Ngăn ngừa Ebola, Mỹ cách ly quân đội, Australia “cấm cửa” các nước nằm ở tâm dịch

ANTĐ - Quân đội Mỹ đã bắt đầu cách ly những binh sĩ trở về sau nhiệm vụ ứng phó với dịch bệnh Ebola ở Tây Phi. Trong khi đó, Australia trở thành quốc gia giàu đầu tiên áp đặt lệnh cấm thị thực từ các nước nằm ở tâm dịch Ebola.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power thăm Trung tâm ứng cứu khẩn cấp khu vực phía Tây ở Freetown, Sierra Leone


Quân đội Mỹ đã bắt đầu cách ly những binh sĩ trở về sau nhiệm vụ ứng phó với dịch bệnh Ebola ở Tây Phi. Trong khi đó, Australia trở thành quốc gia giàu đầu tiên áp đặt lệnh cấm thị thực từ các nước nằm ở tâm dịch Ebola.

Quyết định này được đưa ra cho thấy mức độ thận trọng hơn so với những quy định quân sự trước đây, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn giảm bớt những ca cách ly chỉ vì mục đích phòng ngừa, được thực hiện đối với các nhân viên y tế trở về từ các nước dịch bệnh Ebola đang hoành hành.

Các quan chức Mỹ hôm 27-10 cho biết, lính Mỹ trở về từ các nước chịu ảnh hưởng dịch bệnh Ebola ở Tây Phi đang được cách ly, dù họ không có triệu chứng nhiễm bệnh và không được tin tiếp xúc với virus chết người này.

Trong một tuyên bố, quân đội Mỹ cho biết, tham mưu trưởng, tướng Raymond Odierno đã ra lệnh theo dõi 21 ngày đối với những binh sĩ trở về, để “đảm bảo những người lính, các thành viên gia đình và cộng đồng xung quanh tin rằng chúng ta đang thực hiện những bước cần thiết để bảo vệ sức khỏe của họ”.

Quân đội Mỹ đã cách ly hàng chục binh sĩ đang trên đường trở về vào cuối tuần qua, tại căn cứ Vicenza, Ý. Trong số này có cả thiếu tướng Darryl Williams, tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Phi, người giám sát những đợt ứng phó đầu tiên của quân đội Mỹ với dịch Ebola tại Tây Phi.

“Chúng tôi sống tại một khu vực riêng biệt (trong căn cứ). Không hề tiếp xúc với người dân hay gia đình. Không có ai đi bộ quanh khu vực Vicenza” ông Williams trả lời phỏng vấn qua điện thoại.

Quân đội Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, các binh sĩ không tiếp xúc với các bệnh nhân Ebola, thay vào đó, họ xây dựng các cơ sở điều trị để giúp cơ quan y tế đối phó với dịch bệnh. Hiện có khoảng hơn 4.000 binh sĩ Mỹ được triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Một diễn biến khác liên quan, Australia hôm 27-10 đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với bất kỳ ai đến từ các nước Sierra Leone, Guinea và Liberia nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đến nước này. Trong khi, chính phủ Australia xem đây là biện pháp phòng ngừa an toàn cần thiết, thì các chuyên gia nước này lại xem đây là biện pháp mang động cơ chính trị và thiển cận.

Australia chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Ebola và cho đến nay, Thủ tướng Tony Abbott vẫn nhiều lần từ chối yêu cầu gửi nhân viên y tế để giúp ứng phó với tình hình bùng phát của dịch bệnh.

Kể từ tháng 3, dịch bệnh Ebola đã cướp đi sinh mạng của gần 5.000 người, chủ yếu tại các nước Tây Phi.