Ngân hàng số tại Việt Nam: Hành lang pháp lý chưa theo kịp

ANTD.VN - Tại Việt Nam, ngân hàng số là một khái niệm còn khá mới mẻ và các ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai, cũng như hành lang pháp lý vẫn chưa theo kịp.

Đây là nhận định chung của các chuyên gia được đưa ra tại Hội thảo “Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng nay 19-12.

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, hiện có hơn 80.000 doanh nghiệp tại Việt Nam bán hàng cho Amazon và Alibaba. Thanh toán xuyên biên giới đang hiện hữu và đây sẽ là sự cạnh tranh rất lớn cho các công ty dịch vụ thanh toán trong nước.

Còn theo thống kê của WorldBank, năm 2015 tại Việt Nam tỷ lệ số đăng ký sử dụng internet trên 100 dân là 48,3%, tỷ lệ số điện thoại trên 100 dân là 147%. Đánh giá của Tổ chức giám sát doanh nghiệp quốc tế BMI 2015 cho thấy Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng internet khá cao (9/%/năm), xếp hạng 15 trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam có 52% dân số dùng internet, tỷ lệ khách hàng của các hệ thống NHTM tại Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng số như mobile banking, internet banking chiếm khoảng 44%.

Như vậy, có thể thấy Việt Nam có tiềm năng to lớn phát triển ngân hàng số. Tuy nhiên, ngân hàng số là loại hình có nhiều điểm khác biệt, rất mới so với mô hình ngân hàng truyền thống từ phương thức thiết kế sản phẩm, chính sách, quy trình sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng...

Ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, khi Vietcombank phát triển ngân hàng số (Vietcombank Digital Lab) thì cái khó thứ nhất là Việt Nam chưa có một mô hình nào để tham khảo, ngân hàng chỉ thông qua tư vấn, mà tư vấn mỗi nơi nói một khác.

Thứ hai là trang thiết bị, công nghệ chưa theo kịp. “Yêu cầu của chúng tôi đặt ra là làm sao có thể nhận diện được khuôn mặt (face ID) một cách chính xác, nhưng không hãng công ghệ nào cam kết được. Rồi thì hệ thống trợ lý, tương tác với nhân viên ngân hàng từ xa không đáp ứng yêu cầu Vietcombank...” – ông Phạm Anh Tuấn cho biết.

Cuối cùng là thói quen của khách hàng. “Khách hàng ai cũng muốn đến ngân hàng gặp giao dịch viên để được tư vấn hơn là đối diện với một cái máy…”.

Các chuyên gia cho rằng hành lang pháp lý hiện tại vẫn chưa đủ so với những đòi hỏi của ngân hàng số

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay việc số hóa ngân hàng mới tập trung vào các khâu chuyển tiền, thanh toán… Nếu số lượng, chất lượng các dịch vụ không được bổ sung, nâng lên thì sẽ rất khó thay đổi.

Còn theo ông Nguyễn Hưng – TGĐ Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cho rằng: “Chúng tôi không kỳ vọng kiếm được lợi nhuận được từ chính các dịch vụ của ngân hàng số, nhưng chính các dịch vụ ngân hàng số giúp mang đến nhiều dịch vụ mới cho khách hàng, giúp khách hàng có những trải nghiệm mới, giữ chân khách hàng, tiếp cận được nhiều nhiều khách hàng hơn ở không gian không bị giới hạn bởi những điều kiện vật lý, địa lý...”.

Do đó, theo TGĐ TPBank, việc thực hiện ngân hàng số vừa thuận lợi, vừa khó khăn nhưng buộc các ngân hàng phải đi theo.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện hành lang pháp lý còn nhiều quy định chưa tương tích với bối cảnh số hoá dịch vụ. Điều này đòi hỏi việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như xây dựng hành lang pháp lý mới nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán trong kỷ nguyên số là rất cần thiết.

Về các giải pháp của NHNN, cơ quan quản lý tập trung hoàn thiện quy định nhà nước về an ninh, an toàn, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, bảo mật thông tin, tăng cường kiểm tra giám sát công tác thanh toán thẻ, đẩy mạnh truyền thông về bảo mật, cảnh giác và cẩn trọng ở khách hàng. NHNN cũng phối hợp với cơ quan Công an điều tra làm rõ nguyên nhân, hành vi gian lận, cảnh báo tổ chức tín dụng và người sử dụng để nâng tính bảo mật.

Theo ý kiến của một số tổ chức tín dụng, trước mắt cần nhanh chóng sửa đổi quy định tại Nghị định hướng dẫn Luật phòng chống rửa tiền và các hướng dẫn liên quan để cho phép mở tài khoản không bắt buộc phải trực tiếp; áp dụng thực tiễn thông lệ quốc tế về nhận biết khách hàng, đảm bảo vẫn nhận diện, xác thực chính xác khách hàng dựa trên nền tảng công nghệ mới (sinh trắc học, trí tuệ nhân tạo); kết nối chia sẻ dữ liệu giữa ngành ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc quy định phân loại tài khoản theo cấp độ với hạn mức giao dịch và phạm vi sử dụng khác nhau...