Ngành giáo dục nhiều địa phương thiếu giáo viên trầm trọng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cùng với việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã cảnh báo từ năm trước nhưng đến năm học này, tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra phổ biến trên cả nước…
Hà Nội tăng dân số cơ học dẫn tới thiếu trường lớp và giáo viên

Hà Nội tăng dân số cơ học dẫn tới thiếu trường lớp và giáo viên

Hà Nội thiếu hơn 10.000 giáo viên

Tình trạng thiếu giáo viên trên cả nước được giải thích là do thực hiện cắt giảm biên chế theo lộ trình của Chính phủ cùng với thực tế tăng số lớp, nhóm lớp tại địa phương trong năm học 2022-2023. Ngoài ra, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng đòi hỏi nhiều giáo viên ở các bộ môn như Tin học, tiếng Anh (ở bậc Tiểu học) hay Âm nhạc, Mỹ thuật (ở bậc THPT).

Cũng nằm trong tình trạng thiếu giáo viên, Hà Nội lâu nay đã phải đối mặt với việc gia tăng dân số cơ học dẫn tới thiếu trường lớp. Thông tin mới nhất tính đến ngày 7-9, Hà Nội cho biết, ngành giáo dục thành phố thiếu 10.265 giáo viên. Tại Hà Nội, một trong những điểm nóng về trường lớp là quận Hoàng Mai khi địa bàn này tập trung quá nhiều chung cư, dân số tăng nhanh, dẫn tới thiếu trường lớp và giáo viên trước thềm năm học mới. Hiện quận Hoàng Mai có 227 nhà chung cư cao tầng mới được xây dựng và 202 đơn nguyên nhà chung cư cũ. Tổng số học sinh của quận hiện có 98.558 em, trong đó khoảng 79.618 học sinh học công lập, tăng gần 3.800 so với năm ngoái. Với số lượng học sinh này, quận Hoàng Mai đang thiếu 36 trường phổ thông, thiếu 951 cán bộ, giáo viên căn cứ theo quy định về danh mục vị trí việc làm.

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 khiến hầu hết các trường cả nước thiếu giáo viên

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 khiến hầu hết các trường cả nước thiếu giáo viên

Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông cho biết: “Về đội ngũ, hiện nay ngành đang thiếu rất nhiều và chúng tôi phải có giải pháp để hợp đồng với giáo viên về hưu cũng như giáo viên trẻ mới ra trường”. Ông Đoàn Minh Châu - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy môn Mỹ thuật, Âm nhạc. Thứ nhất là về cơ sở vật chất, chúng tôi chưa có phòng âm nhạc, yêu cầu đầu tư khá lớn, nhu cầu của học sinh chưa biết sử dụng nhạc cụ gì. Thứ hai là về đội ngũ giáo viên, nhà trường cũng chưa có giáo viên dạy 2 bộ môn nói trên”.

Tương tự, bà Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cũng thông tin, trường chưa thể triển khai việc đăng ký lựa chọn môn Âm nhạc và Mỹ thuật đối với học sinh lớp 10 do giáo viên 2 môn này chưa có trong số giáo viên biên chế của trường và cũng chưa thể tuyển dụng kịp cho năm học.

Thiếu gần 120.000 giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục mới

Trong năm học mới 2022-2023, hàng loạt các địa phương thông báo thiếu giáo viên như: Thanh Hóa thiếu hơn 10.000 giáo viên; Nghệ An thiếu 6.000 giáo viên; các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai thiếu từ 2.000 - 3.000 giáo viên... Tất cả đều đề nghị sớm có chính sách hỗ trợ.

Trước tình trạng thiếu giáo viên tại nhiều địa phương, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ hàng năm, bảo đảm về số lượng và chất lượng; đồng thời có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT và các địa phương để xây dựng cơ chế, chính sách, phương án giải quyết, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các khó khăn trong giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương thông tin, năm học 2022-2023, số học sinh của tỉnh dự kiến tăng 29.000 em, tập trung tại các địa bàn có nhiều khu công nghiệp. Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái thì cho biết, 2 môn tiếng Anh và Tin học đang thiếu nhiều giáo viên nhất. Ví dụ, với môn tiếng Anh hiện thiếu 273 giáo viên, nhu cầu đến năm học 2024 - 2025 toàn tỉnh cần 646 giáo viên để dạy tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 9. Môn Tin học hiện thiếu 285 giáo viên, nhu cầu đến năm học 2024 - 2025 toàn tỉnh cần 434 giáo viên để dạy Tin học từ lớp 3 đến lớp 9…

Tổng kết năm học 2021-2022 mới đây, Bộ GD-ĐT thừa nhận tỉ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, để thực hiện được dạy Ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 3 năm học 2022 - 2023, cả nước cần thêm 5.322 giáo viên. Với môn Tin học, để đủ giáo viên (tính tối thiểu 1 giáo viên/trường) cần bổ sung 3.684 người. Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục trung học, ở cấp THCS và THPT giai đoạn 2021 - 2025 cả nước thiếu khoảng 110.000 giáo viên, trong đó số thiếu của cấp THCS là 14.653 giáo viên và cấp THPT là 11.133 giáo viên.

Tuyển bổ sung gần 28.000 giáo viên cho năm học mới

Theo TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), do năm học mới đã cận kề, để bảo đảm đủ giáo viên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 3585/BGDĐT-NGCBQLGD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW. Theo đó, Bộ Chính trị đã giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 - 2026. Riêng năm học 2022 - 2023 được giao bổ sung hơn 27.800 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Việc tuyển dụng biên chế giáo viên cần ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển dụng giáo viên cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Riêng Hà Nội đã được giao bổ sung 2.362 biên chế trong năm học này. UBND TP đề xuất phân bổ cho bậc Tiểu học 600 giáo viên, THCS 1.209 giáo viên và THPT 452 giáo viên. Nguyên tắc phân bổ được đề xuất theo 3 nhóm. Các trường, khu vực có số học sinh tăng mạnh, thiếu nhiều giáo viên (nhóm 1) được ưu tiên, gồm các quận: Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, huyện Đông Anh, Thanh Trì, Chương Mỹ, Gia Lâm, Sóc Sơn, Hoài Đức, Mê Linh. Sau nhóm này, thành phố sẽ xét tới nhóm 2 là khu vực có số học sinh tăng vừa và thiếu ít giáo viên hơn, gồm các quận: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa và các huyện: Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Thạch Thất. Nhóm 3 (những quận, huyện còn lại) tạm thời chưa được giao bổ sung biên chế do học sinh tương đối ổn định, biên chế giáo viên không biến động lớn. Sau khi được HĐND TP phê duyệt, UBND TP Hà Nội sẽ phân bổ biên chế cho các quận, huyện cùng yêu cầu sử dụng hiệu quả số biên chế được giao, có số dư để thực hiện mục tiêu tinh giảm 10% biên chế trong giai đoạn 2022-2026.