Nghệ sỹ viola Nguyệt Thu: Dùng âm nhạc giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng

ANTĐ - Nghệ sỹ viola Nguyệt Thu đã tìm thấy sức mạnh của âm nhạc trong việc hàn gắn các chấn thương tâm lý ở trẻ tự kỷ và giúp các em tìm thấy bình yên trong tâm hồn. 

Nghệ sỹ viola Nguyệt Thu: Dùng âm nhạc giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng ảnh 1Nghệ sỹ viola Nguyệt Thu dạy trẻ tự kỷ bằng âm  nhạc

Nỗi lòng của người mẹ có con tự kỷ

Nguyệt Thu sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, bố là nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Thưởng - giảng viên viola đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội. Sau quãng thời gian học tập tại Nhạc viện Hà Nội, chị sang Nga để tu nghiệp tại Nhạc viện Tchaikovsky, ngôi trường âm nhạc danh giá nhất xứ sở bạch dương.

Tốt nghiệp loại xuất sắc, Nguyệt Thu trở thành nghệ sỹ chơi viola quốc tế và tham gia biểu diễn nghệ thuật tại nhiều nước trên thế giới. 26 năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài, Nguyệt Thu đã quyết định trở về nước với lý do phụng dưỡng cha mẹ lúc già yếu và tiếp tục phát triển ngành viola Việt Nam. Chỉ thời gian ngắn về quê hương, Nguyệt Thu đã thành lập tứ tấu đàn dây Apaixonado. Còn việc lập trường dành cho trẻ tự kỷ lại đến từ chính nỗi lòng của chị, một người mẹ có con trai bị chứng bệnh này. 

Nghệ sỹ viola Nguyệt Thu: Dùng âm nhạc giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng ảnh 2Tứ tấu Apaixonado, tứ tấu của những thanh âm quyến rũ do nghệ sỹ viola Nguyệt Thu lập nên

Đau khổ, dằn vặt và tuyệt vọng là những cảm giác mà chị đã trải qua khi phát hiện cậu con trai cả mắc chứng tự kỷ. Chị đã đưa con đi khắp các trường chuyên biệt tại Hà Lan, Malaysia, Singapore rồi về Việt Nam nhưng không chuyển biến. Trong một lần cho con nghe các bản nhạc nhẹ nhàng, du dương với tiết tấu chậm, chị nhận thấy cậu bé bớt cáu kỉnh, đập phá mà ngồi lắng nghe giai điệu. Niềm vui nhỏ bé ấy như vỡ òa sau quãng thời gian bế tắc của gia đình. Những buổi tiếp theo, con trai chị đáp ứng rất tốt với âm nhạc. 

Từ sự tiến bộ của con trai mình, Nguyệt Thu tiếp tục có những buổi thử nghiệm dùng âm nhạc dành cho các bé tự kỷ khác và thấy tác dụng tích cực. Điều đó đã thôi thúc chị mở trường dành cho các bé tự kỷ mang tên Sunrise for Art school, mà theo chị, trước hết là cho con trai của mình.

Nghệ sỹ viola Nguyệt Thu chia sẻ: “Các bé tự kỷ thường rất sợ ra đường vì âm thanh hỗn tạp của đường phố khiến thần kinh vốn nhạy cảm của các em không chịu đựng nổi. Nhưng với âm nhạc, các giai điệu êm ái, có tiết tấu chậm rãi lại giúp các em an thần, trở nên biết lắng nghe người khác”. 

Đêm nhạc đặc biệt

Nghệ sỹ viola Nguyệt Thu tâm sự, chị cảm ơn âm nhạc đã cho mình một con đường mà bấy lâu nay chị loay hoay đi tìm để thoát khỏi những dằn vặt trong đời sống cá nhân. Từ ngày tìm thấy liệu pháp điều trị hiệu quả cho con trai, chị cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn. Cậu bé trước đây thường xuyên đập phá là thế nhưng bây giờ đã biết giúp đỡ mẹ các việc nho nhỏ trong gia đình.

Chị nhận ra, sự kỳ thị của xã hội, thói quen so sánh trẻ tự kỷ và trẻ bình thường càng làm tổn thương những đứa trẻ thiệt thòi. Vì thế, ngoài liệu pháp điều trị bằng âm nhạc, các bậc phụ huynh và xã hội cần thay đổi cách nhìn nhận đối với trẻ tự kỷ và biết chấp nhận sự khác biệt. Mỗi em nhỏ bị mắc chứng bệnh lạ này đều có điểm mạnh riêng và bố mẹ cần khích lệ để các em tự tin thể hiện khả năng đặc biệt của mình. 

Trong đêm nhạc đánh dấu sự trở lại sau 26 năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài của chị mang tên “Màu xanh yêu thương” diễn ra vào ngày 2-4 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, bên cạnh Nguyệt Thu cùng cây đàn viola đánh thức các bản nhạc cổ điển và khẳng định đẳng cấp của một nghệ sỹ quốc tế, còn có sự tham gia trình diễn của các em nhỏ mắc chứng tự kỷ.

Tuy vậy, chị vẫn giấu kín tên tuổi của các em để không ảnh hưởng đến tâm lý biểu diễn của các nghệ sỹ nhỏ tuổi. Bằng việc chia sẻ những giai điệu đẹp và chiếu các đoạn clip về cuộc sống của trẻ tự kỷ, đêm nhạc sẽ lan tỏa thông điệp về việc xóa bỏ sự kỳ thị với trẻ tự kỷ và cùng âm nhạc giúp các em hòa nhập cộng đồng.