Đạo diễn NSƯT Lê Chức

"Nghệ sỹ là sự chuẩn mực và sáng tạo cái đẹp"

ANTĐ - “Quen mặt” nhưng “quen giọng”, giọng đọc lịch lãm, trầm ấm, đầy biểu cảm ấy ngày nào cũng phát ra từ ít nhất một kênh sóng truyền hình. Ông tự trào mình là “người bán giọng” - NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Thường trực, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Người Hải Phòng ấy có chất thâm thúy, sâu sắc, chu đáo của người Hà Nội cũ. Hà Nội gắn bó với ông 34 năm, nơi thân phụ ông học trường Bưởi (Chu Văn An), dạy học, làm thơ, diễn kịch. 

Ba chị em nghệ sĩ Lê Mai (giữa), Lê Chức (bên trái), họa sĩ Lê Đại Chúc (phải)

Lê Đại Thanh là thi sĩ lớn của Hải Phòng. Ông tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Sân khấu Việt Nam và là một trong không nhiều tác giả có tư duy cách tân sáng tạo sớm và vẫn gây ảnh hưởng sau khi qua đời. Thành phố Hoa phượng đỏ đã chứng kiến nổi nênh, lận đận của đời ông và gia đình. Song, Lê Đại Thanh đã sống chết với Hải Phòng bằng cả tâm hồn, cốt cách thanh cao, đẹp đẽ, không một lời than trách. 16 năm sau khi ông qua đời, tháng 8-2012, thành phố Cảng có con phố mang tên ông, cùng đợt đặt tên này, có hai nhà văn Vũ Ngọc Phan, Hoàng Công Khanh.

- Khi biết Hải Phòng có quyết định đặt tên phố Lê Đại Thanh, cảm xúc của ông thế nào?

- Tôi nhớ bố vô cùng. Niềm kính trọng, yêu thương, xót xa cha và tự hào về cha trong tôi chưa khi nào thay đổi, vơi khác. Lúc ấy, tôi nghĩ: đến đây, vụ Nhân văn giai phẩm mà bố mắc phải, ảnh hưởng đến cả gia đình, được hiểu đã chấm hết. Cha tôi đã theo Đảng, viết nhiều tác phẩm hay về Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Cả đại gia đình nghệ sĩ của ông đã về Hải Phòng vì sự kiện Lê Đại Thanh lên tên phố?

- Chúng tôi đi 2 ôtô: gia đình Lê Khanh - Phạm Việt Thanh, con trai Gia Khanh chở chị tôi - Lê Mai. Vợ chồng tôi cùng cháu Lê Vân, Lê  Kim Dung con anh thứ (nhạc sĩ Lê Đại Chương đã mất sớm, sống ở Sơn Tây), về Nghĩa trang Ninh Hải thăm mộ bố mẹ tôi và anh cả - nhà văn Lê Đại Châu. Anh trai áp tôi, họa sĩ Lê Đại Chúc (SN 1944) những năm gần đây sống tại ngôi nhà xưa của chúng tôi, trong ngõ 88 phố Cầu Đất (Hải Phòng). Anh cùng chúng tôi đi trên phố mang tên cha mà thấy cha “hiện ra” hiền từ sinh động. Tôi thuộc đường như lòng bàn tay và mỗi lần về lúc nào cũng thấy bóng cha. Bà con Hải Phòng hầu như ai cũng biết và quý ông. Ông giúp từ anh bốc vác đến những người khốn khó. Có hay không có tên phố, chúng tôi vẫn tin cha tôi sống trong lòng nhân dân Hải Phòng. Ông được người dân ví như linh hồn, cuốn từ điển sống của thành phố.

- Ông kế thừa cha ở năng lực chữ, nên không dừng ở xúc cảm tự thân?

- Đúng. Sau khi phố Lê Đại Thanh được gắn biển, tôi có soạn lá thư (đánh máy) gửi cùng lúc cho UBND, HĐND, Sở VH-TT&DL, Hội VHNT, Sở Nội vụ “cảm ơn về quyết định có tính chất văn hóa” của các cơ quan chức năng và lãnh đạo thành phố. Tôi đã tự mình về Hải Phòng, một mình đến con phố mang tên cha cuối 2012. Sinh thời, cha tôi đã nhiều lần đạp xe trên đoạn đường này, để qua Kiến An, Tiên Lãng, Đồ Sơn.

- Lưu Quang Vũ là tác giả có nhiều duyên với giới sân khấu đến hôm nay. Đêm diễn “Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh” tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội vừa rồi, ông dẫn chương trình, bình thơ rất hay, lời bình cho thấy ông không chỉ biết làm thơ, mà thẩm thơ tinh. Duyên nhất là khi giới thiệu thành phần tham gia đêm diễn, ông không nói chức vụ đương nhiệm, mà nói: “Lê Chức, cựu diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ”.

- Cảm ơn lời khen. Tôi có tham gia vở kịch đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ. Vở dựng năm 1979, được HCV Hội diễn 1980. Tôi vào vai Thiết, đạp xích lô nhưng chính là cán bộ Xứ ủy Nam kỳ, phụ trách Lý Tự Trọng. Rồi vai anh bộ đội vở Hòn đá cháy, vai Vua - vở Hoàng tử học nghề. Tôi vẫn gắn bó, quý mến đạo diễn Phạm Thị Thành tới bây giờ.

- Danh “nghệ sĩ” hiện nay đang sử dụng tràn lan. Ý kiến của ông?

- Nếu làm đúng, nghệ sĩ là sự chuẩn mực, kiến thức và tài năng. Không chỉ nghệ thuật, trong cuộc sống, ai làm công việc đẹp đẽ, có tính sáng tạo, có thể được coi là “nghệ sĩ”. Gọi “nghệ sĩ quét rác” cũng được. Còn say xỉn, uống bia rượu ghi sổ nợ, ở bẩn, đi muộn về sớm, lại bảo “Thông cảm, tôi/anh ấy là nghệ sĩ” là làm rẻ danh từ này. Có quá nhiều kẻ ngộ nhận, vỗ ngực, cũng không ít người lấy danh nghệ sĩ để chờ sự thương cảm của xã hội. Không phải cứ bước lên sân khấu là nghệ sĩ, làm vài bài thơ là thi sĩ Việt Nam 90 triệu dân, chỉ 4 vạn văn nghệ sĩ, trong đó gần 2.000 người có danh hiệu. Nghệ sĩ phải là người có sáng tạo, có công chúng, được công nhận; còn lại, thuần túy là ca sĩ, diễn viên. Dân ta lâu nay dễ dãi chấp nhận, nên không hiếm kẻ làm vè lại tưởng thơ.

- Ông rất tận tụy với các công việc của Hội Sân khấu, từ Trưởng BTC, viết và dẫn chương trình đều chu toàn. Đấy là do cương vị hay tập quán? 

- Làm việc tận tụy là con người tự nhiên của tôi. Kinh nghiệm và sự hiểu biết về nghề nghiệp, đồng nghiệp, cho tôi năng lực làm được nhiều việc. Tư duy đạo diễn giúp tôi tổng hợp, hoạch định, lên đề cương mọi thứ trôi chảy. Tôi có 14 năm (1989 - 2003) làm Giám đốc Nhà hát Cải lương Trung ương, gần 2 năm là Phó Cục trưởng Cục NTBD trước khi về Hội Sân khấu năm 2005. 

- Lúc nào đến phòng làm việc của ông cũng được tặng sôcôla?

- Tôi mua sôcôla thường xuyên để tặng cho nhân viên và khách. Không ai đến phòng Lê Chức mà về tay không, tôi thích tặng quà cho mọi người.

- Chỉn chu thế, có lẽ ông chẳng khi nào bị quên điện thoại?

 - Ngoài lần ở Kiev bị lấy trộm túi, cơ bản tôi chưa bị mất, đúng ra là suýt mất. Năm 2012, về Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, tối đọc lời cho đêm hội Thành nhà Hồ được UNESCO vinh danh di sản, thì sáng ăn bánh cuốn quên túi ở quán. Chính anh em giang hồ tìm lại túi cho tôi, nguyên vẹn. Họ gọi tôi là thầy, trao đổi số điện thoại, hỏi thăm. Đâu ngờ đại gia đình tôi lại có fan ở giới ấy. Không có chuyện mất túi, chắc chẳng bao giờ tôi biết họ, biết cái hay của một “xã hội” khác, yêu ghét rõ ràng, nghĩa khí.

- Sự dữ dội, nhiệt huyết có trong máu người Hải Phòng. Ông không hay về quê dựng vở?

- Có, 20 năm trước, vở “Người giết chết ước mơ”. Những năm gần đây, tôi hay được mời viết và đọc lời bình, khai mạc Lễ hội Du lịch sông Hồng, Đại hội TDTT. Các vị lãnh đạo Hải Phòng biết tôi là người con quê hương, biết khả năng của tôi có thể và sẵn lòng đóng góp cho đất Cảng.

- Hải Phòng có bố mẹ ông, đang yên nghỉ, anh trai và gia đình các cháu?

- “Khi tôi chết, những người  thân của tôi đừng nhỏ lệ/ Hãy trồng cho tôi 4 cây đại quanh mồ” (Di chúc, 1967). Bố tôi viết thế từ 40 năm trước khi qua đời. Chúng tôi trồng cây đại có 4 nhánh. Lê Đại Thanh là một bản lĩnh, nhân cách lớn. Chúng tôi tiếp nhận cốt cách ấy. Gặp truân chuyên, chúng tôi chấp nhận, không xin xỏ, quỵ lụy ai. Dù bị khốn cùng, cha tôi vẫn viết rất hay về Đảng. Trường ca Con đường đỏ, Lê Đại Thanh viết về Chủ tịh Hồ Chí Minh thế này: “Nghĩ đến Người, tôi nghĩ đến cây trúc cây giang/ Cây tre quê hương với những đốt vàng/ Tre thẳng đốt tre làm rường cột/Người giơ tay chống cả mái đời”. 

-  Sau tập Hoa Lê, Một thinh không (2011), ông có xuất bản tập thơ nào?

- Tôi vừa viết xong “Ngọt lòng trong xanh vỏ” (theo sự tích quả dưa hấu Mai An Tiêm), Kịch bản cho kịch hát, chưa bán cho đoàn nào. “Hoa Lê” là những cá nhân tinh hoa nổi tiếng của dòng họ, may mắn, đã đến đời thứ 4, cháu họ tôi là ca sĩ Nguyễn Pha Lê, cháu ngoại của anh cả. Tháng 7-2011, tôi qua Pháp, đến Liên hoan Sân khấu ở Avignon. Vợ chồng Lê Vi cùng 3 con từ Amboise tới Avignon thăm ông cậu, chúng đều đẹp, năng khiếu vẽ. Điều tâm đắc nhất là tại gia đình tôi truyền đời dòng máu yêu nghệ thuật và vẫn tiếp tục đóng góp cho đất nước.