Góc khuất của một bộ phận cầu thủ Việt Nam:

Ngày tập chay, tối đi “bay”

ANTĐ - Có một bộ phận cầu thủ Việt Nam chỉ cần đá tốt vừa đủ, kiếm nhiều tiền... để đêm đêm đắm mình trong thú vui sa đọa như những dân chơi đích thực.

Những ngày cuối tuần qua, nghi án cựu tuyển thủ quốc gia Huy Hoàng “phê” thuốc lắc trong ô tô rồi gây tai nạn ở Thanh Hóa đã khiến nhiều người rùng mình. Chuyện bay lắc của cầu thủ Việt không mới, đã có quá nhiều vụ bắt quả tang những cầu thủ chuyên nghiệp tàng trữ trái phép chất ma túy (như Xuân Thành của HN.ACB năm 2007), hay hội 5 cầu thủ của HN T&T và đội 6 cầu thủ Hải Phòng bị tóm khi đang tưng bừng trong các “động lắc” ở TP.HCM và Hải Phòng cách đây ít lâu. Nhưng dường như càng ngày, chuyện cầu thủ Việt “bay lắc” lại càng “khét tiếng”.

Trên đây chỉ là vài vụ việc mà những dân chơi kiêm cầu thủ này “chơi không gặp ngày” vì bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Còn thực tế, trong góc khuất mà không phải ai cũng biết của bóng đá Việt Nam, chuyện cầu thủ giải trí bằng thuốc lắc, bằng ketamine và “đập đá” (ma túy tổng hợp) vốn là chuyện bình thường.

Ở khắp các câu lạc bộ, từ trong Nam cho đến ngoài Bắc, hầu như ở đâu cũng có một “đội” riêng được lập nên bởi những cầu thủ “biết chơi”. Tất cả đều chung niềm đam mê với cảm giác “ảo” sau giờ ra sân tập. Ra sân chỉ tập chay thôi, để rồi ngồi đánh bóng ghế dự bị, chứ ít khi được đá chính, bởi hầu như lãnh đạo và HLV các đội đều biết. Chẳng qua, họ không muốn nói và cố bưng bít trước dư luận để giữ thể diện. Cách đây chưa lâu, một đội bóng phía Bắc cũng cắt hợp đồng với một cầu thủ từng rất ấn tượng trong màu áo U23 Việt Nam, chỉ vì mê “bay” hơn đá bóng. Tương lai của tài năng ấy cũng đã đóng sập lại vì “cái thân tàn ma dại ấy giữ quả bóng còn không nổi thì đá đấm gì” - như nhận xét của một HLV.

Nếu như vài năm trước, lên bar và chơi thuốc lắc được coi là thú vui phổ biến, thì bây giờ giới cầu thủ đã biết kín đáo hơn trong mỗi cuộc thác loạn. Thuốc lắc vẫn được ưa chuộng, nhưng nó không còn được các tay chơi này sử dụng trong hộp đêm nữa. Bãi đáp thường là những phòng VIP của những quán karaoke sang trọng, nếu không, ít nhất cũng phải là phòng tại gia được trang bị đầy đủ âm thanh ánh sáng và thậm chí ngay tại đại bản doanh của CLB nữa! Thế mới có chuyện HLV của một đội bóng Hà Nội một lần đi kiểm tra cầu thủ trong đêm, khi mở cửa căn phòng cuối hành lang, thấy 2-3 cậu học trò mình đang say sưa quanh chiếc bình “đập đá”. HLV tròn mắt ngạc nhiên còn cầu thủ thì phản ứng như không có chuyện gì to tát xảy ra. Rồi sau đó chỉ là vài lời nhắc nhở qua loa, hôm sau những dân chơi ấy lại ra sân tập như thường, vì HLV biết có cấm cũng chẳng được!

Những gì đang xảy ra ở bóng đá Việt Nam thực sự là một bi kịch. Một bi kịch mà những người đứng đầu trong cuộc chơi, dù biết, vẫn “bó tay”. Hay nói cách khác, họ chấp nhận sống giữa một nền bóng đá chông chênh và chấp nhận việc nó có thể gãy đổ tan tành bất cứ khi nào.