Ngân hàng rục rịch hạ lãi suất

ANTD.VN - Sau thông báo giảm lãi suất điều hành 0,25% và giảm trần lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực, đối tượng ưu tiên từ ngày 10-7 của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng bắt đầu có những động thái đầu tiên.

Các ngân hàng chỉ tập trung giảm lãi suất đối với các lĩnh vực và đối tượng ưu tiên

Đánh giá về quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và động thái giảm lãi suất một số lĩnh vực ưu tiên của các ngân hàng thời gian qua, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, điều này thể hiện rõ nét thông điệp của ngành ngân hàng đó là đồng hành cùng doanh nghiệp.

Tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên

Ngay sau các quyết định của NHNN, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã quyết định giảm 0,25% lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch xếp hạng AA trở lên. Ngân hàng này cũng giảm mức lãi suất các khoản vay ngắn hạn đối với một số ngành nghề ưu tiên theo quy định của NHNN chỉ còn tối đa là 6%/năm, thấp hơn 0,5%/năm so mức trần NHNN quy định.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cũng đã ra thông báo áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các doanh nghiệp giảm từ 0,5% đến 1%, tùy lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp, thời gian quan hệ tín dụng với VPBank, mức độ đa dạng các sản phẩm ngân hàng mà doanh nghiệp sử dụng cũng như chất lượng thanh toán nợ từ 10-7. 

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cũng triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ngắn hạn VND tối đa là 6,5%/năm trong suốt thời hạn vay nhằm đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn sản xuất, kinh doanh đối với các khách hàng đang hoạt động trong 5 lĩnh vực ưu tiên...

Khối ngân hàng TMCP Nhà nước cũng ra thông báo giảm lãi suất với một số đối tượng, lĩnh vực. Ngay trong ngày 10-7, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV ra thông báo áp dụng mức trần lãi suất 6,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn VND các đối tượng ưu tiên theo quy định của NHNN.

Cụ thể, BIDV cho biết sẽ áp dụng mức lãi suất tối đa 6,0%/năm (thấp hơn so với quy định của NHNN 0,5%/năm) đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN; doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, doanh nghiệp có quan hệ tín dụng thường xuyên từ 3 năm trở lên và có năng lực tài chính, vốn tự có tham gia phương án sản xuất kinh doanh, khoản vay dự án hiệu quả.

Ngân hàng này cũng áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 5,5%/năm đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung.

Ngân hàng CP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank cũng thông báo điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên thêm 0,5%/năm. Còn Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Agribank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm. 

Không lo tăng trưởng nóng

Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh việc hưởng ứng chủ trương của NHNN, việc các ngân hàng giảm lãi suất trước tiên sẽ tốt cho bản thân ngân hàng. Dù lợi nhuận có thể bị co hẹp bớt nhưng điều này sẽ giúp các ngân hàng khơi thông dòng vốn tín dụng, dễ dàng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% trong năm nay.

Dù nhiều ý kiến cho rằng mức giảm lãi suất theo quy định của NHNN còn chưa sâu nhưng theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính - ngân hàng, đây là mức giảm thận trọng và hợp lý, vì nếu giảm sâu quá sẽ khiến các ngân hàng thương mại không dám cho vay đối với những lĩnh vực ưu tiên vì lợi nhuận quá eo hẹp. 

TS Cấn Văn Lực cũng đánh giá việc các ngân hàng chủ yếu giảm lãi suất ở những lĩnh vực ưu tiên sẽ không làm tín dụng tăng trưởng “nóng”. Hiện nay, những lĩnh vực ưu tiên này chỉ có mức tăng khoảng 12 - 14% nên còn dư địa để tăng tiếp. “NHNN chỉ giảm lãi suất cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên chứ không giảm đại trà, không để dòng vốn đổ vào các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao. Vì vậy, quan trọng là các tổ chức tín dụng cần tuân thủ nghiêm túc yêu cầu này để dòng vốn vào đúng chỗ” - vị chuyên gia cho biết.

Một điểm khác trong đợt điều chỉnh lãi suất lần này là NHNN quyết định không giảm trần lãi suất huy động nhưng lại yêu cầu các ngân hàng giảm trần lãi suất cho vay. Theo các chuyên gia, theo logic thông thường thì phải điều chỉnh lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay mới giảm.

Tuy nhiên, trong thời điểm này, nếu điều chỉnh giảm lãi suất huy động sẽ khiến dòng tiền rút khỏi ngân hàng “chảy” sang các kênh khác, gây nên rủi ro và cũng khó huy động vốn cho hệ thống ngân hàng dẫn đến lãi suất khó mà giảm được. Vì vậy, việc giữ nguyên lãi suất huy động cũng được cho là quyết định thận trọng của NHNN.