Ngân hàng than “khó chồng khó” khi cơ cấu nợ, hỗ trợ cho khách hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiệp hội Ngân hàng nhận định các tổ chức tín dụng cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, do đó cũng rất cần được chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành để các có thêm điều kiện, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có công văn gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội về việc “tham gia ý kiến đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội”.

Trong đó, Hiệp hội Ngân hàng nhận định các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, do đó cũng rất cần được chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành để các có thêm điều kiện, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Cụ thể, VNBA cho biết, thời gian qua, ngoài việc cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, các TCTD đã chủ động chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp bằng việc miễn giảm phí, lãi đến nay là lần thứ tư, mức giảm cao nhất đến 3%/năm.

Đến ngày 26/7/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 198.638 khách hàng với dư nợ 309.147 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 787.479 khách hàng với dư nợ 1.395.135 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt hơn 4 triệu tỷ đồng cho 525.401 khách hàng; giảm phí cho khách hàng khoảng 1.100 tỷ đồng.

Áp lực nợ xấu và trích lập dự phòng của các ngân hàng trong tương lai là rất lớn

Áp lực nợ xấu và trích lập dự phòng của các ngân hàng trong tương lai là rất lớn

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 diễn biến rất phức tạp dẫn đến nhiều doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng. Mặc dù NHNN đã sửa đổi đến 3 lần Thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song theo VNBA, điều này chỉ giải quyết khó khăn trong ngắn hạn.

Trong khi, áp lực trả nợ của các DN rất lớn do khả năng phục hồi sau khi kiểm soát được dịch bệnh sẽ rất chậm, khó có khả năng trả nợ đúng hạn theo Thông tư 14, nhất là các khoản dư nợ trung dài hạn. Điều này dẫn đến nợ xấu tại các TCTD sẽ tăng vào cuối năm hoặc sau ngày 30/6/2022.

Mặt khác sau khi khống chế, kiểm soát được dịch bệnh các DN cần vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh song nguồn lực của các TCTD có hạn, thậm chí cạn kiệt dẫn đến khả năng tiếp cận vốn ngân hàng sẽ hết sức khó khăn.

Bản chất các khoản nợ được cơ cấu nợ, miễn giảm lãi đã là nợ tiềm ẩn rủi ro (nhưng vẫn được giữ nguyên nhóm nợ), do đó các ngân hàng sẽ rất thận trọng khi xem xét cho vay mới.

Đồng thời, cả thời gian dài các DN sản xuất cầm chừng, thậm chí dừng sản xuất, dẫn đến nguồn lực cạn kiệt, khó đáp ứng được điều kiện các TCTD đưa ra để vay vốn.

Cùng với đó, các TCTD vẫn phải tuân thủ theo quy định hiện hành (không có đặc thù) về các điều kiện khi cho khách hàng chịu ảnh hưởng Covid-19 vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh, dẫn đến nhiều DN sẽ không đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng, nhất là DN nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp…

Hiệp hội Ngân hàng cũng cho biết, áp lực trích dự phòng rủi ro của các TCTD đối với các khoản nợ cơ cấu cho khách hàng chịu ảnh hưởng Covid-19 rất lớn. Cụ thể, ngay trong năm 2021 trích tối thiểu 30% và phải trích hết 100% vào cuối năm 2023. Điều này dẫn đến nhiều TCTD giảm lợi nhuận đáng kể…

Với những lý do trên, VNBA cho rằng, các TCTD cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 song vẫn chia sẻ, hỗ trợ các khách hàng. Vì vậy các TCTD cũng rất cần được chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành để có thêm điều kiện, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Do đó, Hiệp hội Ngân hàng đã có nhiều kiến nghị đến Chính phủ như: Xem xét kiến nghị Quốc hội cho phép ban hành Luật xử lý nợ xấu của các TCTD làm cơ sở đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu;

Chỉ đạo các Bộ ngành đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng theo hướng tăng tính tự chủ cho các TCTD; sửa Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Phòng chống rửa tiền nhằm tạo cơ chế pháp lý thống nhất, đồng bộ, giúp các TCTD cho vay an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng…

Xem xét ban hành Nghị định về khoanh nợ đối với số dư nợ được cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tương tự như Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định116/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 55). Có như vậy mới hỗ trợ được DN tiếp cận vốn ngân hàng sau khi kiểm soát được dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Hiệp hội Ngân hàng cũng có nhiều kiến nghị đến các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các TCTD hơn nữa.