Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp "khát" vốn

ANTĐ - Hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) đang gặp khó khăn trong tăng trưởng tín dụng mặc dù Ngân hàng nhà nước (NHNN) vẫn đang hối thúc các NHTM  tăng cho vay để đạt mục tiêu chung 12% cho cả năm 2013. 

Ngày 18-7 NHNN đã ban hành Chỉ thị 03/NHNN yêu cầu các NHTM có giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 12%. Tuy nhiên cho đến hết tháng 6 tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 4,65%, trong khi tăng trưởng huy động lên đến 11%. Vấn đề hiện nay là cần phải xem xét những cản trở dòng vốn đến doanh nghiệp (DN) để khai thông dòng chảy tài chính phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng sợ doanh nghiệp?

Có thể nói rất lâu rồi, hệ thống NHTM của chúng ta mới có tình trạng thanh khoản dồi dào như hiện nay. Hầu hết các NHTM đều đang thừa tiền, thậm chí là thừa nhiều tiền muốn đẩy mạnh cho vay. Bộ phận tín dụng của các NHTM bám sát các DN hoạt động sản xuất kinh doanh tốt để mời chào vốn với nhiều ưu đãi. Thế nhưng lại có tình trạng nhiều DN xếp hàng chờ duyệt vay mỏi gối cũng không được ngân hàng chú ý. Việc chạy đua tăng trưởng tín dụng để về đích 12% vào cuối năm khiến các NHTM chịu áp lực nặng nề. Tình trạng chung là mặc dù số hồ sơ xin vay nhiều, nhưng số hồ sơ được giải ngân lại khá thấp do khách hàng chưa đáp ứng được các tiêu chí xếp hạng tín nhiệm như thu nhập, khả năng trả nợ. 

Lý do của tình trạng này được các NHTM đưa ra rất hợp lý. Các DN còn nợ xấu đối với ngân hàng, nghĩa là còn những khoản nợ chưa trả được, ngân hàng không dám cho vay. Tiếp nữa, các dự án có độ rủi ro cao, hoặc sản phẩm của dự án chưa được thị trường chấp nhận hoặc đang có lượng tồn kho lớn, ngân hàng cũng không dám cho vay. Nợ xấu tại các NHTM hiện đã rất cao và còn cao nữa, các khoản cho vay có độ rủi ro cao, dễ biến thành nợ xấu, ngân hàng sẽ từ chối. Chính vì phải đề phòng nợ xấu, các NHTM đòi hỏi thủ tục phải chắc chắn, đặc biệt đối với tài sản thế chấp. Đã qua lâu lắm rồi cái thời có thể dùng tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp cho khoản vay. 

Về lãi suất, các DN đòi hỏi giá vốn thấp, lãi suất từ 6-8%, trong khi đó NHTM hiện nay đang chào mời với mức 11-14%. Hai bên khó gặp nhau. Phía NHTM đã phân tích chi tiết. Lãi suất gửi tiền ngắn hạn bây giờ là 5%, nhưng với thời hạn trên 6 tháng thì lãi suất phải  thỏa thuận. Phổ biến hiện nay với thời hạn trên 1 năm, lãi suất huy động từ 8-9%. Tính trung bình lãi suất huy động là 7%. Với các khoản dự trữ bắt buộc tại NHNN, các khoản dự trữ phục vụ nhu cầu tiền mặt…chi phí cũng mất 1%. Các khoản chi cho các hoạt động quản lý, thẩm định cho vay, thu nợ, khấu hao tài sản…cùng với khoản trích lập dự phòng rủi ro từ 0,65% đến 50% để dự phòng nợ xấu…cũng phải chiếm 2%. Như vậy hết 10%. Ngân hàng cũng phải có lợi nhuận ít nhất cũng phải 1%,. Tổng cộng chi là 11%. Chính vì vậy NHTM chỉ có thể chào vốn trên 11%. Doanh nghiệp thắc mắc, ngân hàng cũng đành chịu, không thể cho vay lãi suất thấp hơn được, trừ khi ngân sách nhà nước bù lãi suất. 

Tại sao doanh nghiệp sợ ngân hàng?

 Theo tham khảo từ nhiều DN, hầu hết các ngân hàng không mặn mà với mục tiêu sản xuất kinh doanh của DN mà chỉ quan tâm đến an toàn của mình, quan tâm đến phần lợi ngắn hạn của mình. Một DN đầu tư đa ngành, hiện đã đầu tư nhà xưởng sản xuất một mặt hàng dễ tiêu thụ trên thị trường, nhưng không thể vay được vốn lưu động để mua nguyên liệu. Nguyên nhân vì trong các dự án đầu tư của DN có một dự án bất động sản, do thị trường đóng băng, khoản vay cho dự án này quá hạn chưa trả được. Vậy là cơ hội kinh doanh mất đi đã đành mà nhà xưởng không sản xuất hư hao dần, vốn vay xây dựng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất cũng vẫn phải trả lãi. Doanh nghiệp đứng trước khả năng phá sản. Vấn đề rất khó của các DN hiện nay là tài sản thế chấp. Hầu hết nhà xưởng, đất đai đều đã thế chấp cho những khoản vay từ trước, hiện nay các DN gần như không có tài sản thế chấp. Nếu có tài sản thế chấp thì cũng không vay được bao nhiêu.

Khâu thẩm định của ngân hàng thường chỉ đánh giá tài sản thế chấp khoảng 60% giá thị thị trường của nó. Và với đánh giá đó, ngân hàng chỉ cho vay khoảng 60%, nghĩa là chỉ cho vay trên 30% giá trị tài sản thế chấp. Đã thiếu tài sản thế chấp, lại bị đánh giá thấp, doanh nghiệp càng không thể trông cậy vào vốn ngân hàng.

Với những DN ăn ra làm nên, hàng hóa đang được thị trường tiêu thụ tốt thì lãi suất lại đang là vấn đề gay go. Theo một  chuyên gia kinh tế  đánh giá. Nếu muốn trả lãi suất vốn 10%/năm, DN phải làm ra lợi nhuận trên vốn là 30%. Đó là con số viễn tưởng. Rất ít ngành sản xuất kinh doanh nào đạt được lợi nhuận như vậy. Vậy nếu DN cứ vay là mua lỗ vào mình. Đó là lý do nhiều DN được ngân hàng chào mời rất nhiều nhưng họ vẫn không dám vay. Theo NHNN đến cuối tháng 7/2013 có 64% các khoản vay ở dưới mức 13%/năm trong đó từ 10-13% cũng xấp xỉ 50%, mức lãi suất dưới 10% hiện chiếm 14% trên tổng dư nợ, Còn lãi suất trên 15% hiện chiếm 12%. Hiện vẫn còn nhiều khoản vay cũ có lãi suất tới 15-18% đang hành hạ các DN.

Thêm một lý do nữa là thời hạn vay. Theo quy định của NHNN, hiện nay, các NHTM chỉ có thể cho vay trung dài hạn tối đa khoảng gần 30% tổng dư nợ. Mỗi NHTM có vài ông chủ là các DN lớn, tỷ lệ này dành cho các DN sân sau còn thiếu, nói gì đến doanh nghiệp ngoài. Cũng theo các chuyên gia, vòng quay vốn của sản xuất kinh doanh hiện nay trung bình khoảng 0,8 năm, nhưng hầu hết các khoản vay của các NHTM lại chỉ có thời hạn dưới 0,5 năm, nghĩa là dưới 6 tháng. Vậy là vốn đang sử dụng dở dang, DN lại phải lo tiền đáo nợ mới được vay tiếp. Vốn đáo nợ chủ yếu trông vào tín dụng đen, lãi suất cao. Lại chết doanh nghiệp.

Với tất cả những sự cản trở đó, DN sợ ngân hàng cũng có cái lý của nó. Vậy để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013, cả hệ thống cần phải làm gì?

Cần sớm khôi phục lòng tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp

 Trong một cuộc trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa có đưa ra hình ảnh, trời mưa to, ngân hàng cầm ô đứng giữa đường, các DN đứng trú mưa ở hàng hiên. Ngân hàng không dám mời DN đi chung ô với mình, các DN càng không dám đến chỗ có ô. Hai bên cứ đứng mà thậm chí không nhìn thấy nhau trong khi thiên hạ đang dập dìu cùng nhau đi kiếm ăn trên con đường thị trường rất nhiều lợi nhuận. 

Sáng ngày 1/8, Công ty Dịch vụ Thông tin Tài chính WVB Việt Nam công bố kết quả cuộc khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh quý II/2013. Cuộc khảo sát này được tiến hành trong tháng 7, với 139 doanh nghiệp thuộc 11 lĩnh vực ngành nghề chủ chốt của Việt Nam, trong đó có hơn 78% đại diện cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2013 đạt 118 điểm, tăng 4 điểm so với quý I và tăng 35 điểm so với Quý IV/2012. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã lạc quan hơn vào sự tăng trưởng kinh tế năm 2013. Chỉ số  này cũng cho thấy một sự cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, và nhu cầu vốn những tháng cuối năm 2013 sẽ tăng đáng kể. Vấn đề là làm sao để DN và ngân hàng tin tưởng nhau, tìm đến nhau.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc trước mắt cần sớm giải quyết khối ung thư nợ xấu. Việc giải quyết nợ xấu sẽ cởi bỏ gánh nặng cho cả DN và ngân hàng. Ngân hàng sẽ mạnh dạn hơn trong đẩy nhanh tín dụng cho DN, DN cũng được khoanh nợ để yên tâm làm ăn trả nợ. Thứ hai, cần sớm hạ lãi suất cho vay. Muốn hạ lãi suất cho vay cần phải khống chế được lạm phát, cơ sở của lãi suất huy động. Thời gian vừa qua, với việc tăng giá xăng ồ ạt và tăng giá điện mới đây, có vẻ những giải pháp về giá đã không ủng hộ xu hướng này. Có lẽ cũng nên có sự điều chỉnh dãn các đợt tăng giá năng lượng vì nó làm giảm tác dụng của các chính sách hỗ trợ DN mà Chính phủ đã ban hành. Giảm sở hữu chéo, loại bỏ DN sân sau của ngân hàng, tăng tín dụng trung dài hạn. Đó chính là những điều kiện cần và đủ để tăng trưởng tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.