếu đó, đồng thời phải có chiến lược làm sao để cuộc đấu hấp dẫn.

Hoàng Long liên hệ thường xuyên với cộng đồng chơi Gloving của Mỹ để họ hỗ trợ về thông tin, kỹ năng, phương tiện, tổ chức các giải đấu trực tuyến. Nhóm của Long có một bạn trẻ đoạt giải nhất tháng nên nhận được giải thưởng là một đôi găng tay trị giá 1.000.000 đồng từ Mỹ gửi về. Món quà tuy không lớn nhưng có giá trị tạo cảm hứng cao.

Rèn luyện sự kiên trì, tự tin

Hoàng Long dự định phát triển Gloving Việt Nam theo hướng đi riêng không theo cộng đồng Gloving ở Mỹ, không phải là ở các quán bar mà phát triển theo các sự kiện, lễ hội... Mới đây, Hoàng Long đã dẫn các bạn trẻ tham dự chương trình nghệ thuật đường phố “Street Air Fair” lần thứ hai tổ chức tại Hanoi Creative City, số 1 Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Long cũng bắt đầu đưa nhóm biểu diễn tại phố đi bộ quanh hồ Gươm, khu vực đài phun nước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, được rất nhiều người quan tâm và hưởng ứng. 

Nhiều bạn trẻ không thấy hứng thú hoặc có năng khiếu để chơi môn nào đó, song từ khi chơi Gloving, họ tự tin hơn rất nhiều. Gloving rèn luyện lòng kiên trì, tính sáng tạo, mạnh dạn, tự tin trình diễn, phô diễn kỹ thuật trước đám đông. Song lợi ích của Gloving không chỉ là đem lại một sân chơi nghệ thuật lành mạnh cho lớp trẻ mà nó còn hỗ trợ đắc lực cho việc học tập. Hoàng Long cho biết, Gloving đã góp phần đem lại cho Long thành tích học tập đáng nể như hiện nay. Long từng học tại trường phổ thông chuyên ngữ thuộc Đại học Hà Nội, sở hữu chứng chỉ IELTS 7.5 và được miễn học môn tiếng Anh trong năm thứ hai học tại Đại học Ngoại thương.

Gloving ra đời ở Mỹ năm 2003, khi một dancer tên là Hermes tình cờ sử dụng đèn Led gắn trên đầu ngón tay biểu diễn các động tác biểu cảm tại một quán bar ở Califorlia gây hiệu ứng đặc biệt với người xem. Hình thức này sau đó lan truyền trong cộng đồng, được đúc kết thành những kỹ thuật cơ bản, truyền dẫn và thu hút giới trẻ. Gloving không phải là bộ môn trình diễn trên sân khấu lớn mà chọn không gian nhỏ hẹp hơn như trong quán bar, tương tác với người xem, tạo ra cảm xúc rất mạnh.