Nghệ sĩ Hữu Châu: Sống thật để lòng thanh thản

ANTĐ - Nghệ sĩ Hữu Châu quan niệm, cuộc sống cần sự quan tâm lẫn nhau. Hãy biết cho để nhận, và cứ sống thật để thấy lòng thanh thản.

“Ngôi sao không hào quang”

- PV: Nhiều đồng nghiệp gọi  anh là “ngôi sao không hào quang”. Dường như chưa ai có thể thay thế được anh cho đến thời điểm này. Có thể lý giải vì sao anh lại có thể đứng vững trên cái đỉnh của riêng mình lâu đến như vậy không?

 - Nghệ sĩ Hữu Châu: Đơn giản tôi là một công dân tốt. Xét về nghề nghiệp thì tôi đúng với câu “gừng càng già càng cay”. Việc của tôi là làm giải trí cho mọi người và truyền đạt một thông điệp nào đó cho khán giả. Tôi làm tròn công việc mang cái đẹp gửi gắm đến khán giả, phản ánh những tiêu cực xã hội đến với khán giả. Vậy thôi! 

- Anh đã từng rơi vào trường hợp “lực bất tòng tâm” khi phải diễn một vở kịch... chẳng có thông điệp gì cả chưa?

 - Có chứ. Một vài vở chủ đề hoặc tư tưởng đều không có. Tuy nhiên, tôi cũng biết khán giả rất thông cảm vì mặc dù chúng tôi biết vở diễn đó không hay nhưng chúng tôi diễn hết lòng và thật tình nên khán giả cũng dễ xí xóa. Mà khán giả bên kịch hay lắm, khi họ xem những vở khác chúng tôi diễn hay hơn là họ quên ngay những vở diễn dở.  

- Bao nhiêu năm trong nghề, anh đã từng gặp điều gì khiến phải bức xúc chưa?

- Tôi đã từng rơi vào trường hợp bị ăn chặn tiền lồng tiếng suốt một thời gian dài mà không biết. Cũng chỉ vì mình quá tin người. Khi phát hiện ra thì họ xin lỗi, năn nỉ tôi tiếp tục làm việc, hứa sẽ trả lại phần tiền tôi đã mất. Thế nhưng xong việc họ lại trả y như cũ. Bạn thấy sự đời đổi thay ghê gớm không?

- Sao anh không làm cho ra lẽ?

- Không lẽ vì mười mấy triệu đồng mà mình mắng chửi họ, rồi kiện tụng người ta? Tôi chọn giải pháp im lặng. Tiền có thể kiếm lại được chứ lòng tự trọng đã mất thì khó có thể lấy lại.

Sống không cần triết lý

- Dường như đây là một sự hy sinh, thưa anh?

- Tôi hiểu ý bạn muốn nói gì, nhưng không, chẳng có gì là “hy sinh” hay thiệt thòi ở đây cả. Đâu phải không có số tiền đó tôi sẽ chết đói. Chuyện đời, gì cũng thế, có vay thì có trả. Ba thế hệ của gia đình tôi trải qua sự mất mát quá nhiều rồi, cho nên tôi hiểu những “nghiệp chướng” mà mình phải trả. Nhẹ nhàng đi, tôi không muốn những chuyện này ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống.

- Anh nói đến “nghiệp chướng”, có vay có trả, có lúc nào anh nghĩ sao đời mình phải “trả” quá nhiều đến vậy không?

-  Tôi đang sống một cách an nhiên với công việc chân chính mình làm, không hại người, giúp được ai cái gì mình giúp. Quan trọng, tôi là một đứa con hiếu thảo. Chỉ riêng việc mình có hiếu với người trên đã “mặc sức mà ăn” rồi. Nếu phải “trả” thì tôi chấp nhận trả.

- Anh tìm được những suy nghĩ này từ sự trải nghiệm của bản thân hay từ một người nào đó?

- Từ đạo Phật. Lúc cô ruột tôi mất,  bà nội tôi rất đau lòng nên quy y. Lúc đó cả gia đình cũng quy y theo. Từ nhỏ tôi đã đi chùa. Tôi thuộc rất nhiều kinh và lĩnh hội không ít tinh thần của đạo Phật theo thời gian. Một thập niên (1978 -1988) gia đình tôi đã chứng kiến sự ra đi của 5 người thân yêu nhất. Có một tháng, mẹ tôi phải trải qua hai đại tang của cha và của con trai. Gia đình lúc bấy giờ rơi vào trạng thái trầm uất.  Kế đến là nội tôi bị đột quỵ, gia đình kiệt quệ, từ vương giả xuống cuộc sống bần hàn. Nhưng rồi từ những khó khăn đó đã giúp tôi vượt qua nỗi mặc cảm, mất mát, thích nghi với cuộc sống mới để có được một Hữu Châu như bây giờ. Nhiều lúc tôi không hiểu tại sao bản thân mình lại có thể vượt qua được giai đoạn “hãi hùng” đó. Nếu như bây giờ mà quay ngược lại hoàn cảnh đó chắc tôi... cắn lưỡi chết quá. Tôi sống không cần một triết lý nào cả. Chỉ biết rằng cuộc sống này cần sự quan tâm lẫn nhau giữa những con người. Khi giận quá tôi niệm Phật cho quên, buồn quá niệm Phật tôi thấy cũng quên đi nỗi buồn.

-  Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện.