Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

Ngân hàng “thủ thế”, doanh nghiệp lao đao

ANTĐ - Hôm qua, 24-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2012.

Đại biểu Hà Nội, ông Nguyễn Minh Quang

Cần những giải pháp mạnh hơn

Bàn sâu về tình hình kinh tế, nhiều ĐBQH là doanh nhân đã lên tiếng kể về thời kỳ lao đao của các doanh nghiệp (DN). ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội), Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư phát triển Hà Nội phàn nàn: “Kiềm chế lạm phát kéo theo nhiều hệ lụy. DN phá sản tăng cao, lượng hàng tồn kho tăng nhanh từng tháng nên DN mong từng giờ, từng phút Chính phủ có giải pháp hỗ trợ...”.

Đánh giá báo cáo của Chính phủ “vẫn nhiều màu hồng”, ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội), Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị nói: “Tôi giật mình khi biết rằng mình sắp nguy tới nơi...”. Ông kể tiếp: “Thời gian qua, các DN vừa và nhỏ phải tiếp cận nguồn vốn với lãi suất 24%, phải “đi đêm” mới vay được tiền, thì chúng tôi hiểu mình đã “chết” đến nơi rồi. Không vay được tiền cũng “chết” nhưng vay được với kiểu như trên cũng như uống một liều thuốc độc, càng chết nhanh hơn... Chính phủ cần có những giải pháp mạnh hơn để cứu các DN đang hấp hối”. Một số ý kiến khác cũng đồng ý rằng, lãi suất tuy công bố giảm nhưng vẫn còn cao và DN rất khó vay ngân hàng.

Chia sẻ với các DN, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) lại bức xúc với ngân hàng: “Nền kinh tế như thế này mà cho ra đời hàng trăm tổ chức tín dụng là bất bình thường. Trong khi DN đứng bên bờ phá sản thì các ngân hàng vẫn lãi cao, lương cao, sống khỏe và nhởn nhơ như không. đề nghị xem xét có lợi ích nhóm trong chuyện này không”. ĐB Nguyễn Đình Quyền cũng đánh giá phản ứng của các cơ quan quản lý rất chậm: “Giờ mới xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng, đến khi nào mới xem xét, giải quyết được...”.

Tránh những cú sốc mới

Xét trên bình diện vĩ mô, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) tỏ ra lo lắng khi lạm phát liên tục được kéo xuống và sức mua giảm quá mạnh. Ông nêu vấn đề: “Phải chăng thắt chặt đầu tư công và thắt chặt tiền tệ khiến nền kinh tế thiếu “máu”, sức mua giảm quá mạnh. Ngân hàng “thủ thế” quá kỹ càng đẩy DN vào tình trạng khó khăn. Điều đó cho thấy các giải pháp hiện nay chưa căn cơ”. ĐB Trần Du Lịch cho rằng, tình hình hiện nay, Chính phủ hoàn toàn có điều kiện để nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm giải bài toán tăng trưởng. Bởi nếu GDP giảm sút, số thất nghiệp sẽ tăng mạnh và từ nay đến cuối năm, chắc chắn khó đạt mục tiêu tăng GDP      6-6,5%.

Về các giải pháp điều hành của Chính phủ từ nay đến cuối năm, các ĐBQH bày tỏ sự tán thành. ĐB Trần Du Lịch nói, ông hoàn toàn ủng hộ Chính phủ đề xuất miễn giảm thuế dù giải pháp này là lựa chọn khó khăn của Quốc hội. Ông phân tích: “Miễn giảm thuế có thể làm giảm thu 2012, nhiều công trình phải chậm lại. Nhưng nếu không gỡ khó cho DN thì năm 2013 nguồn thu sẽ gặp nhiều khó khăn. Hàng triệu DN, hộ kinh doanh cá thể đang trông chờ vào quyết định của Quốc hội. Phải tồn tại thì mới tái cấu trúc nền kinh tế được”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cũng cho rằng, Chính phủ cần nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế. Cùng với đó, phải đồng bộ 3 giải pháp: hỗ trợ DN, kích thích sức mua và giảm giá một số nguồn lực mà Chính phủ có thể kiểm soát. Ông nói: “Nền kinh tế đang hết sức khó khăn, các DN co cụm, nên nếu không triển khai các giải pháp thì cũng không thể thu thuế được”. Tán thành tạo điều kiện cứu DN, song ĐB Nguyễn Đình Quyền cũng cảnh báo: “Nếu không thận trọng, không có bước đi, quản lý chặt chẽ, sẽ phản tác dụng. Trong gói cứu trợ DN, nếu không minh bạch sẽ sinh ra cơ chế xin - cho, chạy, lách luật... Khi đó, sẽ tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng, anh chết cứ chết, anh khỏe lại khỏe thêm. Như thế, khác nào thêm cú sốc mới, đặc biệt cho DN vừa và nhỏ...”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ĐBQH tỉnh Quảng Nam) nhìn nhận, tình hình đất nước đang rất khó khăn, đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh lập trường của Chính phủ: “Chính phủ thể hiện quyết tâm trên cơ sở tính toán khoa học và các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để giữ lời hứa với Quốc hội, không đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội...”. Phó Thủ tướng cũng “đặt hàng” các vị ĐBQH đóng góp ý kiến, hiến kế giúp Chính phủ những giải pháp mới trong điều hành. Ông nói: “Chính phủ không chủ quan. Bởi nếu cầm cương lỏng, không khéo léo, lạm phát rất có thể sẽ quay trở lại, ảnh hưởng lớn tới mục tiêu phát triển bền vững...”.

“Các DN vừa và nhỏ phải tiếp cận nguồn vốn với lãi suất 24%, phải “đi đêm” mới vay được tiền, thì chúng tôi hiểu mình đã “chết” đến nơi rồi”.

Ông Nguyễn Minh Quang - (Đại biểu Quốc hội Hà Nội)
Đề án tái cơ cấu nền kinh tế sơ sài

Chiều 24-5, Quốc hội đã thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiều ý kiến ĐBQH chê đề án “chuẩn bị sơ sài”, “đưa ra những căn cứ chưa phù hợp”, “không đủ cơ sở dữ liệu” hay “mới đề cập xử lý được phần ngọn”, còn một số điểm chỉ có tính “hô khẩu hiệu, khó thực hiện”... Một số ĐBQH yêu cầu, đề án phải đánh giá được những tác động về mặt xã hội, con người, tính toán ra bao nhiêu DN sẽ phá sản khi thực hiện, bao nhiêu luật phải chỉnh sửa, làm rõ các bước đi trong quá trình thực hiện như thế nào... Nói cách khác, đề án phải mang tính định lượng và đánh giá rõ những điều được, mất khi thực hiện. Thậm chí, có ĐBQH thẳng thắn đề nghị, do đề án chuẩn bị chưa đạt yêu cầu, các bộ cần làm lại để trình Quốc hội tại kỳ họp sau. 

Cuối ngày, Quốc hội họp kín về bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến (Long An).