Ngày Tết, nghe “lão say” kể chuyện hát

ANTĐ - Tết đến, còn điều gì ý nghĩa hơn là đến làng Khuốc để nghe những điệu hát chèo, để mục sở thị một lão nông ngày ngày đi làm cũng như đi chơi, gắn bên mình chiếc tai nghe, miệng lẩm nhẩm nhẩn nha điệu chèo quen thuộc.
Bị bắn súng cao su vì… diễn hay quá
Bùi Văn Ro là một lão nông thứ thiệt. Ông Ro sinh năm 1952 tại làng Khuốc, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ông có biệt tài hát chèo thượng thừa. Nghe danh ông là Chủ nhiệm CLB hát chèo của làng Khuốc - một làng chèo giàu truyền thống mà nhiều nghệ sĩ chèo có tiếng hiện nay đã từng tìm đến học hỏi, giao lưu khiến chúng tôi khấp khởi tò mò.

Ngày Tết, nghe “lão say” kể chuyện hát ảnh 1
Ông Bùi Văn Ro


Ông Ro kể rằng ông bước chân vào nghề từ năm 16 tuổi sau những buổi xem các bậc tiền bối tập luyện và biểu diễn. Năm 21 tuổi ông chính thức bước lên sân khấu và nhanh chóng có vai diễn khá thành công khi vào nhập ông lão say rượu - một nhân vật mang tính phản diện - trong trích đoạn chèo cổ “Lão say”. Ông Ro chia sẻ: “Diễn chèo là phải khiến khán giả xì xào mới được, diễn chèo tại làng Khuốc còn khó hơn rất nhiều so với diễn ở các nơi khác cũng bởi ở làng ai cũng biết hát chèo nên họ sành xem lắm, diễn không đạt là họ phát hiện ra ngay”. Trong cuộc đời diễn chèo của mình, ông Ro chỉ tay lên vết sẹo ở mặt và kể lại: “…Đây là vết sẹo nhớ đời. Năm 1976 thế kỷ trước khi tôi đi diễn ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái thì bị một khán giả bắn súng cao su vào mặt. Lúc đó, tôi đang nhập vai một quan Tây người Pháp trong vở “Hương Thiên Lý” tra tấn, cắm kim gắn lông gà vào mụ Hợi…; thế là bên dưới bắt đầu la ó, chửi bậy rồi bắn đá bằng súng cao su vào mặt tôi. Tôi bị đau đến cả tháng trời, may còn chưa trúng vào mắt không thì đúng là sinh nghề, tử nghiệp. Sau khi bị bắn tôi vẫn cắn răng chịu đựng, nén đau để hoàn thành vở diễn và rất hạnh phúc khi vai diễn thành công. Sau tôi mới biết không phải vì mình diễn dở mà vì diễn hay quá nên bị… ăn đòn bằng súng cao su (Cười lớn)”. Nói về kỷ lục trong nghề thì ông Ro bảo có những lúc thiếu người phải đảm nhận đến 3 nhân vật. “Khó khăn nhất lúc đó là việc thay quần áo, để nhanh nhất thì phải mặc 3, 4 bộ vào người, mùa rét thì còn chịu được chứ mùa hè thì mồ hôi ướt đến tận lớp áo ngoài cùng”, ông Ro bộc bạch.  
Tự chế đạo cụ

Ngày Tết, nghe “lão say” kể chuyện hát ảnh 2

Đến nay người dân làng Khuốc đã quá quen thuộc với hình ảnh ông cụ Ro thong dong trên chiếc xe đạp cũ đi khắp các hiệu cắt tóc trong và ngoài làng, xã để xin những cọng tóc rối về làm râu, ria hóa trang cho mỗi vai diễn của mình - “Tôi xin những cọng tóc họ không dùng nữa về xếp lại cho bằng, rửa sạch sẽ để làm râu hay ria cho một số nhân vật. Vất vả nhưng nhìn nó thật hơn, lại tiết kiệm”, ông Ro vừa chia sẻ kinh nghiệm vừa chỉ lên túi tóc to treo ngoài hiên mà ông vừa xin về được. Chiếc gậy chống của các nhân vật cao tuổi như ông Tiên, ông Bụt cũng vậy, muốn nó đẹp như thật thì không thể dùng loại tre thường mà phải bỏ công sức hoặc tiền bạc mua những cây trúc lộc bình, về cưa vừa tầm, phơi khô, quét sơn, khi diễn sẽ tăng độ hấp dẫn và mức chân thật”. Cái sự tỉ mẩn với nghề của ông Ro luôn được đền đáp xứng đáng. Ông Ro kể lại trong niềm hạnh phúc: “Lúc 55 tuổi, khi tôi thủ vai lão say rượu trong lần tham gia Hội diễn tại tỉnh Thái Bình đã có rất đông khán giả ùa lên sân khấu khi vở chèo kết thúc. Tay họ sờ tóc, sờ râu, miệng thì không ngừng hỏi sao cụ già thế mà vẫn lên sân khấu biểu diễn. Nhưng khi biết tôi vẫn chưa quá già mà hoàn toàn do hóa trang thì khán giả lại ồ lên phấn khích khiến tôi vô cùng xúc động”. 

Theo ông, việc học hát chèo thời nay rất đơn giản bởi con người ta nếu yêu thích cho thể học qua điện thoại, qua ghi âm giọng hát, hay video, nhưng thú nhất là tìm đến tận nơi để hai bên giao lưu học hỏi lẫn nhau. Những người đến với ông Ro nói riêng và các nghệ nhân hát chèo làng Khuốc nói chung có nhiều giới với độ tuổi khác nhau. Ông Quách Văn Sáu, cán bộ phụ trách văn hóa làng Khuốc cho biết: “Từ trẻ nhỏ đến những cụ già cao tuổi, kể cả các nghệ sĩ nổi tiếng cũng tìm về làng Khuốc để nghe hát chèo. Nghệ sĩ Xuân Hinh, Tự Long… cũng đã về để nghe, để học các làn điệu chèo cổ. Ông Ro đã từng hát rồi phân tích từng động tác cho các nghệ sĩ nghe và xem các làn điệu chèo cổ như “Lão say”, “Hề đơm đó”… 

Trả nghĩa làng nghèo

Ngày Tết, nghe “lão say” kể chuyện hát ảnh 3

Qua lời kể của ông Sáu thì ông Ro bận lắm, bận quanh năm suốt tháng! Thực ra là bởi ở ngưỡng tuổi ngoài 60 ông Ro vẫn là nhân lực chính trong nhà, ngoài ra còn là người thầy của đám trẻ trong làng. Ngày mùa thì lo cấy gặt, ngày rảnh thì quây quần bên các cháu trong làng làm trại, làm đèo ông sao, viết báo tường… Đã ở bên kia sườn dốc của cuộc đời nhưng ông Ro không khi nào quên trả nghĩa với làng chèo.

Với tiêu chí “người làng Khuốc dạy người làng Khuốc”, ông Ro tích cực tham gia dạy hát chèo cho các cháu nhỏ trong làng hoặc dàn dựng các tiết mục cho các cháu đi diễn ở các nơi, gặt hái được nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Với ông, dạy hát chèo là cái thú bởi mỗi khi được tiếp xúc, tiếp thu nhiều điều mới mẻ thì cho dù có gian khó thế nào cũng đều vượt qua được. Ông bảo: “Nhiều hôm dạy không công từ tối đến tận nửa đêm mới về. Có lần tôi bị đau răng buốt đến tận óc, nói không nổi nhưng vẫn phải làm điệu bộ, cử chỉ để học trò biết mà làm theo”. Mấy chục năm qua, ông Ro đã có rất nhiều những đóng góp, hy sinh cho nghệ thuật chèo làng Khuốc nhưng với ông: “Ở đời làm đẹp được cái gì hay cái đó!”…  

Thế là Tết Quý Tỵ năm nay chúng tôi đã được đến thăm làng Khuốc, nơi mà theo cuốn “Hí phường phả lục” biên soạn thời Lê Thánh Tông là một trong 7 nôi chèo của đất Việt; nơi mà thời gian qua đi người dân chưa từng một ngày quên chèo; nơi từng có 14 gánh chèo đi phục vụ bà con trên mọi miền Tổ quốc; nơi mà đã xuất ngoại chèo sang cả bên kia đại dương đến với người dân Mỹ, Canada, Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản… Đặc biệt hơn cả là được nghe lão nông - nghệ nhân Bùi Văn Ro kể chuyện chèo, nghe ông hát chèo. Ông Ro kể, cứ đến mùng 6 Tết âm lịch là cả làng tưng bừng trống phách, đây là dịp đua tài sôi nổi của các gánh chèo, thu hút hàng nghìn người tham dự.

Tuy hào hứng kể về chèo và khẳng định dù trào lưu văn hóa mới du nhập rất nhanh trong cộng đồng làng xã, nhưng tại làng Khuốc từ già đến trẻ đều khẳng định một điều Thái Bình bao giờ hết lúa, làng Khuốc mới thôi hát chèo; nhưng trong sâu thẳm đôi mắt ông lão Ro vẫn lẩn khuất những nét đượm buồn, ưu tư. Hỏi ra thì ông bảo, chèo làng Khuốc đã bám tận gốc rễ văn hóa làng xã, nhưng thời gian đã làm nhiều người không còn mặn mà với chèo. Thế hệ chúng tôi qua đi, mai này những miếng chèo cổ liệu có còn (?!)…

Tin cùng chuyên mục