Kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sỹ Nguyễn Khang (16-12-1911/16-12-2011)

Nghệ sĩ bậc thầy của tranh sơn mài Việt

ANTĐ - Là hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, người đặt nền móng cho sự phát triển rực rỡ của tranh sơn mài Việt… vẫn chưa đủ để nói về người nghệ sỹ mẫu mực Nguyễn Khang. Ông chính là người đã thiết kế toàn bộ khánh tiết trong đám tang Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đám tang cấp Nhà nước sau này đều lấy nguyên mẫu vẽ của ông.

Tác phẩm sơn mài “Hòa bình và hữu nghị” thể hiện tài năng bậc thầy

của họa sỹ Nguyễn Khang

Tôn thờ nghệ thuật truyền thống dân tộc

Sinh ra tại làng Bưởi (Hà Nội), họa sỹ Nguyễn Khang đã lĩnh hội được đầy đủ sự tinh tế, hào hoa của người Hà Nội. Đỗ thủ khoa hội họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa VI, ông say mê học tập nghệ thuật tạo hình, phương pháp hội họa châu Âu nhưng luôn gắn liền với nghệ thuật truyền thống dân tộc. Tinh thần tự tôn dân tộc đặc biệt là nền nghệ thuật truyền thống Việt Nam được ông tôn thờ và lấy làm “kim chỉ nam” cho hoạt động sáng tác nghệ thuật của mình.

Bằng những tìm tòi khác nhau, họa sỹ Nguyễn Khang đã đặt nền móng cho sự phát triển rực rỡ của sơn mài Việt Nam hiện đại. Ông đã thể nghiệm chất liệu sơn ta cổ truyền thường dùng trong các đình chùa của Việt Nam để diễn tả những sắc thái tình cảm của con người trong hội họa. Với việc đem rây nhỏ vàng, bạc thành bụi bột đem rắc chìm vào màu sơn lại phủ kín rồi lại mài… cách làm này đã tạo sự sâu thẳm trong tranh sơn mài Việt mà không một dòng tranh nào trên thế giới có được. Từ đó, các thế hệ họa sỹ sau này đã sáng tạo ra nhiều cách làm khác như gắn trứng, vỏ ốc, cật tre và ngày càng hoàn thiện thể loại tranh sơn mài Việt Nam. Các tác phẩm tranh sơn mài mang đầy tính triết lý, nhân văn và ca ngợi cuộc sống lao động của ông hiện đang được lưu giữ tại các bảo tàng trong và ngoài nước. Những người yêu mến nghệ thuật khi xem tranh ông đều thốt lên sự trầm trồ kính phục một nghệ sỹ bậc thầy tranh sơn mài Việt. Sự mềm mại, sâu lắng rất Á Đông được thể hiện qua các kỹ thuật rắc quỳ vàng, quỳ bạc đầy điệu nghệ. Các hình khối được tạo nên hoàn toàn phụ thuộc vào những cái lắc tay nhẹ hay mạnh.

Nghệ sỹ cách mạng mẫu mực

Họa sỹ Nguyễn Khang cũng là người đặt nền móng cho sự phát triển của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp ngày nay. Các học trò khi nhắc tới thầy hiệu trưởng Nguyễn Khang đã thể hiện sự tôn trọng một nhân cách sống, một nghệ sỹ cách mạng mẫu mực.

Đặc biệt, với tài năng và sự uy tín, ông đã được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ thiết kế, trình bày tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồi đó, cứ đêm đêm ô tô của Phủ Thủ tướng lại về Hà Bắc, nơi trường Trung cấp Mỹ thuật sơ tán để đón người kiến trúc sư trưởng cho toàn bộ khánh tiết đám tang cấp Nhà nước. Ông đã hình dung và tự tay vẽ nên từng chi tiết tỉ mỉ như: băng rôn, lọ hoa, vị trí đứng của đoàn tiêu binh... và công việc này ròng rã qua nhiều tháng. Một điều quan trọng nữa là tấm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng sơn dầu màu nâu, cao gần 30m2 treo ở vị trí trung tâm trang trọng nhất trên lễ đài cũng đều do một tay họa sỹ Nguyễn Khang thực hiện. Sau khi lễ tang kết thúc, ông đã được Trung ương Đảng khen ngợi và đánh giá cao. Sau này, lễ tang cấp Nhà nước đều lấy theo mẫu thiết kế mà họa sỹ Nguyễn Khang đã thiết kế.

Với những đóng góp tích cực cho nền nghệ thuật nước nhà, ông đã được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt 2 cùng nhiều huân huy chương khác. Nhưng trên tất cả, công chúng sẽ còn nhớ tới ông với tư cách là một văn nghệ sỹ cách mạng mẫu mực, một người thầy đáng kính và một nhân cách sống đáng trân trọng.