Ngày thứ Sáu giận dữ tại Ai Cập

ANTĐ - Nhiều nhà quan sát cho rằng, kịch bản “Cách mạng hoa sen” lật đổ nhà độc tài Mubarack cách đây 2 năm có thể sẽ tái hiện khi cuộc trấn áp người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi hôm 14-8 đã khiến ít nhất 638 người thiệt mạng, hơn 3.700 người bị thương, theo con số của Bộ Y tế Ai Cập.

Còn theo Tổ chức Anh em Hồi giáo, có 2.200 người chết và hơn 10.000 người bị thương. Theo Washington Post, có 3 nhà báo thiệt mạng. Mức độ thảm khốc của vụ trấn áp đã vượt ra ngoài suy đoán của nhiều người cũng như của cộng đồng quốc tế. Vụ bạo lực này cũng được xem là vụ đẫm máu nhất tại Ai Cập kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ năm 2011.

Chính phủ lâm thời Ai Cập đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 tháng tại Cairo và 13 tỉnh thành trên cả nước. Phó Tổng thống Mohamed ElBaradei đã từ chức tránh xa sự phẫn nộ của dân chúng. Trong một thông điệp mới được phát đi, phong trào Anh em Hồi giáo cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tuần hành, biểu tình mới để trừng phạt “cuộc đảo chính quân sự” tại Ai Cập.

Thế giới cùng lên tiếng phản đối

Dư luận quốc tế đã lập tức bày tỏ quan ngại sâu sắc về “thảm họa Cairo” và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. Nhiều lãnh đạo quốc tế cho rằng chính quyền Cairo đã đi quá xa trong các hành động đàn áp, chống lại những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi. Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố cho rằng “đối đầu và bạo lực không phải là cách để giải quyết các vấn đề chính trị mấu chốt”. EU có thể sẽ phải đình chỉ hàng tỷ USD viện trợ cho Chính phủ Ai Cập. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon lên án bạo lực và thúc giục nỗ lực hòa giải toàn diện. Pháp và Đức kêu gọi đối thoại. Thổ Nhĩ Kỳ, nước ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo, lên án mạnh mẽ nhất và thúc giục HĐBALHQ, Liên đoàn Ả-Rập nhanh chóng hành động để ngăn chặn “nạn diệt chủng”. Iran cảnh báo về nguy cơ nội chiến ở Ai Cập, Hội đồng bảo an đã tổ chức họp khẩn. Trung Quốc, Đức, Australia và New Zealand cho rằng tình trạng bạo lực ở quốc gia Bắc Phi này là một thảm họa khủng khiếp và kêu gọi các bên bình tĩnh. Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố yêu cầu tất cả các lực lượng chính trị ở Ai Cập kiềm chế, khẳng định lợi ích của người dân Ai Cập chỉ có thể được bảo vệ thông qua đối thoại rộng rãi và sự hòa hợp dân tộc. 

Hơn 40 ngày qua, kể khi quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohamaed Morsi, Mỹ vẫn không xem đó là cuộc đảo chính và vẫn tiếp tục viện trợ quân sự. Thế nhưng với vụ trấn áp người biểu tình làm hơn 600 người chết, Washington đã “lên án mạnh mẽ” các hành vi bạo lực nhằm vào người biểu tình ở Ai Cập và phản đối việc áp đặt tình trạng khẩn cấp. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoãn kì nghỉ của mình vì tình hình bạo lực ở Ai Cập và tuyên bố hủy cuộc tập trận “Operation Bright Star” dự định sẽ diễn ra vào tháng 9 với Ai Cập để phản đối việc đàn áp người biểu tình. Đây được coi là tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ nhất mà Washington gửi tới Cairo.

Trong khi đó, Tổ chức “Anh em Hồi giáo” tại Ai Cập kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục tham gia các cuộc biểu tình mới bất chấp lệnh giới nghiêm của Chính phủ. Huynh đệ Hồi giáo từng sử dụng khẩu hiệu “Thứ Sáu giận dữ” cho ngày đẫm máu nhất trong cuộc nổi dậy chống lại cựu Tổng thống Hosni Mubarak hồi năm 2011.

Trong “ngày thứ Sáu giận dữ” (16-8) vừa qua, một cuộc xuống đường rầm rộ trên toàn quốc sau thời gian cầu nguyện giấc trưa từ các thánh đường Hồi giáo ở Thủ đô Cairo để phản đối cái chết của người thân trong các cuộc biểu tình, đã khơi mào cho nhiều vụ đụng độ ác liệt giữa hàng nghìn người biểu tình phản đối chính quyền mới và lực lượng an ninh cũng đã nổ ra tại những khu vực khác của Ai Cập, kể cả tại các thành phố Alexandria, Suez, Port Said, Aswan, Hurghada và nhiều địa phương khác của Ai Cập. 

Thêm một cuộc “Cách mạng hoa sen” ?

Hãng AFP dẫn thông báo của Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết cảnh sát nước này được phép bắn vào những người biểu tình “muốn phá hủy tài sản công hoặc tấn công lực lượng an ninh”. Việc chính quyền lâm thời Ai Cập cho phép cảnh sát bắn vào người biểu tình “có hành vi quá khích” khiến giới quan sát lo ngại sẽ làm khủng hoảng chính trị - xã hội tại nước này thêm nghiêm trọng. Tình hình lúc này tại Ai Cập đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết khi sự đối đầu giữa giữa quân đội và phe ủng hộ cựu Tổng thống bị lật đổ Morsi ngày một quyết liệt và nguy hiểm hơn. Những diễn biến mới nhất về bạo lực và đổ máu cũng đã tác động tiêu cực đến chính trường vốn dĩ đang rối như tơ vò của Ai Cập. Đảng al-Nour, đảng Hồi giáo lớn thứ hai ở Ai Cập, theo đường lối bảo thủ cực đoan, ban đầu ủng hộ việc quân đội can thiệp đã tuyên bố rút khỏi các cuộc đàm phán thành lập Chính phủ lâm thời, sau khi có các cuộc trấn áp người biểu tình. 

Bất ổn chính trị tiếp tục ám ảnh vùng đất cổ này cho thấy, mầm mống của một cuộc nội chiến chiến “nồi da xáo thịt” là hoàn toàn có thể xảy ra. Đối với phần lớn những người Ai Cập biểu tình dưới cái nóng thiêu đốt khi nhịn đói trong tháng lễ Ramadan, Morsi vẫn là Tổng thống hợp pháp của Ai Cập. Các cuộc đụng độ bạo lực chết người giữa người biểu tình và lực lượng an ninh ở Cairo sẽ còn tiếp tục. Nếu các lực lượng an ninh bắn vào vào người biểu tình trên toàn Ai Cập sẽ chỉ tạo ra những người tử vì đạo cho Tình Anh em Hồi giáo. 

Đất nước này sẽ đi về đâu? Kịch bản nào đang chờ đón họ phía trước? Cách thức duy nhất thoát khỏi ngõ cụt này là để cho ông Morsi từ chức để cứu Ai Cập khỏi bất ổn và tổn thất nhân mạng thêm nữa.

Nếu chính quyền lâm thời nước này không nhanh chóng thực thi biện pháp hòa giải dân tộc, giải quyết xung đột giáo phái, dư âm của cuộc cách mạng từng lật đổ cựu Tổng thống Mubarack có thể khiến “hoa sen lại nở”. Cho đến lúc này, người Ai Cập đang nếm trải một thực tế đau đớn hơn bất kỳ dân chúng nước nào khác của Mùa Xuân Ả-Rập, rằng lật đổ một chính quyền chuyên quyền dễ hơn nhiều việc thay thế nó bằng một hệ thống Chính phủ khác. 

Như hiện tại ở Ai Cập thì đường phố đang là diễn đàn chính trị với sự đọ sức mạnh về số người, gạch đá, hơi cay và súng đạn chiếm chỗ của thảo luận lý trí. Điều tệ hại dẫn đến là bạo lực tiếp diễn ở Ai Cập đồng nghĩa với việc sẽ có thêm hỗn loạn, tác động xấu ngày càng lớn đến kinh tế, đời sống hàng ngày và thất nghiệp, nghèo đói sẽ gia tăng.