Ngày mai (20-5), Quốc hội xem xét việc phê chuẩn EVFTA

ANTD.VN - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) sẽ được trình vào Quốc hội ngay ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV ngày 20-5.

EVFTA mang lại nhiều lợi ích trong bối cảnh thế giới mới

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, ngay ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (ngày 20-5), Quốc hội sẽ chính thức xem xét, thảo luận, tiến tới phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Báo cáo giải trình của Chính phủ đã được trình Quốc hội có các nội dung để đảm bảo thực thi Hiệp định có hiệu quả.

Cụ thể, báo cáo tập trung vào 2 nội dung quan trọng nhất: Thứ nhất là các vấn đề pháp lý cần xử lý để có thể hoàn thành nghĩa vụ đặt ra trong hiệp định; Thứ hai là những chương trình, bước đi cụ thể mà Chính phủ sẽ thực hiện, từ đó đưa Hiệp định vào cuộc sống.

Việc quyết định phê chuẩn Hiệp định thuộc thẩm quyền Quốc hội. Theo quy trình của Quốc hội, sẽ có bước là ban hành Nghị quyết của Quốc hội trước khi hoàn thành quá trình phê chuẩn.

Tiếp theo, hai bên sẽ chính thức xác nhận với nhau về thời điểm Hiệp định có hiệu lực qua kênh ngoại giao. Theo đó, Hiệp định có hiệu lực ngày đầu tiên của tháng thứ 2 sau khi có Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội và văn bản trao đổi qua kênh ngoại giao.

Hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy thảo luận với EU để Hiệp định được thực thi sớm nhất. Nếu như Quốc hội có Nghị quyết ban hành vào cuối tháng 5-2020 thì hai bên sẽ xác định ngày có hiệu lực của Hiệp định sau đó khoảng 2 tháng.

Trong bối cảnh thế giới mới, ông Lương Hoàng Thái- Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên cho rằng: “Hiệp định kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó tăng cường thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo chuỗi cung ứng mới. Hiện nay, các nước đều đang trong quá trình nỗ lực để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.

Đặc biệt, trong bối cảnh đối phó với những thay đổi của đại dịch Covid-19, xu hướng này diễn ra mạnh hơn”.

Ttheo nghiên cứu của Bộ KH-ĐT và Ngân hàng Thế giới, những ngành hiện nay có thể tận dụng sớm cơ hội mà EVFTA mang lại là: dệt may, giày dép, nông sản, đặc biệt là nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh như gạo, thủy sản…

Nhìn về tổng thể toàn bộ lợi ích đối với nền kinh tế, nếu lấy chuẩn xóa đói giảm nghèo cao của Ngân hàng Thế giới, thì có khoảng 800.000 người Việt Nam có thể thoát nghèo nhanh hơn so với kịch bản không có EVFTA.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của Bộ KH-ĐT, trong vòng 5 năm đầu thực hiện, hiệp định có thể đóng góp vào nền kinh tế tăng thêm khoảng từ 2,18-3,25%, tức là xung quanh 0,5 điểm phần trăm GDP/năm. Đây là tác động lớn hơn nhiều so với tất cả các FTA trước đây mà chúng ta đã tham gia, kể cả so với Hiệp định CPTPP mà Quốc hội phê chuẩn trước đây.