Ngành vận tải khách đồng loạt kêu cứu vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vận tải là một trong những lĩnh vực gặp khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài. Từ hàng không cho tới đường sắt, đường bộ, nhiều doanh nghiệp gần như đang cận kề bờ vực phá sản...
Máy bay đắp chiếu nằm la liệt tại các sân bay

Máy bay đắp chiếu nằm la liệt tại các sân bay

Hàng không thua lỗ hàng chục nghìn tỷ

Theo văn bản mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 22-7-2021, hạn chế tối đa số lượng các chuyến bay thương mại từ TP.HCM và các tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16 về Hà Nội. Các hãng hàng không dừng khai thác các chuyến bay chở khách giữa Cần Thơ/Phú Quốc - Hà Nội và ngược lại. Đối với đường bay TP.HCM - Hà Nội và ngược lại, khai thác tối đa 2 chuyến bay chở khách/ngày và giao cho Vietnam Airlines khai thác. Đối với các chuyến bay chuyên chở hàng hóa thực hiện không hạn chế. Các chuyến bay nhằm mục đích phòng chống dịch bệnh, phục vụ công tác công vụ (đề nghị hãng hàng không lập kế hoạch báo cáo Cục Hàng không Việt Nam xem xét, giải quyết theo từng trường hợp cụ thể). Các chuyến bay không thường lệ khác theo yêu cầu và phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Như vậy, đến cuối tháng 7, gần như hàng không tạm dừng khai thác.

Trước tình thế này, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành sớm có chính sách giải cứu trước nguy cơ phá sản. Theo đánh giá của VABA, hàng không là động lực phát triển kinh tế. Các chuyên gia tính rằng, hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng GDP quốc gia 1%. Trước đại dịch Covid-19, hàng năm doanh thu vận tải hàng không tăng bình quân từ 15%-20%. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 tới nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động của ngành. Thống kê của VABA cho thấy, doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt giảm trên 60% (khoảng 100.000 tỷ đồng). Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways lỗ 16.000 tỷ đồng. Hiện nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng đã lên tới 36.000 tỷ đồng (riêng Vietnam Airlines 20.000 tỷ đồng). Số tiền nộp ngân sách cũng bị giảm tương ứng trong khi năm 2019, các hãng hàng không nộp thuế, phí trực tiếp và gián tiếp trên 20.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, năm 2021, đợt bùng phát dịch lần 3 và 4 vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán và hè đã khiến doanh thu hàng không giảm sâu (riêng tháng 5-6 doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020) khiến các hãng càng suy kiệt. Trong khi đó, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày. “Các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng đã cạn kiệt, cơ hội tiếp cận vốn vay khó khăn, chi phí vay vốn cao. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho hàng không được đề ra kịp thời nhưng còn thiếu và chậm triển khai” - ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VABA cho hay.

Trên cơ sở này, phía VABA kiến nghị mở rộng và thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không. Cụ thể, theo Thông tư 04/2021 của ngân hàng Nhà nước quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng (tương tự như Vietnam Airlines, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần) cho các hãng hàng không khác, căn cứ vào quy mô, thị phần, vai trò, đóng góp cụ thể của từng hãng để hỗ trợ hãng thanh khoản.

VABA cũng đề nghị dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi giảm lãi suất 4%, thời hạn từ 3-5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển đồng thời cho các doanh nghiệp hàng không nói chung được áp dụng mức lãi suất giảm 2% theo Nghị quyết số 84 ngày 29-5-2020 của Chính phủ. VABA đề nghị cho phép áp dụng mức ưu đãi như nội dung của Thông tư 19/2020 của Bộ Giao thông - Vận tải từ 1-1-2021 đến 30-6-2022, đồng thời giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga cho khách bay để góp phần kích cầu bay đi du lịch; xem xét giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo phục vụ ngành hàng không từ nay đến hết năm 2022.

Cả mạng lưới vận tải khách đường sắt hiện chỉ còn chạy 1 đôi tàu Bắc-Nam SE7/8

Cả mạng lưới vận tải khách đường sắt hiện chỉ còn chạy 1 đôi tàu Bắc-Nam SE7/8

Đường sắt nguy cơ dừng chạy tàu

Tương tự hàng không, vận tải hành khách đường sắt cũng gặp khó khăn bộn bề khi đến nay, cả mạng lưới đường sắt chỉ còn chạy 1 đôi tàu khách Thống Nhất SE7/8. Tất cả các mác tàu địa phương như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Lào Cai… đã dừng cả tháng nay do Covid-19 diễn biến phức tạp. Thậm chí, đôi tàu SE7/8 cũng không được dừng đón/trả khách tại các ga thuộc địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ chị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, vận tải đường sắt dự kiến lỗ hơn 400 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu vận tải 6 tháng đạt 1.249 tỷ đồng, bằng 79,4% so với cùng kỳ 2020 và bằng 53,9% so với năm 2019 khi chưa có dịch Covid-19. Lượng khách đi tàu sụt giảm nghiêm trọng. Chỉ tính riêng dịp nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đã có 232.850 lượt vé hành khách trả lại với số tiền bị trả lên đến 195,4 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, có tới hơn 2.300 đoàn tàu khách phải dừng chạy. VNR lo ngại, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp hết năm 2021 và kéo dài sang năm 2022, VNR sẽ mất hết vốn chủ sở hữu và đặc biệt khó khăn về dòng tiền hoạt động, mất cân đối nghiêm trọng dẫn đến có thể dừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự kiến, năm 2021, đường sắt Việt Nam lỗ khoảng 940 tỷ đồng (vốn điều lệ của VNR là hơn 3.200 tỷ đồng).

Các đơn vị vận tải đường sắt phải cho lao động nghỉ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương, nghỉ luân phiên. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài qua năm 2022, nguy cơ mất hết vốn chủ sở hữu có thể xảy ra do không có đủ dòng tiền trả lương người lao động. Trước việc thua lỗ liên miên, khó khăn chồng chất, mới đây, VNR đã kiến nghị Chính phủ cung cấp một gói hỗ trợ khẩn cấp 800 tỷ đồng ưu đãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động, tránh nguy cơ dừng hoạt động và các chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động khối vận tải hiện đang bị mất và thiếu việc làm.

Xe khách “đắp chiếu” chờ chính sách giải cứu

Đối với đường bộ, hàng chục nghìn doanh nghiệp vận tải khách (xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh) cũng rơi vào cảnh “chết lâm sàng”, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã phá sản vì dịch bệnh kéo dài. Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội vẫn đang tạm dừng toàn bộ hoạt động chở khách đi và đến 37 tỉnh, thành phố như Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh thành phía Nam bắt đầu từ Thừa Thiên - Huế trở vào. Đối với 3 tỉnh phía Bắc là Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, đã có thông báo dừng hoạt động vận tải khách công cộng đến Hà Nội của các địa phương này. Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị vận tải, khai thác bến xe nghiêm túc chấp hành cho đến khi có thông báo mới. Còn tại phía Bắc thì nhiều địa phương như Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai… cũng đã có thông báo tạm dừng hoạt động vận tải khách đến Hà Nội.

Mới đây, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã và doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch VATA, đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng ô tô. Tính đến cuối tháng 6-2021, xe khách chở khách tuyến cố định chỉ đạt khoảng 30% so với trước dịch, số xe nằm chờ tại bãi không hoạt động là trên 50%. Xe taxi chỉ chạy khoảng 20-30%, số km của xe hoạt động chỉ từ 100-150km (so với trước dịch bình quân trên 300km/ngày), số xe “đắp chiếu” là 70-80%. Xe buýt sản lượng và doanh thu ước đạt 45-50% so với trước dịch. Xe du lịch đạt khoảng 10-15% so với trước dịch, hầu hết số xe phục vụ du lịch phải nằm chờ tại bãi không hoạt động do khách quốc tế không được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Ở trong nước, người dân phải thực hiện giãn cách xã hội nên không có nhu cầu đi du lịch nội địa. Xe vận chuyển khách hợp đồng chỉ chạy đạt 20-30%.

Cũng theo VATA, sản lượng, doanh thu trong vận tải hành khách trong 6 tháng của năm 2021 chỉ đạt 20-30% so với trước dịch. Mặc dù có doanh thu nhưng vẫn lỗ rất nặng vì chi phí cho những xe hoạt động không giảm theo doanh thu mà còn tăng lên do giá nhiên liệu liên tục điều chỉnh và tiếp tục phải thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh. Trước tình hình khó khăn của các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, VATA tiếp tục đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp cho các doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn hiện nay.