Nghề sửa máy ảnh xưa ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiếp ảnh Việt Nam phát triển chậm so với nhiều nước trên thế giới. Tính từ ngày hòa bình lập lại năm 1954, Hà Nội cũng chỉ có vài chục hiệu ảnh mà đa phần nằm trên các con phố thuộc khu Hoàn Kiếm như: Quốc tế (phố Tràng Thi), Tam Anh (phố Hàng Gai), Kim Lai (phố Đinh Tiên Hoàng), Anh Photo (phố Tràng Thi) và Hoàng Hải (phố Hàng Bài).

Những tiệm ảnh này sau đó đều thuộc Sở Văn hóa Hà Nội quản lý. Ngoài ra, các quận nội thành cũng có mấy Hợp tác xã (HTX) nhiếp ảnh, trong đó HTX nhiếp ảnh Nắng Xuân có nhiều cơ sở nằm khắp Hà Nội và là một trong những HTX nhiếp ảnh có quy mô tổ chức ổn định, thu hút nhiều xã viên hành nghề ảnh lâu năm. Cũng cần nói thêm, trước đây, nhiếp ảnh là một ngành nghề đặc thù và tư nhân không được phép làm.

Ôn cố tri tân

Các hiệu ảnh Hà Nội xưa đa phần sử dụng thiết bị máy móc từ thời Pháp để lại. Máy chụp ảnh là các các thế hệ của Pháp, Đức, Tiệp Khắc, Nhật như Kodak, Contax Reffexta, Zeiss Ikon, RolleiFlex, Mammya… Các loại máy này dùng phim cỡ lớn từ 6x6 đến 6x9 và phim miếng. Sau này do phim cỡ lớn hiếm và đắt nên có vài hiệu ảnh có sáng kiến ngăn buồng tối máy để chụp cỡ ảnh 4x6 và 3x4. Thập niên 60-70 của thế kỷ trước vẫn còn những hiệu ảnh nằm trên khu Hoàn Kiếm chụp ảnh cho khách bằng loại máy đặt trên 3 chân, máy ảnh trong thùng gỗ, thợ chùm vải đen và chụp bằng phim miếng.

Hà Nội lúc bấy giờ cũng có một số thợ sửa chữa máy ảnh lành nghề từ thời Pháp theo kiểu cha truyền con nối. Trong số những người thợ có tên tuổi phải kể đến gia đình ông Thái ở phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng). Kế đó là gia đình ông Đoàn ở phố Phùng Khắc Khoan, ông Cận chuyên sửa máy cho xưởng phim truyện, ông Vũ Minh trong hẻm phố Quang Trung, ông Phi có cửa hàng ở phố Hàng Trống và anh con trai chính là chủ hiệu Anh Photo trên phố Tràng Thi.

Những chiếc máy ảnh thời xưa thường có tuổi đời quá lâu nên không tránh khỏi hỏng hóc, nhất là ống kính luôn bị mốc do thời tiết nhiệt đới nóng ẩm, vì vậy cần phải lau chùi thường xuyên. Để tháo lắp sửa chữa dòng máy ảnh cổ không phải người thợ nào cũng có thể làm được. Những thợ sửa chữa có tay nghề từ thời Pháp như ông Thái, ông Đoàn vốn đã quen với dòng máy này, thuộc từ chiếc ốc vít, bánh răng từng chủng loại. Nhiều chiếc máy quá cũ, sử dụng lâu đến nỗi các thiết bị phần cơ đã mòn hết. Khi phụ tùng thay thế không có, các ông thợ phải cải tiến gia công từng chi tiết linh kiện sao cho cỗ máy hoạt động trở lại bình thường.

Phòng triển lãm nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam lần 1 (Ảnh: Nguyệt Diệu)

Phòng triển lãm nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam lần 1 (Ảnh: Nguyệt Diệu)

Những câu chuyện nhặt

Đã có lần tôi tận mắt chứng kiến ông Thái tháo toàn bộ chiếc máy ảnh cổ lỗ sỹ của Đức ra sửa chữa. Lúc ấy ông chỉ hơn 50 tuổi, người nhỏ nhắn, trắng trẻo, đầu bạc trắng, tính tình hòa nhã, nhưng có đôi “tay vàng”. Chiếc tủ kính nhỏ nằm gọn ngay góc mặt tiền ngôi nhà số 200 phố Lò Đúc. Ông Thái mặc chiếc may ô trắng, quần đùi, đeo cặp kính, bàn tay thoăn thoắt mở từng chiếc ốc vít, bánh răng của chiếc máy ảnh một cách thuần thục. Trong lúc làm việc, ông vẫn chuyện trò vui vẻ với khách.

Ngoài tôi ra thì còn 2 bác thợ ảnh từ Hà Bắc xuống cũng đang đợi lau dầu cho chiếc Kodak. Một bác đã có tuổi, bề ngoài không có vẻ gì của dân nhiếp ảnh cả, quần bộ đội bạc phếch, áo sơ mi trắng ngả màu nước dưa, đôi dép nhựa hàn mấy miếng bên quai, đầu vẫn đội mũ cối dù ngồi trong nhà, tay ôm khư khư chiếc túi giả da đựng máy. Tóm lại thoạt trông cứ ngỡ bác ta là xã viên nông nghiệp. Bác chủ động bắt chuyện với tôi trong lúc chờ đợi cho đỡ sốt ruột:

- Anh sửa máy gì?

- Cháu lau dầu chiếc Zeiss Ikon.

- Máy Tây Đức cổ chụp đẹp lắm đấy, ống kính Carl Jeiss Jena, tôi cũng có 1 cái nhưng lâu quá rồi không dùng được đành bỏ xó vì ống kính bị xước và mốc.

- Thế bây giờ bác chụp máy gì?

- Một máy phim 6x9 và một máy phim 3x4. Cái 6x9 là máy Kodak.

- Cửa hiệu bác ở đâu?

- Tôi mở hiệu ảnh ngay thị trấn Tân Yên, Hà Bắc. Làm nghề có chiếc máy ảnh là cần câu cơm, mỗi khi máy hỏng là cả gia đình đứng ngồi không yên. Chiếc Exakta cổ Tây Đức chụp phim 3x4 chữa đi chữa lại nhiều lần rồi, kể cả ông Thái đã gia công cho trục lên phim mà khi lên phim vẫn bị trượt. Nhiều khi vã mồ hôi vì khách chờ chụp đông.

Lần này tôi mang cả 2 chiếc lên cho ông Thái lau dầu, kiểm tra lại xem có gì cần thay thì thay luôn. Để sắp xếp đi chữa mấy chiếc máy cũng là cả vấn đề. Dậy từ 4h sáng, chầu chực ra bến xe xếp hàng lấy vé, khách đông lại chờ chuyến sau, tối mịt mới tới Hà Nội. Rồi tìm nhà trọ ngủ qua đêm, hôm sau mới đến được đây. Sáng nay tôi dậy sớm đi bộ từ nhà trọ đến phố Lò Đúc thấy các nhà còn đóng cửa im ỉm nên đành ra vườn hoa Pasteur kiếm chiếc ghế đá ngồi chờ.

Rồi bác ta quay sang ông Thái đang lúi húi lau từng chi tiết máy mới tháo ra: “Tôi chỉ tín nhiệm “bàn tay vàng” này chữa máy cho. Gần chục năm rồi đấy. Ông ấy thuộc từng chiếc ốc vít trên máy của tôi, lần nào mở ra cũng phán bệnh rất chính xác”. Câu chuyện giữa tôi và bác thợ ảnh tỉnh lẻ bị cắt ngang khi ông Thái đã hoàn thành xong chiếc Kodak. Ông Thái quay sang tôi: “Chú mày có lẽ để đến mai tớ kiểm tra cho. Bây giờ gần trưa rồi mà còn chiếc Exakta của vị này phải làm cho xong để người ta còn bắt xe về. Muộn quá ra bến hết xe thì khổ, lại phải chờ thêm đêm nữa”.

Tao ngộ trùng phùng

Gia đình ông Thái có tới 4 người con trai theo nghề sửa chữa máy ảnh, trong đó có anh Dũng cũng là người sở hữu “bàn tay vàng” không kém gì cha. Anh này nổi tiếng trong khâu sửa chữa các chủng loại máy ảnh từ cổ điển cho đến thế hệ máy ra đời sau Thế chiến 2. Dân làm nghề ảnh Hà Nội khi sửa chữa máy đều tìm đến cha con ông Thái.

Tiếp nối truyền thống gia đình còn có anh Hùng, Hải và cậu út tên Dương theo nghề cha, nhưng họ vừa đi làm cơ quan Nhà nước vừa sửa chữa máy ngoài giờ. Sau này anh Hải cũng nổi tiếng trong giới sửa chữa máy ảnh do biết cách thay thế linh kiện, phụ tùng bằng chất liệu gia công kĩ thuật cao, được nhiều thợ ảnh, phóng viên báo chí tìm đến nhờ cậy. Do có tay nghề cao, một thời gian Sở Công an Hà Nội thời đó còn mời anh về làm tại bộ phận chuyên sửa chữa các thiết bị máy ảnh, máy quay phim, máy quang học của ngành.

Sau ngày Giải phóng miền Nam 30-4-1975, tôi có dịp vào TP Hồ Chí Minh công tác tình cờ gặp lại ông Thái đang ngồi sửa chữa máy ảnh trong khu chợ Huỳnh Thúc Kháng. Vẫn chiếc tủ kính con với bộ đồ nghề, ông ngồi dưới hiên một ngôi nhà trên trục đường giữa chợ. Gặp lại tôi, ông rất vui mừng khi ngay tức thì nhớ ra người khách quen biết bao năm đi lại ngôi nhà 200 Lò Đúc.

Hôm ấy, giữa Sài Gòn tấp nập lại được gặp đồng hương Hà Nội, chúng tôi một già, một trẻ có dịp hàn huyên về nghề. Hôm đó ông Thái nghỉ làm sớm hơn mọi ngày để mời tôi về nhà riêng trên đường Nguyễn Trãi ăn cơm. Mấy chục năm sau tôi được tin ông lại ra Bắc khi tuổi đã cao. Được một thời gian thì ông mất. Buồn là khi ấy tôi lại không biết để đến thắp cho người thợ có “bàn tay vàng” trong giới ảnh một nén hương.

Tin đọc nhiều