Ngày làm việc đầu tiên và những chuyện "dở cười dở mếu"

(ANTĐ) - Đại hội toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ VII (2010-2015) Hội Điện ảnh Việt Nam vừa khai mạc phiên trù bị (Đại hội nội bộ) tại Cung văn hóa hữu nghị. Dự đại hội có 500 hội viên là số đại biểu chính thức được bầu chọn từ 35 chi hội điện ảnh trên tổng số 1500 hội viên, cùng 10 đại biểu thuộc Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ VI.

Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam

Ngày làm việc đầu tiên và những chuyện "dở cười dở mếu"

(ANTĐ) - Đại hội toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ VII (2010-2015) Hội Điện ảnh Việt Nam vừa khai mạc phiên trù bị (Đại hội nội bộ) tại Cung văn hóa hữu nghị. Dự đại hội có 500 hội viên là số đại biểu chính thức được bầu chọn từ 35 chi hội điện ảnh trên tổng số 1500 hội viên, cùng 10 đại biểu thuộc Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ VI.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Khi báo cáo đã in trong văn kiện...

Nếu trước giờ khai mạc, khu vực sảnh trước của hội trường đầy ắp không khí vui mừng, nồng ấm, náo nhiệt của đông đảo nghệ sĩ trong một ngày quy tụ đầy đủ các thế hệ làm điện ảnh, thì tại hội trường, sau phần nghi lễ của đại hội, bầu không khí đã trở nên lắng đọng hơn, các nghệ sĩ đặc biệt quan tâm tới Quy chế của đại hội, trong đó có phần quy định về bầu cử Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới. Cũng vì thế mà sự tập trung lắng nghe của đại biểu không dành nhiều cho Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Ban Chấp hành nhiệm kỳ VI và phương hướng nhiệm kỳ VII của Hội, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội nhiệm kỳ VI, Báo cáo công tác của Ban kiểm tra Trung ương Hội nhiệm kỳ VI.

Một phần khác khiến đại biểu không tập trung vào phần báo cáo này bởi tất cả văn bản đã được in trang trọng trong Văn kiện đại hội. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, cho dù là trình bày tóm tắt, thì cách thể hiện các báo cáo của một số đại diện Ban Chấp hành hội còn dài, và thiếu thông tin mới để thuyết phục sự chú ý của hội viên.

Biểu quyết bằng cách vỗ tay

Trong phần phổ biến Quy chế của Đại hội, đại diện của Ban Chấp hành hội, cũng chính là thành viên của Đoàn Chủ tịch đã đưa ra đề cử về thành viên Chủ tịch đoàn điều hành đại hội, về thư ký đại hội, phổ biến quy chế ứng cử, đề cử và bầu cử. Phần công tác này chưa được thực hiện đúng nguyên tắc khi người điều hành đã sử dụng phương án biểu quyết bằng vỗ tay tán thành thay vì phải giơ tay biểu quyết (đồng ý và không không ý).

Về phía các đại biểu, đa số cũng nhanh chóng vỗ tay tán thành; nhưng cũng có những đại biểu không đồng tình với cách làm này. Tuy nhiên, ngay sau phần giải lao, một thành viên nữ của đoàn chủ tịch đã đề nghị đại biểu thực hiện biểu quyết bằng giơ tay, vì “vỗ tay thì vui, nhưng không đúng nguyên tắc”. (Nhưng chị vẫn quên không đưa ra phương án – “ai không đồng ý?). Dù vậy, các thủ tục cũng nhanh chóng được đại biểu thông qua để đi đến phần được đa số đại biểu háo hức nhất: bầu cử. Cụ thể là ứng cử, đề cử và bầu cử nhân sự để Đại hội Chính thức bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới.

Số lượng đại biểu được đại hội nhất trí đề cử là 15 người, và mỗi đại biểu được đề cử 15 (tên) người mà mình chọn vào phiếu bầu được in sẵn khá đẹp. Ai tự ứng cử cũng có phần ghi tên vào phiếu của mình (1 người); và nếu tự ứng cử thì số người đề cử chỉ được là 14 trong mỗi phiếu. Như vậy, 15 người mỗi phiếu, nếu sự lựa chọn tập trung nhất, đó là con số chấp nhận được. Song nếu mỗi đại biểu lựa chọn người đề cử thật khác biệt, nhân với 500 lá phiếu, thì nguy cơ về nhân sự không tập trung sẽ xảy ra (và ban kiểm phiếu sẽ thực sự khó khăn trong quá trình tổng hợp con số). Điều này sẽ được trả lời vào chiều 21/7, khi đại hội có được kết quả từ phiếu bầu nhân sự.

Theo đó 19 đại biểu có số phiếu cao nhất được lựa chọn từ trên xuống, để đại hội bầu cử 15 đại biểu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội nhiệm kỳ VII. Điểm này cũng được đại hội tán thành trước khi phát phiếu bầu. Nếu bỏ qua phần hiểu nhầm của diễn viên Đức Lưu khi đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nói về việc cần thẩm định độ tin cậy của lá phiếu (ý anh muốn nói tới sự đảm bảo để mỗi người chỉ được một phiếu bầu), thì chị hiểu thành anh muốn nói tới cung cách lựa chọn người tín nhiệm cho nhân sự Ban chấp hành, thì các thủ tục để chuẩn bị cho đại hội chính thức được thông qua khá dễ dàng. Tuy nhiên, việc đạo diễn Đỗ Minh Tuấn phát biểu trước đại hội và nhắc đi nhắc lại câu nói về một “trò chơi hoạt cảnh dân chủ” khi Chủ tịch đoàn đang thông báo quy chế bầu cử cũng dễ gây hiểu nhầm đối với nhiều đại biểu. Đại biểu Đức Lưu cũng cho rằng, việc bầu Ban Chấp hành mới không cần phải quy định về tuổi tác, vì hoạt động nghệ thuật thì thật khó mà hạn chế tuổi khi có ý kiến cho rằng, đại biểu nhiều tuổi không đủ sức khỏe thì không nên bầu.

Các nghệ sĩ vẫn mong chờ những chính sách cụ thể, thiết thực của Nhà nước đối với ngành điện ảnh để phim Việt Nam còn nhiều tác phẩm xuất sắc tiếp bước những phim như "Trăng nơi đáy giếng"...
Các nghệ sĩ vẫn mong chờ những chính sách cụ thể, thiết thực của Nhà nước đối với ngành điện ảnh để phim Việt Nam còn nhiều tác phẩm xuất sắc tiếp bước những phim như "Trăng nơi đáy giếng"...

Tranh thủ chờ kiểm phiếu để bày tỏ "nỗi tủi thân"

Trong khi ban kiểm phiếu làm việc, các hội viên lên diễn đàn phát biểu, bày tỏ những vấn đề thiết yếu của ngành, của nghệ sĩ đang được dư luận quan tâm.Với tinh thần “Đoàn kết, dân chủ, xây dựng, sáng tạo”, những ý kiến trong ngày đại hội đầu tiên thể hiện được thái độ yêu nghề, nặng lòng với nghề nghiệp của các nghệ sĩ. Không ít nghệ sĩ lên diễn đàn đề nghị nhà nước cần có chính sách cụ thể, thiết thực, mạnh mẽ, hữu ích hơn đối với ngành điện ảnh, đối với cá nhân nghệ sĩ lao động sáng tạo.

Có nghệ sĩ bày tỏ tủi thân khi so sánh mức độ đầu tư của nhà nước giữa điện ảnh và thể thao (bóng đá) nước nhà. Bàn về năng lực sáng tạo của nghệ sĩ điện ảnh hôm nay, nhà biên kịch Lê Ngọc Minh khẳng định:  “Chúng ta có nhiều tài năng đơn lẻ, nhưng để tập hợp thành một khối tài năng lớn, một làn sóng lớn, một thế hệ vàng như điện ảnh Italia, Pháp trước đây và Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran hiện nay thì chưa thấy có ngọn cờ, chưa thấy có hải đăng. Dường như chúng ta còn rất ít thông tin về nhau, ít xem tác phẩm của nhau, ít rắc lời châu ngọc lên thành tựu của nhau và ít thẳng thắn chỉ ra những khiếm khuyết của nhau. Chúng ta cũng không mấy đam mê trong các cuộc trao đổi học thuật. Bằng chứng là tại các cuộc đàm luận về chất lượng phim, Ban Tổ chức thường phải mời hàng trăm giấy mời để có được 5-6 chục người tới dự và nếu hội nghị kéo dài đến buổi thứ hai thì rất ít đại biểu kiên trì ở lại. Các buổi xem phim học tập thường không đông và chủ yếu là thế hệ đã hoàn thành sứ mệnh sáng tạo của mình.”

Đạo diễn Lê Dân phát biểu vấn đề mà ông đặc biệt tâm huyết, đó là cần làm phim sao cho có sách lược và chiến lược, để phim không những giành được thị trường trong nước mà còn phải được ghi nhận tại các liên hoan phim quốc tế. Ông cũng nêu vấn đề về việc kiểm duyệt phim cần thoáng hơn để các nhà đầu tư (xã hội hóa) yên tâm bỏ tiền ra sản xuất phim. Song có điều chắc chắc rằng, cho dù “thoáng”, những người làm công tác kiểm duyệt ở bất cứ lĩnh vực và ngành nghề nào đều phải tuân thủ những quy định về pháp lý.

Nhà quay phim Lý Thái Dũng và diễn viên Minh Đức vui mừng gặp nhau tại Đại hội
Nhà quay phim Lý Thái Dũng và diễn viên Minh Đức vui mừng gặp nhau tại Đại hội

"Giải pháp phù hợp cho đầu tư điện ảnh là phim HD"

Nhà quay phim Lý Thái Dũng lại "đăng đàn" với nội dung về công nghệ làm phim kỹ thuật số. Sau khi đưa ra đầy đủ, chi tiết và cập nhật về công nghệ làm phim hiện đại trên thế giới hiện nay, anh đưa ra kết luận mang tính giải pháp: “Phim nhựa 35mm sẽ vẫn tồn tại với những ưu thế mà công nghệ HD chưa hoàn toàn thay thế ở một số hạng mục, thể loại hay ở giá trị lưu trữ…với kinh phí đầu tư rất lớn. Nhưng công nghệ HD sẽ chiếm tới 90% thị phần của điện ảnh và 100% trong truyền hình. Nếu như đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã mang lại doanh thu 1 triệu đô la, khoảng 18, 20 tỷ đồng cho nhà đầu tư sản xuất thì một nửa số tiền ấy thuộc về các chủ rạp. Như vậy nhà đầu tư phải chi phí cho bộ phim tối đa khoảng từ 5 đến 6 tỷ thì mới hy vọng có lãi. Giải pháp phù hợp cho mức đầu tư đó là sản xuất phim bằng thiết bị công nghệ HD. Điện ảnh Việt Nam cũng phải làm như vậy, hãy bắt đầu bằng những phim HD được sản xuất và phổ biến hoàn toàn bằng kỹ thuật số tại những cụm rạp nhỏ và vừa với kinh phí khoảng 2 đến 3 tỷ đồng.

Với thời lượng 90 phút, nếu chia thành 2 tập 45 phút (sản xuất công nghệ HD) đã có thể nhìn thấy 400 triệu đồng, thu lại khoảng 1/5 vốn đầu tư nếu bán cho đài truyền hình. Và sau đó có thể bán cho các nhà phát hành ở mọi định dạng khác. Ở mức đầu tư cao hơn cho những đề tài “có khả năng ăn khách” là khoảng 4,5 tỷ. Giải pháp vẫn là sản xuất bằng công  nghệ kỹ thuật số HD và khi phát hành có cả 2 giải pháp, in sang phim 35mm cho những cụm rạp lớn và chiếu trực tiếp bằng kỹ thuật số với những phòng chiếu nhỏ hơn.

Như vậy mới có khả năng thu hồi vốn và có lãi. Các công ty tư nhân đã đầu tư đồng bộ thiết bị từ khâu sản xuất đến những cụm rạp phát hành cả 2 định dạng phim vừa nói trên tức là họ đã cập nhật và làm theo cách thức kinh doanh của những nước phát triển. Và quan trọng hơn, đó là xu thế chung của toàn thế giới khi công nghệ quyết định phương thức sản xuất. Các doanh nghiệp của Điện ảnh Việt Nam cũng phải đi theo con đường như vậy. Và toàn bộ đội ngũ sáng tác, sản xuất, mọi khâu trong bộ máy cần phải làm mọi cách để có thể thích ứng với sự phát triển của công nghệ HD”.

Ngày 21/7, đại hội tiếp tục làm việc và cuối ngày sẽ có kết quả của Ban Chấp hành nhiệm kỳ VII được đại hội bầu chọn. Người yêu điện ảnh mong đợi ở một Ban Chấp hành mạnh mẽ để tập hợp được nghệ sĩ tài năng, để tạo ra được một làn sóng mới in đậm bản sắc dân tộc, hội nhập và phát triển cho nền điện ảnh nước nhà.

 Phan Viễn