Ngày thứ Sáu ‘‘giận dữ” đến từ mùa xuân Ả Rập

ANTĐ - Khi cơn giận dữ của người Hồi giáo chống Mỹ trên khắp thế giới chưa lắng dịu, thì một tạp chí của Pháp tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa khi cho đăng tấm hình biếm họa về nhà tiên tri Mohammed, chỉ một ngày sau vụ đánh bom tự sát khiến 12 người thiệt mạng ở Afghanistan, gây thương vong lớn nhất trong làn sóng phản đối bộ phim phỉ báng đạo Hồi. Cho tới nay, các vụ biểu tình đã lan tới hơn 20 quốc gia.
Ngày thứ Sáu ‘‘giận dữ” đến từ mùa xuân Ả Rập ảnh 1

Đổ thêm dầu vào lửa

Vụ việc tạp chí Pháp đăng tranh biếm họa nhà tiên tri xảy ra vào thời điểm làn sóng biểu tình phản đối bộ phim có nội dung phỉ báng đạo Hồi đang tiếp tục “sục sôi” tại nhiều nước trên thế giới chẳng khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”, báo trước sự phẫn nộ ngày càng tăng trong thế giới Hồi giáo.

Bức tranh biếm họa bị coi là sự khiêu khích và xúc phạm tới đạo Hồi đã làm gia tăng các tình huống bạo lực tại các quốc gia Ả rập và đạo Hồi trên khắp thế giới. Nhiều người dân Ai Cập đã đổ ra các đường phố của Thủ đô Cairo để phản đối tranh biếm họa nhà tiên tri, gọi đây là sự lăng nhục đối với tín ngưỡng của người Hồi giáo. Nhiều người Ai Cập còn nói rằng, tờ tạp chí của Pháp rõ ràng đã vượt qua ranh giới giữa sự “chỉ trích và lăng nhục”. Hàng trăm sinh viên Iran đã biểu tình phản đối trước Đại sứ quán Pháp tại Tehran với những khẩu hiệu đầy giận dữ thể hiện sự bất bình đối với bức tranh biếm họa. 

Ngay tại ngay quê nhà của tờ báo, rất nhiều độc giả đã thể hiện sự phẫn nộ khi xé ngay tờ báo vừa mua. Bản thân người dân Pháp cũng không đồng tình với tờ báo Pháp đã đăng tải các bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohamed. Cũng như Washington không thể cấm chiếu bộ phim, Paris cũng không thể ngăn việc đăng tải biếm họa vì tờ báo vin vào quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được Hiến pháp Pháp quy định. Tuy nhiên, theo nhà chính trị học người Pháp Philippe Braud, quyền tự do ngôn luận cần được tôn trọng nhưng có những giới hạn mà tự do ngôn luận không nên vượt qua.

Đoạn phim và bức biếm họa đã kích động làn sóng bạo lực trên khắp thế giới, khiến hố sâu ngăn cách giữa thế giới đạo Hồi và các quốc gia phương Tây ngày một lớn. Một số chuyên gia thậm chí còn nhận định rằng tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda, với các kế hoạch và chương trình cụ thể vạch ra để chống lại Mỹ và phương Tây, cũng không thể đạt được hiệu quả như những gì mà bộ phim và các bức biếm họa đã làm. Thủ tướng Pakistan Raja Pervez Ashraf hôm 20-9, trong bài phát biểu trước các chính trị gia, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã nói: "Tấn công nhà tiên tri là tấn công vào 1,5 tỷ người Hồi giáo. Vì vậy, đây là một điều không thể chấp nhận được".

Châu Âu nói chung, nước Pháp nói riêng đã phải lo lắng trước những cuộc biểu tình mới phản đối bộ phim phỉ báng đạo Hồi ở Mỹ cũng như tranh biếm họa nhà tiên tri Mohamed trên báo Pháp. Các cơ quan đại diện ngoại giao phương Tây ở các nước Hồi giáo đã siết chặt an ninh, một số đã đóng cửa, trước dự báo nổ ra các cuộc biểu tình sau lễ cầu nguyện thứ Sáu. Cực chẳng đã, Tổng thống Mỹ Obama đã phải kêu gọi lãnh đạo các nước Hồi giáo giúp "dập" ngọn lửa căm thù Mỹ đang ngùn ngụt bốc cháy tại các nước này. Làn sóng phản đối Mỹ còn đe dọa cả các phái đoàn ngoại giao Ðức, Anh, Israel...

Ngày thứ Sáu “giận dữ”

Ngày thứ Sáu (21-9) là ngày cầu nguyện quan trọng tại các nước Hồi giáo được dự đoán là ngày thứ Sáu “giận dữ”. Tuy Pakistan đã tuyên bố thứ Sáu 21-9 là "Ngày kính yêu cho Nhà tiên tri Mohammad", một động thái mà các nhà phân tích nói rằng chỉ là nhằm ve vãn các nhóm Hồi giáo cực đoan của Chính phủ không được lòng dân này.

Và cho dù Chính phủ Pakistan cũng đã tuyên bố ngày thứ 6 là ngày lễ dân tộc và khuyến cáo người dân chỉ biểu tình trong hòa bình nhằm phản đối bộ phim và tranh biếm họa thì ngày 21-9, người biểu tình Pakistan đụng độ với cảnh sát.

Vụ đụng độ nghiêm trọng nhất xảy ra ở thành phố cảng Karachi, nơi những người biểu tình đốt cháy nhiều rạp chiếu phim và đánh nhau dữ dội với cảnh sát. Không những thế, những người biểu tình còn tìm cách xé rào cản xông vào lãnh sự quán Mỹ. Có ít nhất 12 người, trong đó có 1 cảnh sát, đã bị thiệt mạng trong các vụ nói trên. Tại thành phố Peshawar, những người biểu tình cũng đốt cháy nhiều rạp chiếu và đụng độ với cảnh sát. Có ít nhất 3 người bị thiệt mạng, trong đó có một nhân viên của Đài truyền hình Pakistan bị cảnh sát bắn chết. 

Ngày 21-9, hãng tin AP cũng xác nhận, Mỹ đã đóng cửa tất cả các cơ quan bộ ngoại giao của nước này tại Indonesia quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, Theo thông tin trên, Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta và các văn phòng lãnh sự ở Surabaya, Medan và Bali đều đã đóng cửa. Ngoài ra, Phái bộ Mỹ tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng phải đóng cửa và các nhân viên ngoại giao được yêu cầu không ra khỏi phạm vi Đại sứ quán do lo ngại làn sóng biểu tình phản đối. 

Trong một diễn biến khác, thủ lĩnh phong trào Herbola của Libanon H.Nasrala trong lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng  đã cảnh báo sẽ có các hành động đáp trả "cực kỳ nguy hiểm" nếu bộ phim báng bổ đạo Hồi tiếp tục được phát đầy đủ trên mạng. Ông ta cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ban hành các đạo luật quốc tế và quốc gia để hình sự hóa tội phỉ báng các tôn giáo trên thế giới. Trong bối cảnh làn sóng bạo lực gia tăng tại các quốc gia Bắc Phi và Trung Ðông nhằm vào phái bộ ngoại giao và lợi ích của Mỹ cũng như các nước phương Tây, mạng lưới khủng bố al-Qeda lại xúi giục tiến hành các đợt tiến công mới nhằm vào Mỹ. 

Đến đây có thể thấy Mỹ và phương Tây đang nếm “ trái đắng” của cái gọi là “Mùa xuân Ảrập” từng được họ tung hô ca ngợi và hào phóng chi tiền lẫn vũ khí để ủng hộ khiến một  loạt các nhà lãnh đạo tại khu vực này đã phải rời bỏ quyền lực, hoặc thông qua sức mạnh của vũ khí, hoặc sức mạnh áp đảo của các cuộc biểu tình. 

Không ai ngờ rằng làn sóng biểu tình giờ đây chuyển sang bạo lực tấn công các lợi ích của Mỹ sau bộ phim xúc phạm Hồi giáo lại bùng phát ở 3 nước này, nơi Mỹ từng sát cánh bên cạnh lực lượng nổi dậy lật đổ các nhà lãnh đạo mà họ gọi là độc tài và tạo điều kiện để lực lượng này lên cầm quyền. 

Các cuộc biểu tình tấn công và đốt phá người dân đạo Hồi cho thấy những nỗ lực của Mỹ để lật đổ các chế độ mà phương Tây gọi độc tài thông qua phong trào “Mùa xuân Ả rập” đã không  mang lại sự ổn định cho khu vực Trung Đông vốn đầy bất ổn.