Nghề đánh máy chữ ở Hà Nội xưa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bây giờ, giới trẻ chắc không biết máy chữ là gì, muốn biết thì chắc chỉ có vào viện bảo tàng. Nhưng đã có những thập kỷ dài, máy chữ gắn liền với những người làm nghề chữ nghĩa…

Ngày ấy, ai không có máy chữ thì viết tay, nhưng đơn từ, văn bản nào không thể viết tay thì có thể đi thuê đánh máy. Đường Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm cuối thế kỷ trước tập trung rất nhiều thợ đánh máy chữ. Trên vỉa hè trước cổng Tòa án Hà Nội có tới cả chục “thợ gõ” ngồi san sát nhau. Phần lớn đó là những người có tuổi đã nghỉ hưu.

Một thời gian khó

Trước đây ở các cơ quan, xí nghiệp, chị em làm văn thư vẫn kiêm thêm nghề đánh máy để kiếm thêm thu nhập. Những chiếc máy chữ do Pháp, Đức sản xuất, nhiều chiếc tuổi đời còn hơn cả chủ nhân, nhưng ngày nào cũng phải làm việc hết công suất. Chỉ cần chiếc bàn con cao chừng 40 phân để vừa chiếc máy chữ, người thợ ngồi trên chiếc ghế thấp, khi nào có khách thì kéo chiếc ghế con cho khách ngồi chờ.

Tầm 9-10h là lúc đông khách nhất. Nhiều máy hoạt động cùng lúc khiến những tiếng tách tách trở nên rộn rã. Khách hàng là những người cần viết đơn kiện tụng, ly hôn, chống án… Có người từ ngoại thành Hà Nội vào, họ phải bắt xe khách từ sáng sớm để kịp đánh máy cho xong lá đơn. Các đơn ấy toàn sự vụ quan trọng nên thợ đánh máy phải rất cẩn thận sao cho chữ đánh trên giấy phải nét, rõ ràng từng dấu chấm, phẩy, không được sai câu cú, chính tả.

Trong số thợ ngồi đây duy có ông Kiên là đánh được 10 ngón dù tuổi đã thất thập. Khi đánh máy, ông không cần nhìn vào phím chữ mà chỉ dán mắt vào bản thảo viết tay trong khi 10 ngón vẫn gõ đều trên bàn phím. Ông Kiên tính cẩn thận, để ra được sản phẩm đẹp, ông dùng loại giấy than đắt tiền, cứ đánh vài táp giấy là phải thay giấy than mới, không tiết kiệm. Lúc vãn khách, ông tranh thủ lau 2 quả lô cho sạch để khỏi lem bẩn lên tờ giấy trắng. Cùng là thợ đánh máy chữ, nhưng cũng có người làm không hết việc như ông Kiên, có người lại ngồi suông vì thao tác chậm, chữ đánh nhòe nhoẹt, chấm phẩy mờ tịt, thậm chí mất cả dấu thành ra sai nghĩa. Đấy là vì tiết kiệm giấy than không chịu thay luôn hoặc do máy chữ quá cũ nên con chữ bị mòn.

Nhắc đến máy chữ thì tôi lại nhớ tới 2 cây bút gạo cội chuyên dùng máy chữ để đánh bản thảo dù đầu thế kỷ 21 đa phần đã chuyển sang máy tính cả rồi. Đó là cố nhà văn Băng Sơn và nhà thơ Lữ Giang. Hai ông thường xuyên gửi bài cho chuyên mục văn hóa, văn nghệ tờ báo mà tôi làm biên tập viên. Mỗi lần đọc bản thảo của 2 cộng tác viên kỳ cựu ấy gửi đến là tôi như bị… trời hành. Chữ in giấy than thì nhòe nhoẹt, các dấu câu đều phải dùng bút bi viết thêm vào do máy chữ cũ quá không lên được dấu.

Đã thế, các bác lại không dùng giấy pơ-luya để đánh máy mà thay bằng loại giấy in thường cho tiết kiệm. Một lần, tôi qua chỗ nhà văn Băng Sơn gửi tiền nhuận bút thì bắt gặp ông đang ngồi trước chiếc máy chữ nhỏ xíu (loại xách tay), cặm cụi mổ cò, trên bàn là đống giấy than nhàu nát do dùng đi dùng lại nhiều lần. Tôi nghĩ, thảo nào mà bản thảo của cụ khó đọc làm vậy nên nhân đấy góp ý luôn: “Bố ơi, thay giấy than mới đi và dùng giấy táp pơ-luya cho đẹp. Nhà văn nhìn tôi cười xòa: “Tớ tiết kiệm được chút nào hay chút ấy chứ, chú mày!”.

Niềm vui bé mọn

Quay lại lịch sử của phố đánh máy chữ Hai Bà Trưng, trước khi những chiếc máy vi tính đầu tiên xuất hiện thì những năm 1980-1981, trên vỉa hè tòa án chỉ có ông Kiên và ông Pháo mang máy chữ ra ngồi kiếm thêm. Rồi dần dà người đến đông dần vì nghề ấy cũng dễ thực hành, chỉ cần chiếc máy chữ và bộ bàn ghế là xong. Thi thoảng đội trật tự đô thị xuất hiện thì những người đánh máy lại sơ tán. Ông Kiên tuy vậy mà đã hành nghề đánh máy suốt nửa thế kỷ từ ngày còn ở chiến khu Việt Bắc.

Sau giải phóng Thủ đô 1954, ông về làm phòng hành chính của một cơ quan văn hóa cho đến ngày nghỉ hưu. Những năm bao cấp khó khăn, nhà đông con, đồng lương ít ỏi, sẵn chiếc máy chữ cổ của Đức mang về từ chiến khu để làm kỷ niệm, ông quyết định mang ra dùng để kiếm ăn. Máy để lâu hoen gỉ, phím gõ mờ tịt, ông phải mang đến tiệm sửa máy chữ phố Hàng Bông để bảo dưỡng. Thoạt đầu, ông ngồi nhờ dưới mái hiên một căn nhà nằm góc đường Phủ Doãn - Hai Bà Trưng. Nhờ có chiếc máy chữ gắn bó từ thuở thanh niên ấy mà ông Kiên làm không hết việc, nhiều hôm gần 13h mới chạy ra tổ phục vụ ăn vội suất cơm trưa. Nhưng thu nhập mỗi ngày cũng giúp cuộc sống gia đình đỡ vất vả.

Làm nghề lâu, ông Kiên đâm ra hiểu việc, hiểu chuyện, nên kiêm luôn cả… luật sư tư vấn pháp luật cho khách hàng, đặc biệt là chuyện đơn từ. Ông kể, trong những năm tháng hành nghề chốn vỉa hè đã gặp một câu chuyện khó quên thế này. Số là một ngày đầu tháng, ông vừa dọn hàng đã thấy khách ngồi vỉa hè đợi, trong khi 3-4 thợ khác thì ngồi chơi. Khách chờ là một phụ nữ ngoài 30 tuổi, ông hỏi: “Sao không qua mấy thợ kia, họ đang ngồi không?”. “Dạ, cháu có người mách là phải tìm đúng bác ạ”.

Trước đây, những máy chữ tuổi đời hơn cả chủ nhân nhưng ngày nào cũng làm việc hết công suất

Trước đây, những máy chữ tuổi đời hơn cả chủ nhân nhưng ngày nào cũng làm việc hết công suất

Ông Kiên cầm lá đơn viết kín 4 trang giấy, người viết đơn trình độ văn hóa thấp nên câu cú lộn xộn, sai chính tả, diễn giải dài dòng, chữ viết xấu, nhiều câu đọc không hiểu nổi nghĩa. Nhưng tóm lại nội dung lá đơn là người vợ muốn xin ly hôn. Trong đơn kể lể nhiều tình tiết khiến người vợ không thể chấp nhận chung sống được nữa. Đọc xong, ông Kiên bảo: “Đơn chị viết không nói lên hết vấn đề do đâu mà dẫn đến việc ly hôn. Vậy chị tóm tắt sự thể tình cảm vợ chồng để tôi thảo giúp lá đơn hoàn chỉnh”. Người phụ nữ cúi mặt vẻ ngượng ngùng, mãi sau mới lúng búng: “Bọn cháu cưới nhau đã hơn 3 năm. Được mấy tháng đầu vợ chồng có “gần gũi”, rồi sau cứ thưa dần và… tịt hẳn. Đến giờ bọn cháu cũng vẫn chưa có con”.

Ông Kiên ngồi lặng im hồi lâu, rồi đưa lá đơn lại cho khách: “Theo tôi thì chồng chị có vấn đề… khó nói. Tôi khuyên chị về đưa anh ấy đi khám rồi vợ chồng sẽ có hạnh phúc. Là người lớn tuổi, có kinh nghiệm trong cuộc sống, chị nên nghe tôi…”. Câu nói của ông Kiên không ngờ làm vị khách khóc thút thít. Lát sau, chị ta mới lau nước mắt đứng dậy, cầm lá đơn cho vào túi và chào ông ra về. Hơn 2 năm sau, vào một chiều đông, lúc ông Kiên đang chuẩn bị dọn hàng thì bỗng một đôi nam nữ đèo nhau trên chiếc xe máy cá xanh đỗ xịch trước mặt.

Ông Kiên kêu lên: “Muộn rồi tôi phải về, có gì anh chị để mai qua”. “Ông không nhận ra con à?” - Người phụ nữ nhìn ông cười tươi rói. Ông Kiên giương cặp kính viễn dày như đít chai nhìn 2 người rồi lắc đầu. Con là người nhờ ông đánh máy xin ly hôn cách đây hơn 2 năm mà. Ông Kiên đứng lặng hồi lâu như cố nhớ lại rồi bất chợt à lên một tiếng: “Ra là ra cô. Vậy chuyện thế nào rồi?” - ông hồ hởi hỏi lại. “Hôm nay vợ chồng con qua đây cám ơn ông và cũng để báo tin vui là cháu ông đã sắp tròn 2 tháng”. Rồi chị mở làn lấy ra gói quà: “Có túi mì chính và hộp sữa Thống Nhất, con xin được biếu ông và gia đình”.

Tin đọc nhiều