Nghệ thuật công cộng loay hoay tìm chỗ đứng

ANTĐ - Ngoài một số tác phẩm tạo được tiếng vang như “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” thì ở Việt Nam, việc đưa các công trình nghệ thuật vào trong không gian sống, đặc biệt tại các đô thị còn rất hạn chế. Trong khi hàng năm, nhiều quốc gia trên thế giới đều dành phần trăm nhất định từ ngân sách các công trình được xây dựng cho nghệ thuật công cộng. 

Nghệ thuật công cộng loay hoay tìm chỗ đứng ảnh 1Con đường gốm sứ ven sông Hồng là một trong ít những dự án nghệ thuật công cộng
ở Hà Nội tạo được sự chú ý

Thiếu sân chơi, thừa tượng đài

Là một khái niệm không cũ, không mới ở Việt Nam, nghệ thuật công cộng có thể hiểu là những tác phẩm nghệ thuật làm đẹp và tạo nên diện mạo cho không gian công cộng. Những khải hoàn môn, những bức phù điêu, tượng đài, tranh trừu tượng, quảng trường, công viên, những không gian mở… được thiết kế có tính thẩm mỹ cao đều được cho là những công trình nghệ thuật mang dấu ấn cộng đồng. Tuy nhiên, dễ thấy khi các tòa nhà cao tầng, các khu đô thị mới… mọc lên ngày càng nhanh, thì quỹ đất dành cho các công trình mang dấu ấn cộng đồng càng bị thu hẹp. Điển hình trong số đó là các sân chơi, vườn hoa.

Anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đại diện nhóm Think Playgrounds - một dự án phi lợi nhuận đã thực hiện trên 20 dự án sân chơi miễn phí cho trẻ em trên khắp cả nước nhận định, sự phát triển thương mại của các thành phố khiến đất công cộng dành cho trẻ em bị giảm đi, nhưng các khu vui chơi phải trả tiền lại  nở rộ, khiến cho trẻ em ít có cơ hội được tiếp cận với các sân chơi miễn phí, vốn đã rất ít ỏi. Điển hình như ở Hà Nội, rất nhiều các sân chơi trở nên cũ kỹ, xuống cấp nhưng không được tu sửa mà bị bỏ đi, để cho các hộ kinh doanh tùy ý lấn chiếm. 

Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy, tác giả của “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” - công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cho rằng, trong 20 năm gần đây, các công trình nghệ thuật công cộng được xây dựng chủ yếu là các bảo tàng và tượng đài. Phải đến khi có những trại sáng tác điêu khắc quốc tế được tổ chức ở các địa phương như Hà Nội, Huế, Nha Trang… thì chúng ta mới cho ra lò được các tác phẩm điêu khắc có tính trang trí và thẩm mỹ cao.

Trong khi đó, chính phủ ở nhiều nước đã khuyến khích nghệ thuật công cộng bằng cách đưa ra những chính sách thực tế. Chẳng hạn, thành phố New York, Mỹ đã đưa ra điều luật trích không dưới 1% đối với công trình xây dựng trị giá 20 triệu USD để dành cho ngân sách nghệ thuật công cộng. Thành phố Toronto, Canada thì đưa ra luật chung là trích 1% ngân sách các công trình xây dựng bất kể lớn hay nhỏ cho nghệ thuật công cộng.

Nghệ thuật công cộng loay hoay tìm chỗ đứng ảnh 2Sân chơi cho trẻ em do dự án Think Playgrounds thực hiện trên phố Đào Duy Từ

“Nam châm” hút khách du lịch

Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy cũng là người được coi là tiên phong trong các dự án nghệ thuật công cộng, từ Con đường gốm sứ ven sông Hồng cho đến Đài  phun nước Bông sen Vàng tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Trái tim tình yêu Hà Nội bên hồ Trúc Bạch… Tuy nhiên, theo chị khó khăn trong việc làm thủ tục xin phép và tìm kiếm nguồn kinh phí… là những rào cản mà những nghệ sỹ tâm huyết với những công trình nghệ thuật cộng đồng gặp phải.

Đề ra ý tưởng không khó nhưng triển khai ý tưởng, tính toán tính khả thi của công trình là một bài toán phức tạp. Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy cho biết, chị đang đề xuất với thành phố việc triển khai thực hiện việc quét sơn vôi trang trí, vẽ một số tranh tường bằng chất liệu acrylic để trang trí lại trục đường Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải…, phủ màu lên bến xe buýt Long Biên… Tuy nhiên, dự án này cũng đang gặp nhiều vướng mắc. 

Theo ông Nguyễn Quang, Giám đốc chương trình Định cư con người Liên hợp quốc - UN Habitat cho biết, ở Việt Nam, việc ứng dụng nghệ thuật công cộng vào cuộc sống còn rất khiêm tốn. Ngoài một số nơi như Hội An, Đà Nẵng…  các đô thị, địa phương khác chưa coi nghệ thuật công cộng như một công cụ làm đẹp cho diện mạo thành phố, “mềm hóa” không gian đô thị. Đó là chưa kể đến việc tận dụng những công trình này như một thỏi nam châm để thu hút, mời gọi khách du lịch.

Cũng theo ông, hiện nay, UN Habitat đang đẩy mạnh việc hợp tác với  Hàn Quốc, một quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng dự án nghệ thuật công cộng để học hỏi kinh nghiệm cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc cần thiết phải đưa nhiều hơn những công trình như vậy vào cuộc sống.