Ngập ngụa trong rác vì dự án “rùa”

ANTĐ - Các bãi chôn lấp đã “lèn” gần hết cỡ, tỷ lệ thu gom thấp... khiến rác “tung hoành” khắp nơi tại 18 huyện ngoại thành Hà Nội. Trong khi tình hình khá căng thẳng, hàng loạt dự án xử lý rác tại các huyện vẫn chưa hoàn thành. 

Rác thải đổ bừa bãi bên lề Quốc lộ 21B, đoạn qua địa bàn huyện Thanh Oai


Rác bẩn tung hoành

Từ sau mở rộng địa giới hành chính, rác thải nông thôn là vấn đề dân sinh bức xúc khiến TP Hà Nội luôn “đau đầu”. Không ít lần, rác thải sinh hoạt do không còn chỗ chôn lấp, đã “tổng tấn công” các tuyến đường, làng xã, khiến người dân rất bức xúc. Đơn cử, đúng ngày này năm ngoái, người dân thị xã Sơn Tây khốn khổ vì hơn 2.000 tấn rác tươi đổ bừa bãi khắp nơi. Từng “núi” rác thải “trôi nổi” trên các ngả đường chính của Sơn Tây, “chiếm” cả vườn hoa trung tâm, làm người dân chịu không nổi. Sự việc kinh khủng này diễn ra trong gần 1 tháng và chỉ được hạ nhiệt sau khi Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh về tận nơi thị sát, chỉ đạo giải quyết.

Khảo sát mới nhất của Sở TN-MT Hà Nội về tình hình rác thải tại 18 huyện ngoại thành cho thấy, những vụ việc như ở Sơn Tây năm 2011 đang có nguy cơ tái diễn. Phó Giám đốc Sở TN-MT Phạm Văn Khánh cho biết, đến hết tháng 5-2012, tổng lượng rác tồn đọng trên địa bàn các huyện còn khoảng trên 65.000 tấn! Trong đó, nhiều huyện ở khu vực phía Tây thành phố đang “sở hữu” lượng rác thải tồn đọng lớn như Phúc Thọ (15.000 tấn); Thường Tín (7.000 tấn); Quốc Oai (5.000 tấn); Ba Vì (8.000 tấn), Mỹ Đức (7.300 tấn)... Theo ông Phạm Văn Khánh, hầu hết lượng rác trên đều không được chôn lấp hợp vệ sinh mà chỉ “gom” tại các ao, hồ, kênh, mương, các khu  vực xa dân cư, các điểm đổ rác tự phát. “Nhiều xã ngoại thành còn tận dụng các ao, hồ và các vùng trũng để đổ rác thải, hình thành hố chôn lấp rác tự phát, không đảm bảo quy trình kỹ thuật, mất vệ sinh môi trường, gây mùi hôi và dẫn tới nguy cơ ô nhiễm nguồn nước...” - ông Phạm Văn Khánh nói.

Theo Sở TN-MT, nguyên nhân dẫn tới tồn đọng số rác thải khổng lồ nói trên là do ùn ứ từ nhiều năm trước. Ngoài ra, các huyện này vẫn chưa đạt tỷ lệ 100% rác thải được thu gom trong khi tiến độ xây dựng các điểm đổ rác tập trung chậm và ý thức người dân còn hạn chế dẫn tới việc đổ rác tràn lan trên lòng lề đường, tạo thành các bãi rác tự phát. Chỉ riêng huyện Thanh Oai hiện có tới 120 điểm đổ rác thải, phế thải tự phát, không kiểm soát được.

Tất cả các dự án đều... chậm

Trong khi lượng rác thải tồn đọng cực lớn đang ngày một tăng lên, các khu chôn lấp cũ đã “tới hạn”, không thể chứa thêm, thì các dự án xử lý rác ở khu vực phía Tây lại rất ì ạch, chưa thể đưa vào hoạt động. Nhìn vào danh mục hơn 10 dự án tại các huyện Đan Phượng, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên... người ta mới chỉ thấy những kế hoạch “sắp khởi công” hay “dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2013”. Một số dự án khác tệ hơn, còn đang “bơi” ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư hoặc chờ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường... Thừa nhận thực tế này, Phó Giám đốc Sở         TN-MT Phạm Văn Khánh cho biết: “Hầu hết các dự án đầu tư xử lý rác hiện nay đã được tiến hành kể từ năm 2006. Tuy nhiên, tới nay, chưa có dự án nào được đưa vào vận hành khai thác”.

Đại diện Sở TN-MT phân trần, nguyên nhân chậm là do thủ tục đầu tư dự án phức tạp, kéo dài. Một số dự án phải thay đổi công nghệ nên phải tiến hành lại các thủ tục đầu tư. Việc tìm kiếm quỹ đất dành cho xây dựng bãi chôn lấp rất khó khăn do phải đáp ứng được các quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng. Đã vậy, công tác GPMB dự án loại này thường rất phức tạp do người dân phản ứng. Kinh phí đầu tư dự án quá cao, ngân sách của huyện chưa đáp ứng nổi, trong khi mức hỗ trợ của thành phố còn thấp... Với các dự án xã hội hóa, giá thành đề xuất cho xử lý rác thải còn cao, chưa phù hợp với khả năng chi trả của huyện và thành phố... 

Để giải quyết nạn rác thải tồn đọng, theo Sở TN-MT Hà Nội, TP cần tăng mức hỗ trợ kinh phí cho các huvện trong công tác lập quy hoạch, đầu tư xây dựng và triển khai các điểm tập kết rác thải, bãi trung chuyển và bãi chôn lấp. Đồng thời, TP cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan quyết liệt đẩy nhanh các dự án xử lý rác thải, không thể kéo dài tình trạng chậm trễ như hiện nay.

Mỗi ngày, thêm 500 tấn rác tồn đọng!

Tính toán của Sở TN-MT Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày, 18 huyện ngoại thành phát sinh hơn 2.200 tấn rác thải, với tỷ lệ bình quân 0,55 kg/người/ngày. Tỷ lệ thu gom rác trung bình ở 18 huyện mới đạt 77,4%. Như vậy, mỗi ngày, 18 huyện sẽ phát sinh thêm gần 500 tấn rác thải tồn đọng.

Tin cùng chuyên mục