Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên: “Nếu bán được bún ốc, bún riêu hay cháo lòng, có khi tôi cũng làm...”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bước sang năm thứ 2, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Làn sóng bùng phát dịch lần thứ tư ở Việt Nam khiến sân khấu và các loại hình nghệ thuật lao đao. NSƯT Mỹ Uyên - Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ - 5B Võ Văn Tần (TP.HCM) đã có cuộc trò chuyện cùng An ninh Thủ đô cuối tuần xung quanh những lần mà chị gọi là “sống dở chết dở” của sân khấu.
NSƯT Mỹ Uyên trên sân khấu kịch

NSƯT Mỹ Uyên trên sân khấu kịch

Nếu tôi rời vị trí “thuyền trưởng” thì “thủy thủ” sẽ về đâu?

- Phóng viên: Thêm một lần nữa các sân khấu lớn nhỏ đều phải đóng cửa vì dịch bệnh, cảm giác của chị lúc này thế nào?

- NSƯT Mỹ Uyên: Cũng đã sang đến năm thứ hai dịch bệnh hoành hành rồi. Thực sự thì đó là một cuộc khủng hoảng đối với tất cả thế giới, tất cả các nền kinh tế, ngành giải trí phải liên tục đóng cửa, nghệ sĩ chúng tôi cũng vì thế mà mất đi phần lớn thu nhập. Dịch bệnh còn khiến con người nói chung mất cảm xúc, đôi lúc là hoang mang lo sợ dịch lây lan không kiểm soát được. Chính vì vậy, tốt nhất là ở yên một chỗ, bảo vệ sức khỏe mình và cộng đồng.

- Có phải nỗi lo lớn nhất của chị khi đóng cửa các sân khấu là việc nghệ sĩ của Sân khấu nhỏ 5B sẽ sống bằng gì không? Liệu “bà bầu” Mỹ Uyên còn đủ sức gồng gánh không?

- Cũng không chỉ có Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần đóng đâu, sân khấu trên cả nước đều phải đóng mà. Nói gì thì nói, nếu sân khấu hoạt động bình thường thì hàng tuần, nghệ sĩ đều có thu nhập. Bây giờ, tự nhiên không còn khoản thu mà đối với nhiều người là khoản thu chính thì rõ ràng là thiếu hụt trầm trọng ấy chứ. Tôi đã luôn nghĩ, phải cố gắng để giữ sân khấu hoạt động vì có bao nhiêu con người cộng tác. Bản thân tôi cũng là một “thuyền trưởng”, nếu tôi rời vị trí thì “thủy thủ” của tôi sẽ về đâu? Thực ra cũng phải nói thật là có nhiều nghệ sĩ vẫn sống được vì ngoài lúc sân khấu sáng đèn dịp cuối tuần ra thì họ còn có thể đi đóng phim, quay show truyền hình. Chưa có Covid-19 thì sân khấu cũng đã khó khăn rồi, nhiều năm qua tôi cứ gồng gánh, có lúc muốn bỏ đi cho xong, nhưng rồi lại tìm cách đầu tư, dàn dựng kịch mục. Hiện tại thì phải dùng từ “đuối” thực sự, bởi các sân khấu Sài Gòn bây giờ hầu hết là xã hội hóa, tự thu chi. Tôi cũng phải vay mượn ngân hàng suốt mấy năm qua để dựng vở chứ có kinh doanh thêm nghề tay trái đâu.

- Thời điểm dịch bệnh có vẻ như là lúc chị rảnh rỗi nhất đúng không, một sự rảnh rỗi không ai mong muốn?

- Đúng là một sự rảnh rỗi không ai mong muốn cả. Rảnh thì đói, đói cả về cảm xúc, thăng hoa và đói cả sự sáng tạo. Nhiều người cứ bảo, Covid-19 có mặt lợi và cả mặt hại. Mặt lợi cho con người ta sống chậm lại, ngẫm nghĩ cuộc sống sâu sắc hơn. Thực sự, nếu mà tôi nấu được bún riêu, bún ốc, bún bò hay cháo lòng trong giai đoạn khó khăn này tôi cũng làm luôn chứ không ngại. Thiếu nợ ngân hàng thì làm gì có thời gian mà sống chậm, mà thư thả ngẫm nghĩ cuộc đời, triết lý sống hay tận dụng sự nhàn rỗi để “trở lại lợi hại hơn xưa”. Đó chỉ là lý thuyết. Mười mấy tháng trời với 4 làn sóng bùng phát dịch, làm gì còn cái gì mới nữa. Thế giới vẫn điên đảo vì Covid-19, chưa đủ vaccine cho tất cả mọi người, thế thì đừng ngồi đó ngẫm nghĩ mà vẫn có đủ cơm ăn (cười).

- Dịch bệnh và giãn cách khiến khán giả quen dần với các “phương án” giải trí online. Chị có sợ đến một lúc nào đó họ mất dần thói quen xem kịch theo cách truyền thống?

- Thực tế là, nếu không có dịch bệnh thì sân khấu cả chục năm nay cũng đã mất đi rất nhiều khán giả rồi. Tôi còn nhớ khoảng những năm cuối 1999 đầu 2000, sân khấu sống khỏe lắm, các tụ điểm ca nhạc hoạt động rầm rầm. Tôi lúc đó cũng mới vào nghề, có được như hôm nay cũng một phần nhờ diễn tấu hài. Tôi sinh ra thuộc lứa 7x đời đầu, giờ cũng thuộc diện già rồi, trên sân khấu phải nhường chỗ cho thế hệ trẻ, tre già măng mọc mà. Cũng chính vì điều đó mà tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm với thế hệ trẻ của Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Không phải là để ngàn đời ghi danh đâu (cười). Tôi được nhận tình yêu của các bạn trẻ và cứ gồng gánh để trao cho các bạn trẻ cơ hội. Một vở diễn của Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần ít nhất phải có 1/2 diễn viên trẻ và chúng tôi cũng đặt nhiều kỳ vọng về thế hệ khán giả trẻ - thế hệ khán giả kế thừa.

Online sân khấu chính thống là không ổn

- Trong lần giãn cách đầu tiên, nhiều sân khấu thử cách tiếp cận với khán giả bằng hình thức trực tuyến. Theo chị hình thức đó có khả quan không và nếu kinh doanh thì có ổn không?

- Tôi còn nhớ, giai đoạn giãn cách xã hội lần đầu tiên của năm 2020, dịch Covid-19 khiến người ta mất cảm xúc, hạ nhiệt lửa nghề, thành ra mới có nhiều phương án đưa sân khấu trực tuyến tới khán giả. Nói thực sự nhé, thời điểm đó mọi người làm không thành công, diễn không “máu lửa”. Sân khấu không đời nào giống điện ảnh được dù cho đa phần diễn viên trong phim đều xuất thân từ sân khấu kịch, cải lương... Một bộ phim quay xong là đóng máy, khán giả ra rạp xem, cảm xúc như thế nào là câu chuyện của khán giả. Nghệ sĩ thăng hoa nơi phim trường trong khi sân khấu là truyền lửa trực tiếp, làm gì có chuyện sân khấu online. Cuối năm qua cũng có một vài đề nghị mua lại vở diễn của chúng tôi để phát trực tuyến. Tôi đã trả lời rằng, nếu người ta đặt hàng tôi, đầu tư cho tôi dựng vở mới thì tôi sẽ quy tụ nghệ sĩ và làm đến nơi đến chốn chứ không phải là mua lại vở diễn của chúng tôi. Không ai bán vở diễn sân khấu cho truyền hình quay, mà bây giờ truyền hình cũng không đi mua tác phẩm của chúng tôi. Vì lẽ, có vở diễn, chúng tôi sắp lịch diễn suốt 6-7 năm, mỗi tháng 1-2 suất chen với vở mới. Vì thế tôi mới nói, cái gì online được chứ online sân khấu chính thống là không ổn. Các nhà hát nổi tiếng trên thế giới, cũng từng thông báo phát online một số vở kinh điển, nhưng cũng chỉ giới hạn trong bao nhiêu phút thôi.

- Nhiều năm theo dõi hoạt động của Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, khó khăn thế mà chị vẫn đầu tư dựng vở mới, chẳng biết lỗ lãi ra sao. Lý do gì mà chị cứ đam mê mãi vậy?

- Không chỉ mình bạn đâu, mọi người xung quanh đều bảo Mỹ Uyên bị… khùng (cười). Ngay cả anh Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Sân khấu kịch Idecaf cũng từng kêu: “Uyên đừng điên, đừng ôm tiền làm vở mới nữa”. Nhưng tính tôi cầu toàn, thậm chí còn hơn cả cầu toàn. Kịch bản cũ có thể hay, nhưng là hay trong thời điểm đó, bây giờ mang ra diễn phải làm mới, cập nhật và phải mang thông điệp đời sống ở thời hiện tại. Nếu cập nhật, chỉnh sửa như vậy thì mất nguyên một thời gian tập cùng rất nhiều chi phí tập luyện, nói chung là tốn kém. Phục trang thời điểm 2021 phải khác thời điểm 2000. Ví dụ vở “Công lý mặt trời” dựng lần đầu 2015, đến 2020 dựng lại phải là hình ảnh của 2020 chứ. Vừa rồi, dựng 2 vở mới mở màn Tết Tân Sửu, vừa làm xong thì 27 Tết có quyết định đóng cửa các nhà hát phòng chống dịch, đến 1-3 mới mở cửa trở lại được. Cũng khoảng giữa tháng 3-2021, chúng tôi bắt tay vào dựng “Rồi, mắc cái gì cười”. Vở diễn ra mắt mới được 5 suất, trong đó 1 suất giới thiệu báo chí, 4 suất thì rạp kín chỗ. Đang mừng thì Covid-19 bùng phát, vậy là lại đóng cửa. Vé thì đã bán hết đến cuối tháng 6 rồi.

- Thế là hoàn lại tiền cho khán giả?

- Thì cũng đành phải thế! Chúng tôi gọi đến từng khán giả để hoàn tiền. Nhiều khán giả kêu, thôi để mai mốt sáng đèn trở lại thì xem. Số còn lại chúng tôi lưu lại tên tuổi, địa chỉ, điện thoại, khi nào dịch bệnh tạm yên, nhà hát mở cửa thì lại sắp lịch diễn. Tôi đã nói ở trên, sân khấu khác phim ảnh. Sân khấu để quy tụ được diễn viên là phải có thời gian, không phải hôm nay đóng mai mở thì đã có ngay diễn viên được. Mấy chục con người, lịch diễn, lịch quay tùm lum cả, vai phụ thì bảo còn thay được chứ đội ngũ diễn chính làm sao mà thay được. Ngoài diễn viên còn âm thanh, ánh sáng, hậu đài, vệ sinh... đâu có cắt lương được dù không sáng đèn.

- Chị có dự định gì trong thời gian tới không?

- Cũng chưa biết được, cứ ngủ đông chờ thôi. Phim ảnh thì mời suốt, nhưng cá nhân tôi bận chuyện của nhà hát không đi được. Phim truyền hình cũng hay mời đóng, nhưng tôi không sắp xếp được mà đi quay. Thời gian của tôi bây giờ là ngồi chờ ổn định, ngày ngày đọc báo thấy không có ca bệnh nào xuất hiện trong cộng đồng là yên tâm. Còn vai chính của tôi bây giờ là giải quyết các loại hóa đơn, tiền điện, tiền nước của nhà hát, lương cho diễn viên, nhân viên. Cứ gọi là ngộp thở. Nhưng phải cố chứ biết sao giờ!

- Cảm ơn NSƯT Mỹ Uyên về cuộc trò chuyện!

Vai trò của Nhà nước rất quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho các nhà hát

Hà Nội hiện có 6 nhà hát chuyên nghiệp gồm: Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Xiếc và tạp kỹ Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội và Nhà hát Kịch Hà Nội. Đây đều là các đơn vị nghệ thuật có truyền thống, gặt hái nhiều thành công với đội ngũ nghệ sĩ tài năng. Trước thời điểm dịch Covid-19, đa phần các nhà hát này đều “sống khỏe, sống tốt”. Đại dịch Covid-19 bùng phát gây ra nhiều khó khăn. Hầu hết các nhà hát hiện nay sử dụng lực lượng diễn viên trẻ ăn lương từ nguồn thu hoạt động biểu diễn. Khi đại dịch khiến cho các nhà hát buộc phải đóng cửa, giới nghệ sĩ không có tiền trang trải cuộc sống.

Về Hà Nội làm việc, phần lớn các diễn viên trẻ phải đi thuê nhà nên khá chật vật với nghề. Một số diễn viên tài năng chán nản, không còn nhiệt huyết, bỏ việc cũng là điều dễ hiểu nếu khó khăn này kéo dài quá lâu mà không tìm ra giải pháp. Những lúc khó khăn như thế, sự hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết. NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội trong cuộc họp với UBND TP Hà Nội mới đây đã cho biết, gần đây nhà hát chỉ trả lương cho diễn viên trong biên chế, diễn viên hợp đồng thì không. Điều đó thật đáng quan ngại. Ít nhất chúng ta cũng phải giữ lại được cho anh em mức lương cơ bản. Đó là kiến nghị của Liên hiệp các hội VHNT Hà Nội và Sở Văn hóa và Thể thao với UBND thành phố ngay tại cuộc họp. Nếu không kịp thời, sẽ có nhiều nghệ sĩ trẻ chia tay với nghề, nhân sự nghệ thuật của Hà Nội mất đi một lực lượng kế cận. Cũng tại cuộc họp, đã có ý kiến cho rằng, thành phố nên tăng chỉ tiêu biên chế cho các đơn vị nghệ thuật, nhưng tôi cho rằng việc này không khả thi khi các nhà hát đang tiến dần đến cơ chế tự chủ hoàn toàn. Chỉ còn lại cơ chế Nhà nước đặt hàng tác phẩm đối với các đơn vị nghệ thuật. Tôi nghĩ nhiều hơn tới việc xây dựng các khu tập thể cho nghệ sĩ, diễn viên về Hà Nội làm việc như người xưa vẫn nói “an cư lạc nghiệp”. Hơn nữa, các nhà hát cần tìm kiếm kịch bản tốt và đạo diễn giỏi để làm nên tác phẩm hay, đáp ứng nhu cầu của khán giả. Từ đó mới có doanh thu biểu diễn và đem lại đời sống tốt cho nghệ sĩ.

NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Hà Nội

Thanh Xuân (Ghi)

Cố gắng lo đời sống tối thiểu cho các nghệ sĩ

Sân khấu trước đại dịch đã khó khăn thì nay càng khó khăn gấp bội khi các đơn vị nghệ thuật buộc phải đóng cửa. Không biểu diễn, không có doanh thu có nghĩa là đời sống của nghệ sĩ đứng trước lựa chọn sinh tử với nghề hay buông xuôi. Ở thời điểm này, chúng tôi vẫn đang tích cực tìm kiếm các cơ hội hợp tác xã hội hóa hay các hợp đồng biểu diễn để chờ qua đại dịch sẽ bắt tay ngay vào triển khai. Đồng thời, trong lúc “đóng cửa” nhà hát thì chúng tôi cũng đang bắt tay vào tập vở, sẵn sàng mở cửa trở lại và cũng là một cách để các nghệ sĩ không quên nghề.

Trong khi các nhà hát trên địa bàn Hà Nội đã buộc phải cho các diễn viên, nhạc công nghỉ việc thì thật may Nhà hát Cải lương Việt Nam chưa xảy ra tình trạng này. Chúng tôi vẫn đang cố hết sức để đảm bảo đời sống tối thiểu cho các nghệ sĩ. Đại dịch Covid-19 cũng là một cách sàng lọc các cá nhân gắn bó với nghề. Những người còn ở lại là những diễn viên, nghệ sĩ thực sự tâm huyết. Chính vì thế, chúng tôi càng phải nỗ lực vận động để kiếm tiền về dù biết rằng khó khăn chưa bao giờ buông tha kể cả trong đại dịch hay ở trạng thái bình thường.

NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam

Phạm Huơng (Ghi)