Ngành dệt may: Không tăng lương, khó thu hút công nhân

ANTĐ - Chi phí lương và các loại bảo hiểm kèm theo ăn mòn lợi nhuận khiến doanh nghiệp dệt may đang đuối sức. Nhưng ngược lại, nếu không tăng lương thì người lao động bỏ việc, không đảm bảo sản xuất. Bài toán lương tăng đang làm đau đầu các doanh nghiệp dệt may. 

Công nhân ngành may luôn biến động

Là công nhân của công ty May 10, chị Nguyễn Thị Vỹ (26 tuổi) cho biết: “Lương tháng của tôi chỉ vừa đủ trang trải cho tiền thuê nhà, tiền ăn uống và chi tiêu cá nhân. Nếu không tăng lương, đời sống công nhân rất khổ, chưa kể những người đã có gia đình, còn phải nuôi con. Giá cả sinh hoạt cái gì cũng tăng cao. Gia đình khuyên tôi về quê làm công nhân điện tử cho gần, lương cao hơn một chút, nhưng tôi đang cân nhắc”. Với nguồn thu nhập duy nhất từ đồng lương, những công nhân như chị Vỹ đương nhiên chờ đợi được tăng lương.

Theo ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, doanh nghiệp dệt may cần nhất là lao động, nhưng vấn đề này cũng đang bị cạnh tranh khốc liệt. “Khi SamSung vào Việt Nam, cạnh tranh lao động rất căng thẳng. Họ chỉ cần lao động biết đọc, biết viết. Trước họ tuyển công nhân dưới 30 tuổi, giờ họ tuyển từ độ tuổi 35-40 tuổi, doanh nghiệp Việt Nam như kiến cạnh tranh với voi. Lương họ trả 7-10 triệu/người/tháng, còn chúng tôi tính toán từng đồng. Nếu trả lương công nhân cao quá thì giá thành sản phẩm không cạnh tranh được”- đại diện TNG than thở.

Thực tế cho thấy đang có sự cạnh tranh thu hút lao động gay gắt giữa doanh nghiệp ngành dệt may và doanh nghiệp điện tử, mà yếu tố đầu tiên để người lao động cân nhắc lựa chọn là tiền lương. Có thể kể đến trường hợp của Công ty CP May Bắc Giang, dù đã mở thêm nhà máy tại huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) nhưng số lượng công nhân tuyển được vào làm tại đây chưa đủ 1/3 quy mô nhà máy. Trong khi đó, lao động trong độ tuổi lại bị thu hút bởi mức lương hấp dẫn hơn từ Tập đoàn Hồng Hải và các nhà máy điện tử của nhà đầu tư nước ngoài khác trong tỉnh.

Tăng lương đang là bài toán hóc búa đối với đại bộ phận doanh nghiệp, không riêng gì ngành dệt may. Tuy nhiên, với đặc thù là ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động, lương tăng sẽ tạo nên áp lực lớn đối với doanh nghiệp trong ngành và để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với người lao động không phải điều đơn giản.