Ngân sách eo hẹp chưa thể tăng lương

ANTĐ - Đó là một trong những thông tin được người dân chú ý nhất tại phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012; phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2013, diễn ra hôm qua, 16-10.

Lương cơ bản của công nhân, viên chức khó đảm bảo cuộc sống

Theo lộ trình cải cách tiền lương, từ 1-5-2013, lương tối thiểu sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng/tháng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng. Để đáp ứng nhu cầu tăng lương theo đúng lộ trình thì nguồn ngân sách cần chi trong năm 2013 khoảng 60-65 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, theo giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, tình hình thu ngân sách năm 2012 rất khó khăn và dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2013. Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách Nhà nước, Chính phủ đề xuất không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình vào năm 2013.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, có nhiều ý kiến khác nhau về đề xuất của Chính phủ. Luồng ý kiến đồng tình với Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh cân đối ngân sách gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách tăng thấp, nhiều nhiệm vụ chi chỉ được bố trí ở mức tối thiểu so với nhu cầu hoặc không đủ nguồn cân đối thì việc chưa bố trí ngân sách 2013 để cải cách tiền lương là vấn đề cần được tính tới. Ở phía ngược lại, từ yêu cầu bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức và người lao động hưởng lương, một số ý kiến đề nghị, từ 1-5-2013, cần thực hiện một phần lộ trình tăng mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu lên 1,15 triệu đồng và phụ cấp công vụ từ 25% lên 30%.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, các báo cáo của Chính phủ chưa quan tâm đúng mức đến việc đánh giá đời sống của người dân trong năm 2012 cũng như năm 2013. Bà hỏi: “Tình hình kinh tế xã hội khó khăn đã tác động đến chất lượng sống của người dân thế nào?”, Chính phủ cần công bố rõ ràng về chính sách tiền lương “để người dân chia sẻ, cùng vượt qua khó khăn”. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, không nên quy định cứng là “không tăng” mà nên linh hoạt xem xét khi có điều kiện phù hợp. 

Một số ý kiến khác cho rằng, phải lựa chọn những khâu then chốt để “kích hoạt thị trường”. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: “Khâu trọng yếu cần kích hoạt hiện nay chính là thị trường bất động sản và đầu tư xây dựng cơ bản. Tăng lương cũng là kích hoạt thị trường, lại rất đúng hướng, đúng lộ trình”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lên tiếng: “Những công trình dang dở cần phải làm tiếp cho xong, nếu cứ để đó thì không phải chỉ lãng phí mà còn thất thoát. Cần thì xem xét phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình, không nên thắt chặt đồng loạt”. Phó Chủ tịch Quốc hội gợi ý là phải tiết kiệm hơn nữa chi phí hội nghị, lễ hội, kỷ niệm, mít tinh, công tác nước ngoài bằng tiền ngân sách...

Về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, trong số 15 chỉ tiêu của năm 2012 đã được Quốc hội phê duyệt, có 10 chỉ tiêu có nhiều khả năng đạt và vượt. Tuy nhiên, có 5 chỉ tiêu dự kiến sẽ không đạt, gồm tăng trưởng GDP, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ che phủ rừng. 

Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2012 dự kiến chỉ đạt 5,2% so với chỉ tiêu được thông qua là 6-6,5%. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lý giải thêm: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù không đạt kế hoạch đề ra, nhưng có xu hướng cải thiện, quý sau tăng cao hơn quý trước”. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ giảm 1% so với năm 2011 (so với kế hoạch là giảm 2%), nhưng theo Bộ trưởng, vẫn thể hiện nỗ lực lớn của các cấp ngành, địa phương trong bối cảnh kinh tế khó khăn...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình thêm: “Xu thế những tháng cuối năm là tích cực. Trừ một số mặt hàng cá biệt, phần lớn các mặt hàng sản phẩm của công nghiệp chế biến đều tồn kho tương đương hoặc bằng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, nằm trong khoảng an toàn của tồn kho kế hoạch”. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cảnh báo, khi thực hiện các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng trong quý IV để đạt được mức tăng GDP cả năm khoảng 5-5,2%, cần tính toán, cân nhắc ngăn ngừa lạm phát tăng cao trong năm 2013.

“Không tăng lương, dân lấy gì đi chợ”?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, mấu chốt là phải đẩy sản xuất, tiêu dùng lên mới giải quyết được tình trạng tồn kho và giảm nợ xấu. Ngược lại, phải tăng tín dụng thì mới tăng trưởng hợp lý được. Đồng thời, phải tăng tốc giải ngân ngay từ những tháng đầu năm, để vừa cải thiện được cả tốc độ tăng trưởng, lại giải quyết được việc làm. Cũng không nên chia đều vốn mà nên tập trung giải quyết dứt điểm những công trình có khả năng hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay. Năm 2013, Chính phủ đề xuất không tăng lương, cũng không hứa hẹn thời điểm cụ thể. Việc này phải rà soát lại, xem xét có thể cắt tiếp các khoản khác đi để tăng lương hay không? Không tăng lương, dân lấy gì đi chợ, làm sao “đẩy” được tiêu dùng?