Ngày 8-3: Chơi hoa cảnh giác thuốc trừ sâu

ANTĐ - Thị trường hoa tươi bắt đầu vào vụ. Bên cạnh việc tìm mua các loại hoa đẹp để làm quà tặng, người tiêu dùng cũng cần quan tâm tới chất lượng, thận trọng trong sử dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe

Giá hoa “tận gốc” giảm mạnh

Những ngày này, tại các vườn hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), hay tại huyện Mê Linh, Hà Nội, không khí sản xuất, mua bán đã tấp nập hơn hẳn. Người trồng thu hoạch hoa với sản lượng lớn để cung cấp cho các cửa hàng trong nội thành và các tỉnh khác, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp lễ. Giá hoa vào dịp 8-3 năm nay không chênh lệch, biến động nhiều so với ngày thường, thậm chí giảm mạnh so với cùng kì năm ngoái.

Anh Nguyễn Xuân Phong, phường Tây Tựu cho biết: “Giá hoa năm nay giảm nhiều, hoa hồng giảm đến 50%. Nếu như năm trước, giá bán ra từ 3.000 – 3.300 đồng/bông thì năm nay chỉ được 1.000 – 1.500 đồng/bông. Các loại hoa khác cũng giảm từ 30% - 50%. Sản lượng bán ra cũng kém hơn nhiều”. Lý giải về giá hoa cho dịp 8-3 năm nay giảm mạnh, anh Phong cho rằng, do diện tích trồng hoa hồng năm nay tăng mạnh, trong khi đó, thời tiết vụ Đông Xuân năm nay ấm kéo dài, hoa phát triển và nở nhanh, nhưng lượng bán ra lại khá chậm.

Thị trường hoa tươi bắt đầu nhộn nhịp, giá hoa bán lẻ tăng cao

Người trồng hoa bán tại vườn hoặc bán buôn tại các chợ đầu mối như chợ hoa Quảng An với giá rất thấp, tuy nhiên tại các cửa hàng bán lẻ do rơi vào thời điểm “nóng” nên giá hoa vẫn tăng cao. Khảo sát tại một số cửa hàng hoa tươi trên đường Cầu Giấy, Kim Mã… cho thấy, , giá hoa hồng các loại dao động từ 10.000 – 20.000 đồng/bông, hoa lan 50.000 đồng/cành, ly 100.000 đồng/cành. Mức giá này đã cao gấp đôi so với 1-2 ngày trước đây. Các loại giỏ hay bó, phụ thuộc vào kích cỡ, loại hoa cũng có giá rất phong phú, giá rẻ 200.000 đồng/giỏ, loại trung bình ở mức 300.000 - 500.000 đồng, và có những giỏ hoa lên tới tiền triệu. Theo dự báo, giá hoa tươi sát ngày 8-3 sẽ còn tăng thêm.

Hoa đẹp, chỉ nên ngắm, xin đừng ngửi

 Hình ảnh quen thuộc tại nhiều cánh đồng hoa, đan xen với những thửa ruộng đang thu hoạch thì hoạt động phun thuốc trừ sâu cũng diễn ra tấp nập. Tại Tây Tựu, gần chục chiếc máy phun thuốc trừ sâu công suất lớn đồng thời phun, xịt trên cánh đồng hoa. Tuyệt nhiên không thể ngửi được mùi hoa, chỉ thấy mùi thuốc trừ sâu, mùi phân bón xốc lên, khiến người qua đường không khỏi khó chịu. “Để bảo vệ hoa khỏi sâu bệnh, những người trồng hoa phải thường xuyên phun thuốc bảo vệ thực vật cho hoa như thuốc chống rầy, chống nấm, chống thối mốc, chống sâu cắn bông… Trung bình một tuần phun một lần. Từ khi bắt đầu làm đất, tới lúc gieo trồng, và thu hoạch, như vậy hoa mới không bị sâu cho bông to, đẹp và giá thành cao”, một người trồng hoa tại phường Tây Tựu cho biết. Thậm chí, ngày hôm trước còn phun thuốc trừ sâu, nhưng ngày hôm sau đã thu hoạch để giữ màu hoa, tươi lâu.

Việc lạm dụng thuốc trừ sâu trong trồng hoa đã được đề cập đến từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khả thi hơn. Không những người trực tiếp sản xuất gánh chịu hậu quả, mà người sử dụng, người dân xung quanh khu vực trồng hoa cũng không mấy dễ chịu. Chị Thêm, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm thông tin: “Con trai lớn nhà tôi đang học lớp 10 trường THPT Minh Khai, từ nhà tới trường cháu phải đi dọc qua cánh đồng hoa từ Liên Mạc, sang Tây Tựu. Thời gian đầu chưa thích ứng, cháu liên tục bị dị ứng vì thuốc trừ sâu và mùi phân bón ở khu vực trồng hoa này”.

Lượng thuốc trừ sâu tồn dư trong hoa tươi rất lớn

Theo nghiên cứu, trong nhiều loại thuốc sử dụng phun cho hoa được ghi nhận tại các làng hoa thường có độ độc cao, thời gian phân hủy trong môi trường rất lâu. Đáng nói, một số hoạt chất trong thuốc trừ sâu, tích lũy trong cơ thể người tiếp xúc rất khó đào thải ra môi trường. Tiến sỹ Nguyễn Thị Nhung, Trưởng bộ môn thuốc, Viện Bảo vệ thực vật cảnh báo, lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư trên hoa tươi là rất lớn. Người chơi hoa vừa tiếp xúc trực tiếp qua tay, qua hoạt động hô hấp, như vậy nguy cơ bị ngộ độc tăng lên nhiều lần. Do đó, TS Nguyễn Thị Nhung khuyến cáo, người chơi hoa chỉ ngắm không nên ngửi, để tránh việc hít phải lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn đọng trong hoa ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, việc lạm dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất hoa là phổ biến, vì để hoa phát triển tốt, năng suất cao và bông to phải phun thuốc rất nhiều lần. “Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ tốt vấn đề quản lý và sử dụng thuốc từ sâu. Hạn chế tối đa tình trạng người dân sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục”, ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết.