Ngăn ngừa lãng phí trong đầu tư công

ANTĐ - Chiều 18-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư công và dự án Luật Phá sản (sửa đổi). Theo đó, các ĐBQH đề nghị, cần lấp khoảng trống trong quản lý đầu tư công, ngăn chặn bằng được lãng phí, thất thoát. 

Những khoảng trống trong đầu tư công sẽ được “siết” lại
(Trong ảnh: Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bị lún, nứt ngay sau khi đưa vào sử dụng)

Đầu tư công vẫn... lôm côm

Nhất trí ban hành Luật Đầu tư công, song ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần một dự luật khác để kiểm soát khoản tiền đầu tư vào các doanh nghiệp Nhà nước. Nếu chỉ có Luật đầu tư công là chưa đủ, chưa bao quát hết việc sử dụng tiền thuế của dân. ĐB Trần Du Lịch nói thẳng: “Vì sao đầu tư công vẫn lôm côm, lãng phí? Đơn giản thôi, tôi xin nói thẳng là cơ quan dân cử không thể kiểm soát được đầu tư. Quốc hội quyết bội chi ngân sách mấy trăm nghìn tỉ đồng, HĐND cũng phải chịu trách nhiệm về phân chia và phê duyệt ngân sách,  nhưng thực tế không nắm rõ dòng tiền đã được sử dụng như thế nào, quyết định đầu tư đã thật sự hợp lý và tiết kiệm hay chưa...”. Ông Trần Du Lịch kiến nghị, xây dựng luật phải “cột” được trách nhiệm.

Đồng quan điểm dự luật phải điều chỉnh tất cả các nguồn vốn Nhà nước, ĐB Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) đánh giá, đầu tư công vừa qua rất lãng phí, tiền đóng thuế của nhân dân, tiền từ tài nguyên đất nước. ĐB Võ Thị Dung nói: “Đầu tư công phải nêu rõ có hiệu quả, đúng mục đích, tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng. Dự luật cần bổ sung chế tài nghiêm minh đối với hành vi gây lãng phí...”. Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng, phải “siết” được việc hình thành chủ trương, ra quyết định đầu tư. Đây là khâu mà từ trước đến nay đang bị “bỏ trống”. Tuy nhiên, để tạo ra môi trường triển khai thi hành Luật Đầu tư công một cách thuận lợi, hiệu quả thì cần có thêm nhiều công cụ pháp lý khác.

Dự luật phá sản quá chặt

Góp ý cho dự án Luật Phá sản (sửa đổi), ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nhận xét, dự Luật đã mở ra hành lang pháp lý, cơ hội cho những doanh nghiệp có khả năng hồi sinh sau khi phá sản. Tuy nhiên, còn khá nhiều đối tượng kinh doanh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật như tổ hợp tác, hộ gia đình, xí nghiệp, cá nhân kinh doanh, các cơ sở giáo dục hoạt động như doanh nghiệp... ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường nói: “Nếu họ cũng không thanh toán được công nợ thì xử lý thế nào?”.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) chia sẻ: “Các chủ thể kinh doanh như hộ cá nhân, hộ gia đình cũng có quy mô vốn lớn, phát sinh công nợ quy mô lớn. Giao dịch của các chủ sạp ở chợ có khi lên tới hàng tỷ đồng. Quy định nào để điều chỉnh các đối tượng này?”.

Trong khi đó, một số quy định khác của Luật Phá sản (sửa đổi) được một số ĐBQH coi là quá chặt, có thể xung đột với luật chuyên ngành khác. Đơn cử, căn cứ cho quy định “nợ 200 triệu đồng trở lên trong 3 tháng không trả được” là điều kiện khởi kiện phá sản cũng chưa thuyết phục. Thêm vào đó, với người đại diện pháp lý của doanh nghiệp, nếu mới thấy có dấu hiệu phá sản (chưa chứng minh được) đã cấm đi khỏi nơi cư trú thì có vi phạm quyền tự do của công dân  không? 

Nhiều ĐBQH còn lưu tâm đến các quy định về quản tài viên, một chế định mới đưa ra tại dự luật. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Quản tài viên phải là một chế định rất chặt chẽ, phải là một tổ chức pháp nhân”. ĐB Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị, cần có tiêu chí để cấp chứng chỉ hành nghề này vì việc xử lý một vụ phá sản đòi hỏi có trình độ chuyên sâu liên quan đến lĩnh tài chính, tài sản... và phải có kinh nghiệm ít nhất 5 năm. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường phân tích: “Quản tài viên là luật sư, có thể giỏi về pháp luật; nhưng chưa chắc giỏi quản trị doanh nghiệp. Nếu giao cho họ quản lý doanh nghiệp, quyết định bán tài sản... như vậy có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp”.